“Chưa biết giá điện có tăng tiếp từ 1/6 hay không”

25/04/2011 // No Comment // Categories: Tin chuyên ngành.

Theo tinh thần Quyết định 24 của Thủ tướng mới ban hành, từ 1/6 tới giá điện sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường.

Điều đó có nghĩa là, nếu giá đầu vào, nguyên nhiên liệu để sản xuất điện biến động tăng giảm thì giá bán điện cũng được điều chỉnh tương ứng, không có chuyện Nhà nước “kìm” giá mãi như trong suốt nhiều năm qua.

Trên thực tế, nếu xét về cả lý và tình, người tiêu dùng điện hoàn toàn ủng hộ chủ trương đó của Chính phủ vì doanh nghiệp kinh doanh thì phải có lãi và ngân sách quốc gia cũng không thể kham mãi được nếu đúng là ngành điện đang thực lỗ.

Thế nhưng, điều mà dư luận quan tâm nhất hiện nay, đó chính là cùng với nội dung trên, Thủ tướng cho phép bên bán điện sắp tới mỗi năm sẽ được điều chỉnh giá bán điện tối đa 4 lần nếu các yếu tố trên có biến động. Đây có thể sẽ là một “cú sốc” với người tiêu dùng, bởi cách đây chưa lâu, chỉ đạo của Chính phủ là giá điện chỉ được điều chỉnh mỗi năm một lần.

Tại buổi họp báo công bố quyết định của Thủ tướng về việc thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường do Bộ Công Thương tổ chức chiều 22/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã trả lời mọi thắc mắc của báo giới xung quanh quyết định này. Tuy nhiên, có một điều mà lãnh đạo Bộ Công Thương cũng không dám chắc là sắp tới giá điện chưa biết có tăng tiếp hay không.

Ông Vượng nói:

- Việc Thủ tướng ban hành Quyết định 24 là nhằm từng bước đưa ngành điện Việt Nam tiếp cận với thị trường điện cạnh tranh. Do từ trước đến nay nhà nước vẫn phải bù lỗ cho ngành điện nên mục đích của việc thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường là nhằm đảm bảo sự công bằng, khách quan trong hạch toán kinh doanh điện.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các đơn vị sản xuất điện, bán điện được phép tùy ý điều chỉnh giá điện mà phải căn cứ vào sự biến động của các yếu tố đầu vào, tỷ giá… và tối thiểu thì 3 tháng mới được điều chỉnh một lần.

Như vậy, chỉ cần căn cứ vào quyết định này, bắt đầu từ 1/6 tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ có quyền tăng giá điện bởi vừa qua, cả cơ quan quản lý lẫn EVN đều khẳng định giá điện phải tăng tới 62% (thay vì 15,28%) thì mới phản ánh đúng chi phí?

Tại thời điểm này, chúng ta chưa đủ cơ sở để nói giá điện từ 1/6 có điều chỉnh không. Quyết định 24 của Thủ tướng đã nói giá điện sẽ được điều chỉnh khi 3 thông số đầu vào cơ bản là tỷ giá, nhiên liệu và cơ cấu sản lượng điện có biến động lớn, tức là từ 5% trở lên thì EVN mới được điều chỉnh giá bán điện.

Hiện chúng tôi đang hoàn thiện bản hướng dẫn tính toán giá bán điện theo biến động của thông số đầu vào này, dự kiến sẽ ban hành vào tháng 5. Như vậy, số liệu đầu vào từ tháng 3 đến tháng cuối tháng 5 nếu so với giá bình quân của đầu vào đã được tính cho giá điện áp dụng từ 1/3 có thay đổi hơn 5% thì chúng tôi xem xét có điều chỉnh hay không.

Có nghĩa là hễ cứ “đầu vào biến động” thì EVN được phép tăng giá điện mà không cần phải lấy ý kiến của các bộ ngành, tổ chức xã hội khác?

Quyết định 24 của Thủ tướng cho phép EVN tự điều chỉnh giá điện theo nguyên tắc tôi vừa nói trên. Nếu điều chỉnh theo cơ chế tự động như vậy, việc giá điện tăng, giảm chỉ cần tham khảo ý kiến Bộ Công Thương, Bộ Tài chính mà không tham khảo ý kiến các đoàn thể khác.

