Chứng khoán ngày 29/9: Bull-trap trong phiên?

29/09/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Cầu tham gia bắt đáy trong nhịp giảm hôm nay khá tốt, giúp khởi phát một sóng hồi mạnh về điểm số nhưng yếu về thanh khoản.

Lọc khối lượng giao dịch ngay trong phiên không phải là điều dễ, nhất là khi giao dịch thỏa thuận rất mạnh và sôi động gần như toàn bộ thời gian. Tuy nhiên, nếu có những công cụ giúp giảm nhiễu về thanh khoản cũng như đo được thanh khoản thực sự của giao dịch khớp lệnh – phản ánh vào giá và chỉ số – của từng sóng tăng giảm, có thể thấy sự sôi động hôm nay đến từ việc người bán tháo chạy là chủ yếu.

Tổng giá trị giao dịch thấy được trên bảng điện của HSX vào khoảng 1.262,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, khớp lệnh thực tế chỉ có 784 tỷ đồng cho cả phiên. Dù sao quy mô thanh khoản này cũng đã tăng trên 53% so với hôm qua. Thanh khoản tăng mạnh thường là tín hiệu tốt vì cho thấy dòng tiền đã vào nhiều hơn.

Dao động của HSX hôm nay có thể chia làm 3 giai đoạn khá rõ. Đầu tiên là đợt cắt lỗ mạnh kéo dài đến khoảng 9h45 với việc VN-Index tạo đáy giảm 8,95 điểm. Đợt phục hồi ngắn nối tiếp sau đó kéo dài đến 10h15, VN-Index hồi lên đỉnh với mức giảm chỉ còn 0,59 điểm, tương đương tăng 8,36 điểm hoặc xấp xỉ 2% so với đáy. Đợt cuối áp lực bán gia tăng mạnh đã ép hầu hết các cổ phiếu suy giảm trở lại.

Hoạt động cắt lỗ hôm nay khởi động sớm và càng lúc càng tăng. Trên 60% tổng giá trị khớp lệnh của HSX (472,73 tỷ đồng) trong phiên tập trung tại sóng giảm này. Đồ thị biến động về độ rộng của sàn này cho thấy số cổ phiếu giảm giá và giảm sàn la liệt, áp đảo vài chục mã tăng lẻ loi. Đây là đợt tháo chạy đầu tiên trong vài tuần điều chỉnh đang diễn ra có cường độ mạnh như vậy.

Rõ ràng một bộ phận không nhỏ người bán bắt đầu mất kiên nhẫn hôm nay. Quá trình giảm nhẹ theo hướng đi ngang xuống dần kéo dài 2 tuần liên tục đã khiến lượng hàng bị lỗ tích lũy lại ngày càng nhiều. Khi cầu còn đủ mạnh ở các mức quanh tham chiếu để giữ nhiệt, giao dịch có vẻ bình lặng và cổ phiếu vẫn nằm trong mức độ chịu lỗ được. Khi cầu giá cao tỏ ra yếu đi, tâm lý sẽ không còn vững và người bán sẽ hạ giá dần.

Đợt tháo hàng hôm nay có thể thấy rất rõ chuyển biến tâm lý này. Áp lực bán ban đầu chưa lớn, nhưng càng về sau càng mạnh. Đến lúc cao điểm trong khoảng 15 phút cuối từ sau 9h30, hàng loạt cổ phiếu giảm sâu lộ cả dư mua sàn.

Cầu bắt đáy vào cuộc cũng khá rõ trong thời điểm này. Một số cổ phiếu bắt đầu được chất mua sàn hàng trăm đơn vị. Lực cầu tăng lên một cách đáng kể khi cơ hội mua sát sàn diễn ra. Điều này một phần là nhờ quy định lướt sóng ngay trong phiên đã được triển khai. Nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu có cơ hội giảm lỗ với chiến lược lướt song ngay trong ngày để kiếm vài phần trăm. Dĩ nhiên chiến lược này có hạn chế là mất tính chủ động về khả năng bán vì cổ mua mới phải đợi đủ chu kỳ T+4 mới có thể thoát được.

