Chứng khoán ngày 28/6: Người bán mất kiên nhẫn

28/06/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Một bộ phận người cầm cổ đã nản lòng sau chuỗi ngày đi ngang mà giá không tăng được. Áp lực bán rẻ vẫn còn yếu, nhưng bắt đầu xuất hiện nhanh hơn.

Chuỗi ngày lình xình với thanh khoản thấp sau khi đạt đỉnh và điều chỉnh nhẹ thường được cho là tích lũy do lượng cung giá thấp đã cạn kiệt. Điều đó chỉ đúng nếu thị trường được kiểm tra cung cầu và phát tín hiệu rõ ràng. Nếu không, rất có thể thanh khoản yếu là do cầu giá cao cạn.

Như đã nói từ trước, việc tích lũy lình xình khá lâu sẽ khiến khối lượng hàng bị tồn lại về đến tài khoản ngày càng tăng. Riêng điều này cũng đã tạo ra một rào cản đối với cơ hội tăng giá. Đó là chưa kể đến việc tâm lý thay đổi, chuyển từ kỳ vọng sang chán nản sẽ khuyến khích hành động giảm tỉ trọng cổ phiếu trong danh mục xuống mạnh hơn.

Cũng có ý kiến cho rằng thị trường chờ đợi qua thời hạn 30/6. Thực ra mốc thời gian này cũng không còn ý nghĩa vì chỉ còn vài ngày nữa là tới. Nếu ngân hàng có thúc giục thu hồi thêm nợ phi sản xuất thì lượng vốn có thể thoát ra cũng không đáng kể. Nói chung đó cũng chỉ là một cớ để lý giải tình trạng thị trường mà thôi.

Việc thanh khoản giảm luôn có thể nhìn nhận từ hai phía với góc độ tích cực và tiêu cực khác nhau. Chỉ có một điều rõ ràng nhất, là lượng tiền chấp nhận mua giá cao đang yếu. Đặt trong bối cảnh khá nhiều tin tốt đã xuất hiện, cầu yếu như vậy không phải là điều được mong đợi.

Tình trạng lình xình sẽ không thể kéo dài quá lâu vì rốt cuộc sẽ có một bên mất kiên nhẫn. Nếu cầu lớn và lực hỗ trợ về tâm lý đủ tốt, bên mua sẽ chấp nhận nâng giá. Ngược lại, nếu người bán chán nản, họ sẽ giảm giá. Ban đầu có thể chỉ là hiện tượng “xé rào” lẻ tẻ vì mới có một số ít muốn thoát ra khỏi cảm giác ức chế.

Hôm nay một bộ phận người cầm cổ đã “xé rào” như vậy. Sau khoảng nửa tiếng khớp lệnh lèo tèo tại HSX, xu hướng bán ra hạ giá bắt đầu mạnh dần lên. Nói chung nếu không có sự trụ đỡ của BVH, MSN, VIC thì có lẽ sự hoảng sợ sẽ lớn hơn. Dù sao trên khắp các mã có thanh khoản lớn, bên bán hạ giá tương đối nhanh để thoát ra, dù khối lượng không lớn.

Mức độ giảm giá thực tế cũng không có gì là mạnh, ngoài một số mã tín hiệu như SSI, PVX, KLS, BVS, VND… Thanh khoản tập trung lớn ở các mã này cũng đồng nghĩa với nhu cầu thoát ra lớn. Do đó dao động giá sẽ lớn hơn. Đây cũng là nơi tập trung dòng vốn đầu cơ nhiều nên dấu hiệu trở nên rõ ràng hơn.

SSI dao động tối đa 2,73%, lớn nhất trong 4 phiên lình xình vừa qua. PVX cũng dao động 5,74%, KLS dao động 6,36%. VND, BVS thậm chí còn có lúc rơi chạm sàn.

Thực ra phiên này cả hai sàn chỉ sôi động vài chục phút khi sự cân bằng cung cầu bị phá vỡ theo chiều hướng giảm. Bên bán muốn thoát ra trước và bên mua cũng “tỉnh ngủ” để cân nhắc mua vào. Một đợt hồi ngắn trên cả hai sàn cuối ngày cho thấy một bộ phận cầu muốn bắt đáy vẫn còn.

Nói chung hôm nay cũng chỉ là một phiên xuất hiện sự lệch pha cung cầu ngắn ngủi. Thị trường vẫn chưa cho thấy một khả năng phá vỡ xu hướng đi ngang theo chiều hướng nào, mà mới chỉ phát đi tín hiệu.

Trước hết người bán bắt đầu tỏ ra mất kiên nhẫn. Vẫn cần đủ thời gian để kiểm chứng điều này và vẫn chưa thể khẳng định. Chỉ biết rằng một bộ phận đã nản và muốn thoát ra. Có lẽ mới chỉ là hoạt động cân đối lại danh mục, nâng tỉ trọng tiền mặt lên chứ không phải nhu cầu thoát khỏi vị thế nắm giữ.

Thứ hai, khả năng cầu chờ bắt sàn vẫn còn mạnh. Nỗ lực chạy hàng giá thấp hôm nay tạm thời được chặn lại bằng lực mua dù còn khá mỏng. Chủ yếu hai bên vẫn thăm dò nhau là chính. Như đã nói hôm qua, sớm muộn rồi cũng sẽ có một bên “ra đòn” trước sau khi đã “vờn” nhau khá lâu.

Tình trạng cân bằng có thể sẽ được lập lại vào phiên tới khi người bán ngừng lại để nghe ngóng sau khi cung giá thấp bị “hốt” gọn. Dù sao khối lượng bán giá thấp vẫn còn quá ít để nói về một đợt kiểm tra cầu đạt kết quả. Lực mua cũng không phải là mạnh và cũng không nâng giá lên bao nhiêu. Liệu người mua có tiếp tục mua mạnh ở giá cao nữa hay không?

Thanh khoản về khối lượng trên cả hai sàn có tăng, nhưng chủ yếu là do bên bán hạ giá để khớp được vào dư mua. Về giá trị, HNX tăng 27% và HSX giảm 7%. Dòng vốn vẫn vận động ở HNX mạnh hơn vì sàn này có nhiều mã đầu cơ hơn. Để chắc chắn rằng cầu chờ giá thấp thực sự mạnh, có lẽ cần một vài phiên sụt giảm mạnh hơn và thanh khoản tốt hơn.

Khối ngoại là một trong những tác nhân quan trọng tạo thanh khoản và ép giá xuống ở HNX. Nói đúng ra là khối này đã cắt lỗ kiên quyết ở một số mã hôm nay. BVS, KLS, VND, PVX, VCG là những mã bị bán mạnh nhất, tập trung ở các bước giá thấp.  Ảnh hưởng của đợt bán tại các mã này đã thúc đẩy xu hướng hạ giá tại HSX.

 

Trên HSX, khối này giao dịch khá yếu và lượng bán lớn chỉ tập trung ở một số mã như DPM, HAG,  ITA, PPC. Tuy nhiên khối lượng bán nhiều lại tập trung ở mã có thị giá thấp và nhờ lượng mua lớn tại VIC, KDC nên nhìn chung tương quan giao dịch vẫn không quá thiên lệch (bán ròng 7,9 tỷ đồng).

Theo Vneconomy

Comments are closed.