Quản lý vàng thế nào cho hiệu quả ?

26/04/2011 // No Comment // Categories: Vàng.

Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng, hoạt động XNK vàng cần được thực hiện linh hoạt thường xuyên thay vì cơ chế hạn chế cấp phép như hiện nay.

Thống nhất cho rằng thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về việc siết chặt quản lý sản xuất và kinh doanh vàng miếng là cần thiết, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đã đưa ra hàng loạt giải pháp cụ thể để thực hiện việc quản lý mặt hàng đặc biệt này, nhất là trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, sở dĩ thị trường vàng Việt Nam chưa phát triển ổn định là do hành lang pháp lý đối với hoạt động kinh doanh vàng chưa hoàn thiện.

Lỗ hổng pháp lý cần “lấp”

Thực tế là Nghị định 174/1999/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành cách đây đã 12 năm, đến nay nhiều nội dung không còn phù hợp, nhưng vẫn chưa được sửa chữa, bổ sung.

Trong khi đó, Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH lại chỉ quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý vàng thuộc ngoại hối dự trữ quốc gia, vàng của người cư trú trên tài khoản ở nước ngoài và vàng khi xuất nhập khẩu (XNK). Còn vàng lưu thông trên thị trường trong nước thì chưa được quy định cụ thể, đặc biệt là việc kinh doanh vàng miếng hiện chưa có chế tài điều chỉnh.

Liên quan đến việc quản lý hoạt động vàng theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng đây là việc làm cần thiết, tuy nhiên, cần có lộ trình cụ thể.

Không nên hạn chế nhập khẩu vàng?

Kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng, hoạt động XNK vàng cần được thực hiện linh hoạt thường xuyên thay vì cơ chế hạn chế cấp phép như hiện nay.

Theo Hiệp hội, nền kinh tế Việt Nam có tới hơn 80% nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh phụ thuộc vào nhập khẩu, trong khi hoạt động xuất khẩu lại không bù đắp được nguồn ngoại tệ thiếu hụt. Chính vì vậy, việc quản lý tốt hoạt động XNK vàng sẽ góp phần không nhỏ trong việc cân bằng cán cân thanh toán ngoại tệ. Bởi vàng là mặt hàng có khả năng xuất khẩu đem về nguồn ngoại tệ nhanh nhất hiện nay.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc hạn chế nhập khẩu vàng đã làm cho giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế, kích thích việc thu gom ngoại tệ (USD) để nhập lậu vàng, dẫn tới thị trường ngoại tệ tự do bị hỗn loạn, tỷ giá bị đẩy lên cao. Hiệp hội cho rằng, cơ chế cấp phép nhập khẩu vàng vừa qua chưa có tác dụng bình ổn giá vàng lâu dài vì thực chất nhu cầu mua vàng của người dân để đầu tư, tích lũy là thường xuyên, cao hơn nhiều so với nguồn cung thông qua các đợt cấp phép nhập khẩu vàng vừa qua.

Do đó, về trung và dài hạn, khi nền kinh tế ổn định, lạm phát được kiềm chế thì không nên hạn chế XNK vàng, mà chỉ cần điều tiết thông qua chính sách thuế. Thuế nhập khẩu vàng hiện hành ở mức 0%, có thể tăng lên 5%. Ngược lại, mức thuế xuất khẩu vàng 10% như hiện nay lại là cao, vì tỷ suất lợi nhuận kinh doanh vàng không thể vượt quá 1%. Với mức 10% thì hoạt động xuất lậu vàng ắt sẽ gia tăng, diễn biến phức tạp. Vì vậy, Hiệp hội khuyến nghị nên giảm thuế xuất khẩu vàng xuống 0% như trước đây hoặc ở mức 0,5% là hợp lý.

Bị “siết”, vàng miếng giảm giá trị thương hiệu

Việc quản lý kinh doanh vàng miếng đang có nhiều ý kiến tranh luận. Hiện cả nước có 8 thương hiệu vàng miếng (2 thương hiệu vàng miếng SJC và PNJ đã được Nhà nước công nhận đạt chuẩn thương hiệu quốc gia), trong đó vàng miếng của SJC chiếm 90% thị phần.

Trước đây khi chưa có vàng miếng, người dân chỉ có thể mua trang sức để cất trữ. Điều này dẫn tới nhiều thiệt thòi cho người mua vì tuổi vàng, chất lượng vàng không được đảm bảo. Vàng miếng ra đời đã hạn chế được tình trạng gian lận, bớt tuổi vàng. Đây cũng là bước tiến phù hợp với xu thế hội nhập.

Không giống với đồng đô la, vàng miếng hiện nay gần như chỉ là sản phẩm hàng hóa giúp người dân cất giữ, bảo toàn giá trị tài sản, không có chức năng tiền tệ như nhiều năm trước.

Theo ông Nguyễn Thành Long, nhu cầu cất giữ vàng là nhu cầu có thật trong dân. Việc cấm kinh doanh vàng miếng sẽ khiến người dân chuyển sang mua vàng dưới dạng nhẫn, vòng kiềng, hay các sản phẩm mỹ nghệ… Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm.

Mặt khác, các thương hiệu vàng miếng của Việt Nam hiện đang được giao dịch phần lớn tại các quốc gia trong khu vực như Hồng Kông, Thái Lan, Singapore, Campuchia, Lào… Cấm kinh doanh vàng miếng sẽ làm giảm uy tín thương hiệu quốc gia về vàng miếng của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Từ những phân tích trên, giải pháp mà Hiệp hội Kinh doanh vàng đề xuất là nên quy định điều kiện kinh doanh vàng miếng để giảm bớt các cửa hàng, hộ kinh doanh vàng cá thể. Cùng với đó là việc hình thành các sở giao dịch vàng quốc gia nhằm góp phần tạo sân chơi minh bạch, bình đẳng, giảm thiểu nhu cầu tích trữ vàng miếng trong dân, giảm các hình thức giao dịch bất hợp pháp, giảm thiểu tình trạng xuất nhập lậu vàng…

Theo CafeF

Comments are closed.