Chứng khoán ngày 27/5: Bắt đầu phân hóa

27/05/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Dòng tiền không còn chạy vào ồ ạt ở tất cả các cổ phiếu nữa. Phiên đảo chiều thứ hai liên tục bắt đầu lộ diện những cổ phiếu có lực.

Một điểm dễ nhận thấy trong phiên hôm nay là thanh khoản đã yếu đi nhiều. Trên mặt bằng chung, HSX giảm 37% giá trị và HNX giảm 46%. Khá nhiều cổ phiếu đã bắt đầu có dư bán nhưng khối lượng giao dịch đã yếu đi đáng kể, trong khi một số khác vẫn dư mua trần lớn. Điều đó cho thấy lực cầu không phân bổ một cách đồng đều.

Như đã nói từ phiên trước, sự chọn lọc sẽ ngày càng rõ ràng hơn vì nguồn lực có giới hạn. Dư bán dưới giá trần còn lớn mà thanh khoản không tăng lên phản ánh sự cẩn trọng của người mua. Dĩ nhiên với những mã dư mua trần, thanh khoản sụt giảm là điều đương nhiên vì người mua không chịu bán.

Quan sát bảng điện có thể thấy lực mua trần tại HNX mạnh hơn, một phần vì cách tính giá bình quân ở sàn này. Hôm qua, tỉ trọng khối lượng giao dịch tại giá sàn quá lớn khiến giá bình quân (là mức tham chiếu hôm nay) không được cải thiện bao nhiêu, bất chấp cuối phiên được đẩy lên kịch trần. Do đó tranh mua trần hôm nay cũng không khác biệt nhiều lắm so với tranh mua trần hôm qua. Với mức giá tương đương, chỉ mất lợi thế về ngày T nên nhà đầu tư vẫn chấp nhận rủi ro.

Ngược lại, tại HSX, khác biệt là rất lớn nên người mua tỏ ra cẩn trọng. Lực mua chỉ mạnh lên khi cầu chứng tỏ thực lực tốt. SSI là ví dụ khi mở cửa chỉ ở mức tham chiếu, thanh khoản sụt giảm, dư bán trần lớn. Rõ ràng người mua đã không sẵn sàng đua giá cao. Càng về cuối ngày, khi cầu mạnh dần lên và duy trì được thời gian tương đối dài, dòng tiền mới mới thực sự tham gia mạnh.

Khoảng sau 10h, SSI mới xuất hiện các lệnh lớn vào đẩy giá vượt qua ngưỡng 17.200 đồng. Tốc độ giao dịch tăng lên đáng kể. Chừng nào nguồn tiền chủ động đẩy giá lên còn đủ mạnh, những nhà đầu tư cẩn trọng mới chấp nhận giải ngân một phần vốn vào. Tốc độ giao dịch cho thấy hoạt động mua khá quyết liệt. Tuy nhiên SSI vẫn là một trong những blue-chip trên cả hai sàn không thực sự được chặn mua trần đủ lớn.

Thực ra diễn biến tâm lý này cũng đến với nhiều mã như KLS, PVX, VCG, PVA, BVS, HAG, ITA… Nói chung là nhóm cổ phiếu lớn trên cả hai sàn đều có những phút do dự nhất định. Nguồn lực mới bổ sung chỉ tham gia sau khi nhận thấy bên mua đủ mạnh để tiếp tục đỡ giá sau một phiên bùng nổ về thanh khoản như hôm qua.

Diễn biến về điểm số hôm nay không có nhiều ý nghĩa bằng dao động giá. BVH, MSN, VIC, VNM tăng mạnh ngay cả những phút HSX trùng xuống cũng đủ đảm bảo một mức tăng về điểm số tốt. Điểm đáng quan tâm hơn là liệu hôm nay lực cầu có còn đủ sức tiếp nối hôm qua hay không, hay phiên trước chỉ là một hành động “mồi” dòng tiền cơ hội? Mặt khác, liệu áp lực bán của những người nghi ngờ, cũng như hoạt động cắt lỗ bắt buộc đã được giải phóng hết?

Trên góc độ số lượng cổ phiếu tăng giảm, HSX phản ánh rõ nét hơn về sự phân hóa. Số mã kịch trần giảm đi, trong khi số tăng giá tăng lên. Dư bán giá cao đã xuất hiện và cầu không đủ sức mua vào báo hiệu khả năng suy yếu ở nhiều mã. Bù lại, cũng không ít cổ phiếu cho thấy dòng tiền lớn đang thực sự vào. Đa số các mã này thuộc nhóm blue-chip.

Điều này cũng dễ hiểu vì mức độ giảm là như nhau thì nhóm blue-chip bao giờ cũng hấp dẫn hơn. Thanh khoản tốt, yếu tố cơ bản đảm bảo thì dòng vốn thường ưu tiên chạy vào trước, từ cả góc độ đầu cơ lẫn đầu tư. Điều này cũng rất lành mạnh trong một xu hướng tăng bền vững.

Dù vậy khả năng điều chỉnh vẫn còn và có lẽ một phần lớn dòng vốn chậm chân hai ngày qua vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Thử thách đầu tiên sẽ là T+4 của khối lượng bắt sàn về đến tài khoản. Lợi nhuận có được là tương đối lớn vì những ai bắt đáy thành công vừa có lợi thế về thời gian, vừa có lợi thế về dao động trong ngày đầu tiên.

Nếu thị trường thực sự đi vào một chu kỳ phục hồi, mức tăng sẽ không chỉ đếm bằng T+, do đó cơ hội cho người cầm tiền còn nhiều. Lực mua tại các phiên điều chỉnh tới đây sẽ củng cố thêm độ cứng của đáy.

Theo Vneconomy

Comments are closed.