Chỉ khi nào điều chỉnh toàn diện giá điện thì mới tham khảo ý kiến các tổ chức đoàn thể để đảm bảo giá điện đáp ứng lợi ích xã hội. Hoặc trong trường hợp đầu vào biến động trên 5% thì phải báo cáo Thủ tướng. Sau 15 ngày nếu Thủ tướng không có ý kiến thì EVN được tăng. Điều này để đảm bảo giá điện bám sát một cách nhanh theo đúng thị trường.

Tất nhiên, trong mọi trường hợp, chúng tôi cũng phải xem xét việc điều chỉnh giá đó có phù hợp không, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, kinh tế vĩ mô như thế nào mới đưa ra quyết định chính thức.

Nhưng liệu việc thực hiện giá theo cơ chế thị trường có thật khách quan khi mà EVN vừa là “tổng mua” vừa là “tổng bán, thậm chí có ý kiến phản ánh tập đoàn đã ép mua điện giá rẻ?

Với giá EVN mua vào, sắp tới Bộ Công Thương sẽ ban hành Thông tư 41 nhằm chỉ đạo EVN nhanh chóng chuyển đổi các hợp đồng mua bán điện. Cụ thể là sẽ quy định giá điện của EVN mua gồm hai thành phần: giá cố định và giá biến đổi. Giá biển đổi cũng sẽ phụ thuộc giá đầu vào: khi giá nhiên liệu, tỷ giá thay đổi thì giá điện EVN mua vào cũng sẽ được điều chỉnh.

Còn chuyện mua điện giá rẻ của EVN vừa qua là do có một số thủy điện nhỏ được triển khai trong khi thủ tục đầu tư chưa đầy đủ. Tuy nhiên, có chủ đầu tư chưa ký được hợp đồng mua bán điện với EVN, đã triển khai. Họ xây xong mà điện lực chưa ký hợp đồng, chưa xây dựng được đường dây truyền nên chưa thể mua hết được. Nghĩa là điện lực chưa sẵn sàng mua nên họ phải bán rẻ.

Theo quyết định của thủ tướng, từ 1/7 năm nay chúng ta sẽ vận hành thử nghiệm thị trường phát điện cạnh tranh. Tuy nhiên, chúng ta phải biết được để tiến tới thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo thì chúng ta còn phải đi một quãng đường rất dài nhưng nếu chúng ta không chuẩn bị từ bây giờ thì sẽ không bao giờ có thị trường điện cạnh tranh được.

Thưa ông, chúng ta cũng từng lập quỹ bình ổn giá xăng dầu và hiệu quả không như mong muốn. Vậy tại sao Bộ lại đề xuất tiếp tục thành lập quỹ bình ổn giá điện?

Việc lập quỹ bình ổn giá điện sẽ lấy từ kinh phí sản xuất kinh doanh điện. Tuy nhiên, việc điều hành và quản lý quỹ này sẽ do Bộ Tài chính chủ trì và sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Tôi cho rằng, cũng như các quỹ bình ổn khác, quỹ bình ổn giá điện được hình thành, quản lý và sử dụng để làm sao bình ổn giá điện, để giá điện không ảnh hưởng nhiều tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội. Những hạn chế của các quỹ bình ổn khác từ trước tới nay sẽ được chúng tôi và Bộ Tài chính tham khảo cân nhắc, xem xét lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.

Nếu thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường thì Nhà nước có bù lỗ cho EVN nữa không và các hộ thu nhập thấp, hộ nghèo có được hỗ trợ giá điện không?

Khi ban hành quyết định giá điện theo cơ chế thị trường, Chính phủ đã rất thận trọng và đã có chính sách hỗ trợ cho các hộ thu nhập thấp, các hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Trong tương lai, nếu tăng giá điện ảnh hưởng đến nhân dân, hộ nghèo thì chắc chắn, sẽ phải xem xét mức tác động tới các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, khi giá điện theo thị trường sẽ không còn có sự bù chéo giá điện nữa. Mục tiêu của Chính phủ là làm sao giá điện phải phản ánh được chi phí sản xuất, từ đó buộc các ngành sản xuất phải tính toán việc lựa chọn công nghệ tiết kiệm năng lượng hơn, qua đó sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.

Còn chuyện bù lỗ cho EVN hay không còn phụ thuộc vào biến động của các yếu tố đầu vào của giá điện.

Theo Vneconomy

Comments are closed.