Tín dụng cho chứng khoán có thể bị giảm 6 lần

30/06/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Tín dụng cho chứng khoán có thể bị giảm 6 lần nếu tính theo quy định mới tại Dự thảo Thông tư về tỷ lệ an toàn vốn của tổ chức tín dụng thay thế Thông tư 13 và 19 đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến.

Đó là con số được tính toán dựa trên số liệu thống kê của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia về tổng lượng vốn điều lệ và vốn tự có hiện tại của hệ thống tổ chức tín dụng.

Hạn mức tối đa cho vay chứng khoán của các tổ chức tín dụng là một thông tin đang rất được nhà đầu tư quan tâm khi họ băn khoăn liệu cách tính mới có siết dòng vốn vào chứng khoán so với cách tính hiện tại hay không.

Cụ thể, theo Dự thảo Thông tư mới, mức vốn tối đa cho vay chứng khoán của một tổ chức tín dụng là 3%của vốn tự có. Tính theo lượng vốn tự có của các tổ chức tín dụng hiện nay là 233.612 tỷ đồng, thì tổng lượng vốn cho vay chứng khoán tối đa của cả hệ thống là hơn 7.008 tỷ đồng.

Còn với quy định cũ, tổng mức cho vay chứng khoán tối đa 20% vốn điều lệ. Với tổng số vốn điều lệ của cả hệ thống hiện là 213.626 tỷ đồng thì tổng lượng vốn cho vay chứng khoán tối đa là hơn 42.725 tỷ đồng.

So hai con số tính toán trên, thì cách tính mới theo Dự thảo cho ra tổng vốn tối đa cho vay chứng khoán của hệ thống sẽ chỉ bằng 1 phần 6 so với cách tính hiện tại. Hay nói cách khác, lượng vốn ngân hàng vào chứng khoán có thể bị cắt giảm 6 lần so với hiện nay nếu đưa những quy định trong dự thảo Thông tư nêu trên vào áp dụng.

Một thông tin cũng rất đáng quan tâm trong Dự thảo này là điều kiện để tổ chức tín dụng được cho vay chứng khoán là phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR từ 10% trở lên.

Cũng theo số liệu thống kê mới đây của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, hiện cả 4 ngân hàng quốc doanh và gốc quốc doanh là Agribank, Vietinbank, Vietcombank và BIDV chỉ có tỷ lệ này trên dưới 7%.

Về khối ngân hàng thương mại cổ phần, hiện có 2 ngân hàng có tỷ lệ này dưới 10%, trong đó có Sacombank (sát 10%).

Như vậy, nếu theo Dự thảo mới này, thì cả 4 ngân hàng quốc doanh và gốc quốc doanh cùng hai ngân hàng cổ phần khác sẽ phải ngừng cho vay chứng khoán.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước công bố hôm 17/6, hiện nay dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các ngân hàng thương mại nhà nước khoảng 2,5% vốn tự có, của ngân hàng thương mại cổ phần khoảng 4,5% vốn tự có, của chi nhánh ngân hàng nước ngoài khoảng 1,9% vốn tự có và tổng dư nợ cho vay khoảng hơn 10 nghìn tỷ đồng.(Nguồn: NDHMoney)

 

Comments are closed.