Chứng khoán ngày 27/7: Giao dịch tiếp tục tẻ nhạt

27/07/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Giá trị khớp lệnh cả hai sàn đã quay lại mức trên 400 tỷ đồng trong một phiên giao dịch không có gì kịch tính.

Tốc độ giao dịch lẫn biến động thanh khoản của các mã quan trọng HSX đều bình thường, ngoại trừ một vài điểm sáng có thể coi là đáng chú ý như FPT và HQC.

Động lực đáng kể nhất trong diễn biến của FPT hôm nay cũng như vài phiên trước là lực mua của nhà đầu tư nước ngoài. Hôm nay FPT được khối ngoại mua ròng thêm hơn 7,13 tỷ đồng qua khớp lệnh và 13,63 tỷ đồng qua thỏa thuận. Trước đó, FPT cũng đã xuất hiện một số giao dịch thỏa thuận ròng của khối ngoại tương đối lớn.

Biến động giá của FPT hôm nay chịu ảnh hưởng khá nhiều của cầu ngoại. Mặc dù đã hạ nhiệt chút ít, lực mua của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chiếm xấp xỉ 61% tổng thanh khoản qua giao dịch khớp lệnh của mã này. Trong khi đó lực bán ra chiếm khoảng 30%. FPT là một trong những mã hiếm hoi được khối ngoại quan tâm và tham gia giao dịch nhiều trong tháng 7 với mức mua bình quân luôn duy trì xấp xỉ 60% mỗi phiên.

FPT kịch trần với mức thanh khoản tăng gần 75% so với phiên trước và là mức lớn nhất kể từ giữa tháng 6/2011. Khối lượng mua chênh lệch ròng được khối ngoại thực hiện nhiều ở các mức 53.500 đồng trở lên, thậm chí cả đua trần cuối phiên. Phải nói rằng FPT hôm nay có động lực tăng khá tốt mặc dù giá đang kiểm định lại đỉnh 59.500 đồng hồi đầu tháng 4 vừa qua.

Ở phía đối nghịch, HQC gây chú ý khi xuất hiện một phiên kịch trần sau chuỗi ngày lao dốc với thanh khoản tăng vọt tại vùng giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Có vẻ như nỗ lực bắt đáy với HQC đã đem lại thành công ban đầu khi bên bán bắt đầu tiết cung. Thanh khoản của HQC từ giá 15.900 đồng xuống 11.400 đồng đạt mức tích lũy gần 7,64 triệu đơn vị. Có tới 4/13 phiên HQC xuất hiện thanh khoản đột biến và mức giao dịch  bình quân thời gian này cũng cao hơn rất nhiều so với giao dịch hơn 4 tháng trước đó.

HSX hôm nay không có giao dịch nào nổi trội về khối lượng. Khoảng 10 mã thanh khoản cao nhất sàn đều khá tương đương, trong khi biến động giá chung của 40 mã vốn hóa lớn nhất chỉ tăng 0,4%. Trong đó, các mã vốn hóa lớn nhất gần như triệt tiêu động lực như BVH giảm 1,5%, VNM giảm 0,9% trong khi MSN đứng giá, VIC tăng 0,8%. Sự cộng hưởng từ FPT, CTG, VCB, HPG đã giúp VN-Index lần thứ ba trong tuần có mức tăng nhẹ vào phút chót.

Khác với HSX, sự phân hóa về khối lượng tại HNX rõ rệt hơn và dòng vốn vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào các mã đầu cơ. KLS, VND, PVX là 3 mã có thanh khoản lớn nhất sàn và bỏ xa các cổ phiếu còn lại. Nói chung biến động giá của những cổ phiếu này không có gì đặc biệt. Nỗ lực mua giá thấp lớn giúp giá giảm không nhiều nhưng cũng chưa thể có đột biến qua tham chiếu.

Nhìn chung tương quan mua bán trên cả hai sàn hôm nay khá giống nhau. Cổ phiếu dao động hẹp và cầu chặn giá thấp đủ tốt cũng như cung chặn bán đủ lớn, trong khi khối lượng giao dịch tăng không đáng kể trong vùng giá đó. Tình trạng này không phải hôm nay mới có và có lẽ vẫn là tín hiệu của hoạt động mua dài hạn chậm rãi.

Thanh khoản chung trên cả hai sàn tăng gần 9% về giá trị khớp lệnh, không phải là một con số đáng chú ý. Dù sao lượng tiền vào tăng lên cũng đã là điều tốt, thậm chí một số cổ phiếu có thể có sóng nhỏ. Điều này cũng đã từng xảy ra khi thanh khoản sụt giảm mạnh, tâm lý trì trệ, dòng vốn đầu cơ tạo sóng lẻ tẻ nhờ cung yếu. Tuy nhiên mức độ rủi ro chọn nhầm hàng hoặc không có khả năng đánh nhanh dưới T+4 khiến mức cận trọng tăng lên và không phải nhà đầu cơ nào cũng sẵn sàng tham gia.

Khối ngoại hôm nay quay lại mua ròng qua khớp lệnh tại HSX khoảng 11,1 tỷ đồng và mua ròng qua thỏa thuận 12,6 tỷ, chủ yếu tại FPT. Ba cổ phiếu được mua ròng lớn nhất bằng khớp lệnh là FPT, CTG và VCB với xấp xỉ 17 tỷ đồng. Tuy nhiên riêng VIC đã bị bán ròng 9,2 tỷ đồng.

Trên góc độ Index, 3 phiên đi ngang của tuần này khiến VN-Index biểu hiện như một sự dừng chân sau khi đã điều chỉnh giảm tương đối mạnh nếu căn cứ vào sóng tăng cuối tháng 5. HNX-Index thậm chí đang kiểm tra lại đáy cũ với khoảng cách hẹp. Khá nhiều cổ phiếu đã trả lại hết thị trường mức tăng cách đây gần 2 tháng. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến người bán ngại bán rẻ dù cầu chưa có biểu hiện nào sẽ được cải thiện ở các mức giá cao.

Nếu căn cứ vào độ rộng của thị trường, mức độ phân hóa không thực sự rõ rệt. Số lượng cổ phiếu tăng giá thay đổi nhanh qua từng phiên và lựa chọn được mã đầu cơ đem lại lợi nhuận chấp nhận được không phải dễ.

Theo Vneconomy

Comments are closed.