Chính sách tiền tệ 2011: Thận trọng và giảm tăng trưởng

31/12/2010 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm, Tin trong nước.

Việc giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2010 xuống còn 23% được đặt ra trong bối cảnh các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ sẽ được thực hiện một cách thận trọng với định hướng chung, nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Điều hành thận trọng

Sau hai ngày làm việc với các tổ chức tín dụng (TCTD), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phát đi thông tin sẽ điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2011 theo hướng thận trọng, chủ động và linh hoạt, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Với định hướng này, các chỉ tiêu chính trong năm 2011 sẽ được điều chỉnh theo xu hướng giảm so với các chỉ tiêu trong năm 2010. Theo đó, tổng phương tiện thanh toán trong năm tới được khống chế tăng ở mức 21-24%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 23% (so với mức mục tiêu 25% của năm 2010) và tập trung mạnh cho sản xuất. Lãi suất và tỉ giá trong năm mới cũng sẽ được điều hành ở mức phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của NHNN.

Nhấn mạnh chính sách tỉ giá và ngoại hối, Thống đốc NHNN – ông Nguyễn Văn Giàu – cho hay, tỉ giá và quản lý ngoại hối trong năm 2011 sẽ linh hoạt hơn theo tín hiệu thị trường, phù hợp với diễn biến lãi suất, cân đối hài hòa cung – cầu ngoại tệ. Sự điều hành này nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường và thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, giảm dần tình trạng đôla hoá trong nền kinh tế, thực hiện đa dạng hóa ngoại tệ trong thanh toán. Thị trường vàng và thị trường ngoại tệ cũng sẽ được theo dõi và quản lý chặt chẽ hơn.

Riêng đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN sẽ tiếp thực thi các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng, đánh giá thực trạng chất lượng tín dụng của các TCTD. Đồng thời củng cố, sắp xếp lại các TCTD phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; tăng cường thanh tra, giám sát, đặc biệt là giám sát từ xa nhằm phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Lường trước

Trước khi NHNN đưa ra định hướng trên, Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia (Hội đồng tư vấn) trong phiên họp cuối cùng của năm 2010 cũng khẳng định, cơ chế điều hành chính sách tiền tệ cần phải được xác định rõ ngay từ đầu năm 2011, công khai, minh bạch và thực hiện xuyên suốt trong cả năm 2011. Dù khẳng định chính sách tiền tệ năm 2011 vẫn tiếp tục theo hướng chủ động, linh hoạt và thận trọng, song Hội đồng tư vấn cũng cho rằng, NHNN cần sử dụng chủ động và linh hoạt các công cụ thuộc thẩm quyền như lãi suất, tỉ giá.

Đồng thời thay thế dần công cụ hành chính bằng công cụ thị trường để kiểm soát lạm phát, ổn định tiền tệ và an toàn hệ thống, bảo đảm thanh khoản nền kinh tế, lưu thông thông suốt cả nội tệ và ngoại tệ. Một điểm quan trọng theo Hội đồng tư vấn, hiệu quả hoạt động của thị trường liên ngân hàng cần được nâng cao qua đó điều tiết thị trường, điều hành lãi suất hiệu quả nhằm tạo ra mặt bằng lãi suất hợp lý, phản ánh đúng cung-cầu vốn thị trường.

Các chính sách vĩ mô trên đây, theo Hội đồng tư vấn, được đưa ra hướng đến mục tiêu hàng đầu trong năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm. Thực tế, các chỉ tiêu như tăng trưởng tín dụng hay tăng tổng phương diện thanh toán đạt được đến cuối năm 2010 đều vượt so với các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra từ đầu năm là khoảng 25%. Trong đó tăng trưởng tín dụng ước đạt tới 29,81%, tổng dư nợ tăng 27,6% và tổng phương tiện thanh toán tăng 25,3% so với cuối năm 2009.

Đóng góp vào mức tăng dư nợ tín dụng chung, tăng trưởng tín dụng giữa VND và ngoại tệ cũng chứng kiến sự lệch pha. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất trên thị trường cũng chứng kiến nhiều bất ổn khi có thời điểm lãi suất huy động VND được đưa lên đến 17-18%/năm. Sự bất ổn của lãi suất đầu vào khiến lãi suất cho vay cũng tăng cao, đạt đỉnh 20-21%/năm và khiến tín dụng vào một số nhóm khách hành như tiêu dùng, phi sản xuất có thời điểm rơi vào tình trạng đóng băng.

Theo  LĐ

Comments are closed.