Chứng khoán ngày 30/5: Tiệc tàn nhanh?

30/05/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Tiền mới không chịu vào, hay không có nhiều tiền mới? Sự hưng phấn của 2 phiên tăng điểm trước đó đã không chứng tỏ được nhiều về thực lực hôm nay.

Thị trường đã tỏ ra đuối sức ngay ngày T+2 kể từ phiên bắt đáy ồ ạt ngày 26/5.  Lực cầu đã không được tiếp nối, thậm chí yếu đi rất nhanh chóng. Ngược lại, áp lực bán rẻ ở nhiều mã đột ngột tăng lên bất ngờ.

Lượng hàng bắt sàn hôm 26/5 có lẽ là nhóm duy nhất có lãi cho đến hôm nay. Hiện khối lượng này vẫn còn chưa về tài khoản. Áp lực bán phiên này vẫn chỉ là cắt lỗ chiếm vị trí chủ đạo. Cắt lỗ với mức độ kiên quyết, ép giá giảm rất mạnh, thậm chí nằm sàn la liệt là điều hiếm thấy.

Như đã nói từ vài hôm trước, vẫn còn một khối lượng lớn nhà đầu tư đứng ngoài, hoặc mới bỏ một phần vốn vào bắt đáy. Liệu cơ hội khi giá quay về đáy cũ, lượng vốn này có tiếp tục mua hay không? Có lẽ khả năng phục hồi chỉ có thể trông vào nguồn lực này.

Phiên sụt giảm hôm nay cho thấy dòng tiền mới khá yếu. Bất chấp tâm lý đã tốt lên, dòng tiền mới không đủ mạnh để duy trì một tương quan cân bằng với lượng cung thông thường, chứ chưa nói đến lượng cung giá cao. Tính chung cho hai phiên 26-27/5 vừa qua, đã có hơn 2.200 tỷ đồng (tính cả thỏa thuận) tham gia “chia lửa” cùng những người bị kẹp hàng từ trước.

Mức độ phân hóa hôm nay càng sâu sắc hơn. Những cổ phiếu yếu giảm rất mạnh và khả năng lỗ T+4 là cao. Ngay với những người bắt đúng giá sàn hôm 26/5, cũng rất khó nói về khả năng có lãi khi hàng đã sẵn sàng để bán. Chỉ những ai có khả năng vay mượn cổ phiếu để khoanh lãi T+ mới có thể an tâm vào lúc này.

Một số cổ phiếu tưởng như mạnh mẽ trong phiên cuối tuần trước như SSI, KLS, PVX vẫn bị bán ép giá kinh khủng. Có khả năng hàng giải chấp ở những mã này vẫn còn vì cách thức giao dịch rất quyết liệt. SSI bị công phá giá sàn rất nhanh chóng bằng các lệnh bán lớn. Hai phiên trước SSI khớp lệnh cực lớn nhưng hôm nay hàng vẫn còn quá dồi dào. KLS cũng bị ép giá rất mạnh dù bên mua thực lực cũng không nhỏ.

Một điểm khá dở hôm nay là thanh khoản sụt giảm mạnh. Thường thì điều chỉnh sẽ là cơ hội để những người không mua được trong 2 phiên tăng mạnh trước đó vào hàng. Từ góc độ này thì rõ ràng tiền vào rất ít. Điều đó nghĩa là người chậm chân vẫn ngại rủi ro. Một phần vốn đã bỏ ra bắt đáy sẽ phản ứng như thế nào khi giá quay trở lại mức mua và thậm chí có thể xuống dưới giá đó?

VN-Index điều chỉnh khá nhẹ và có thể đã xác lập đáy 370 điểm nhưng chắc chắn đa số cổ phiếu có rủi ro phá đáy là cao. BVH, MSN, VIC hôm nay tăng giá cho thấy điều này và tác động kìm giữ Index được lặp lại. Tuy nhiên nếu thống kê thì số lượng cổ phiếu có giá đóng cửa hôm nay cao hơn mức thấp nhất của ngày 26/5 không nhiều và mức lãi cũng còn khá mỏng.

Thống kê này dựa trên cơ sở những nhà đầu tư tham gia mua được giá sàn của phiên ngày 26/5, thì mức lãi chấp nhận được (từ 10% trở lên) chỉ còn 56 cổ phiếu tại HSX và 77 mã tại HNX. Một phần rất lớn trong số này sẽ bốc hơi thêm khoản lãi nếu ngày mai giá tiếp tục giảm. Đến khi cổ phiếu về tài khoản, mức lãi sẽ gần như không đáng kể.

Tuy nhiên họ vẫn có lãi và phản ứng sẽ là gì? Đợt hồi giá sau 10 phiên rơi thảm có vẻ kết thúc khá chóng vánh và không đi nổi một vòng T+4. Nếu vòng xoáy cắt lỗ và chấp nhận chốt lãi mỏng của lớp nhà đầu tư bắt đáy tăng lên thì rất có khả năng thị trường phải đối mặt với áp lực cung lớn. Dĩ nhiên áp lực bán này sẽ được đối ứng bằng một bộ phận nhà đầu tư chấp nhận giải ngân thêm hoặc cân bằng giá. Thị trường sẽ sớm cho thấy sự xung đột quan điểm trong hai phiên tới.

Một số cổ phiếu cho thấy cầu tương đối khỏe hôm nay như BVH, MSN, VIC, HAG, REE. Tuy nhiên “đảm bảo” nhất vẫn chỉ có bộ ba trụ của Index hôm nay là BVH, MSN và VIC. REE bị xả hàng rất mạnh sau 3 phiên trần và thanh khoản lập kỷ lục trong 5 tháng. Bài học của VCB, TNC có vẻ đang được lặp lại.

Phiên bắt sàn ngày 26/5 khó có thể coi là “giả” vì tiền vào là thật, giao dịch cũng rất chuyên nghiệp, thanh khoản càng không thể nói là “giả”. Tuy nhiên nghi vấn đặt ra ngay sau phiên đó, là liệu đây có phải nỗ lực kìm đà giảm để lôi kéo thêm dòng tiền mới vào chia lửa hay không. Nỗ lực này cần được đảm bảo và củng cố niềm tin cho người cầm tiền bằng việc thể hiện sức mạnh bền bỉ hơn.

Kịch bản “viển vông” nhất là dòng tiền bắt đáy chủ động dừng mua để hạ nhiệt thị trường, nhằm mua đủ cơ số với giá thấp. Điều đó có thể dùng để lý giải việc cầu giá cao yếu đi rất nhanh hôm nay. Tuy nhiên, kịch bản xấu nhất là tiền thực sự thiếu cũng có thể xảy ra.

Theo Vneconomy

Comments are closed.