Lấy quỹ đất hai bên đường để đấu giá

17/03/2011 // No Comment // Categories: Bất động sản.

“Khi làm đường phải thu hồi đất ở hai bên đường để đấu giá. Tiền thu được dùng để bồi thường, giải phóng mặt bằng và làm đường” – ông Nguyễn Đức Biền – Trưởng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội đưa ra ý kiến.

Người có đất ra mặt đường phải đóng tiền

Sau khi mở đường, xây dựng các khu đô thị, giá trị quyền sử dụng đất tăng lên gấp nhiều lần so với trước. Nhiều người có đất được hưởng lợi từ việc đầu tư của nhà nước, đất của họ bỗng nhiên có giá hơn trước gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, nhà nước chưa điều tiết được giá trị tăng lên của những người còn đất sau thu hồi. Kèm theo đó là chưa tạo được sự công bằng giữa người bị thu hồi đất và người còn đất. Nhà nước chưa có chính sách thu chênh lệch, để điều tiết lại hoặc bổ sung ngân sách để tái đầu tư…

Từ thực tế này, tại buổi tổng kết thi hành Luật Đất đai của Hà Nội diễn ra mới đây, UBND TP đã kiến nghị: Thu tiền chênh lệch sau khi nhà nước mở đường, xây dựng các khu đô thị. Một phần cho những người bị thu hồi đất, một phần bổ sung lại nguồn tiền từ ngân sách đã bỏ ra để làm hạ tầng.

Lấy quỹ đất hai bên đường, để đấu giá dự án có sử dụng đất, làm tăng nguồn thu cho ngân sách. Các trường hợp khác, sau khi quy hoạch, khu đất ra mặt đường, thì người có đất phải nộp tiền cho nhà nước phần giá trị tăng lên, gọi là chênh lệch lợi thế địa tô.

“Khi làm đường phải thu hồi đất ở hai bên đường, mỗi bên 50m. Nơi này làm khu thương mại, nhà ở… Đồng thời, lấy nhà ở đó làm khu tái định cư. Như vậy, vừa tạo ra tiền để bồi thường giải phóng mặt bằng, làm đường.

Mặt khác, tuyến phố hai bên đường được quy hoạch bài bản, đẹp đẽ, đường ra đường, phố ra phố. Tránh được tình trạng xuất hiện nhà siêu mỏng, siêu méo sau khi làm đường như hiện nay” – ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội nêu ý kiến.

Bán đất thuê để hưởng lợi

Tại buổi tổng kết thi hành luật đất đai, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cũng đã chỉ ra hiện tượng doanh nghiệp trục lợi bất chính. Cụ thể là hiện nay, một số doanh nghiệp đang hưởng lợi dựa trên việc thuê đất. Các doanh nghiệp này bán đất được thuê với giá hàng chục triệu đồng/m2.

Một số trường hợp chưa được cấp giấy đỏ, cũng bán đất. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không quan tâm đến sản xuất, mà chỉ kinh doanh BDS trên đất được thuê. Như vậy, nhà nước thất thu, doanh nghiệp đình trệ sản xuất.

Bởi vậy, theo kiến nghị của ông Khanh, cần có chính sách thuế hợp lý, tăng mức thuế đối với trường hợp chuyển nhượng tài sản trên đất thuê. Trong khu vực nội thành không cho thuê đất, mà giao đất có thu tiền sử dụng đất có thời hạn đối với các dự án thương mại, dịch vụ. Như vậy mới đảm bảo chống thất thoát khi các doanh nghiệp chuyển nhượng tài sản, bán công ty sau khi thuê được đất.

Về việc bồi thường, hỗ trợ đối với người bị thu hồi đất, lãnh đạo TP cũng đã chỉ ra những bất hợp lý. Người chấp hành chính sách của nhà nước thì bị thiệt thòi. Người chây ì, không thực hiện theo chính sách thì được hưởng lợi. Dẫn đến tình trạng vi phạm về đất đai không giảm.

“Nhiều người lấn chiếm đất công, lấn chiếm ao hồ, đường đi. Nhưng theo quy định, đất đó người dân sử dụng trước ngày 15/10/1993, phù hợp với quy hoạch, thì đất đó được công nhận đó là hợp pháp. Như vậy là không khách quan.” Ông Nguyễn Đức Biền chỉ rõ.

Về quyền sở hữu đất đai, theo UBND TP Hà Nội, Luật Đất đai 2003 quy định về các quyền của chủ sở hữu – nhà nước không cụ thể, rõ ràng. Trong khi đó, quyền của người sử dụng được quy định quá rộng và chi tiết, lại lẫn với quyền của chủ sở hữu. Điều này dẫn đến việc vận dụng các quy định này vào thực tế mỗi nơi một khác, mà không có đủ căn cứ để đánh giá đúng, sai.

Do đó, ông Khanh cho rằng cần bổ sung các quy định cụ thể về quyền của người chủ sở hữu đất đai – nhà nước. Trong đó, quyền định đoạt của nhà nước cụ  thể  gồm những nội dung gì. Cùng với đó, xác định cụ thể một số quyền của người sử dụng đất…

Theo Dantri

Comments are closed.