Cầu bắt đáy tăng là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đợt hồi giá sau đó dễ bị nhầm lẫn về sức mạnh thực sự. Được hỗ bởi tâm lý bắt đáy lộ rõ, cầu bắt đầu nâng giá trong khi người bán cũng bình tĩnh trở lại vì một lượng lớn hàng đã thoát ra được. Sóng hồi giữa phiên kéo VN-Index tăng gần 2% so với đáy nhưng có ít nhất hai điểm chưa thực sự thuyết phục.

Thứ nhất là chỉ số tăng mạnh nhờ BVH và VIC. Nhịp hồi giá của hai mã này rất trùng hợp với VN-Index và đóng góp phần lớn số điểm lấy lại. Dĩ nhiên đa số các blue-chip khác cũng hồi giá, nhưng mức độ không lớn. Đặc biệt là VIC hôm nay duy trì được giá trần và sát trần trong thời gian khá dài.

Thứ hai là thanh khoản của sóng hồi không lớn. Tổng thể giá trị giao dịch đến khoảng 10h15 là hơn 900 tỷ đồng nhưng phần lớn đến từ giao dịch thỏa thuận. Tính chi tiết lượng vốn vào thêm để đẩy giá lên từ lúc 9h45 đến 10h15 – tức là trọn con sóng tăng – thì chỉ có 144,1 tỷ đồng. Lượng vốn này là thấp để đem lại 8,36 điểm cho chỉ số.

Các dao động dạng này trong quá trình điều chỉnh thường diễn ra: Người bán mất kiên nhẫn tháo hàng ồ ạt. Người mua thấy giá rơi sàn nhảy vào bắt đáy. Nhiều người bắt đáy khiến giá phục hồi trở lại. Giá hồi một đoạn người mua bắt đầu ít đi, trong khi người bán lại tranh thủ thoát hàng đợt hai.

Điểm chung trong các biến động như vậy là cầu chặn giá sàn và quanh sàn có thể lên tới cả triệu đơn vị, nhưng giá trị khớp lệnh thực sự trong chiều giá tăng lại không nhiều. Nguyên nhân vì đa số mới tham gia bắt đáy một cách thụ động, chứ không phải tất cả lượng cầu lớn đó sẽ tham gia đẩy giá lên. Dư mua sàn lớn là để chờ người bán tháo chạy hạ giá. Ngược lại, chỉ một số ít nhà đầu tư nóng ruột nâng giá lên để mua bằng được mới góp phần đẩy giá hồi trở lại. Năng lượng của sóng hồi yếu thường không giúp giá trụ vững được trong thời gian dài.

Biến động đó phản ánh vào giá cổ phiếu hôm nay là đa số phải chấp nhận đóng cửa thấp hơn nhiều so với giá đỉnh đạt được trong sóng hồi. Bình quân 40 mã vốn hóa lớn nhất của HSX phải đóng cửa giảm trở lại 2,3% so với giá đỉnh. Một số cổ phiếu thụt lùi rất mạnh như BVH, đóng cửa thấp hơn giá cao nhất tới 3,7%, MSN là 5,04%, VIC: 3%, SSI: 2,54%, HCM: 4,09%…

Những mã thanh khoản hàng đầu trên HNX cũng yếu đi đáng kể. KLS đóng cửa giảm 2,52% so với đỉnh; VND giảm 5,13%; PVX giảm 3,42%; VCG giảm 4,55%…

Việc rất nhiều các cổ phiếu dao động mạnh, hồi giá vượt khỏi tham chiếu nhưng lại giảm trở lại về cuối ngày phản ánh áp lực bán đã lại tăng lên. Cả VN-Index lẫn HNX-Index đều phản ánh xu hướng giảm trở lại và nhiều mã phải đóng cửa ở giá thấp nhất. Những dao động như vậy khiến không ít nhà đầu tư lại mắc kẹt trong chiều giá xuống.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên HSX hôm nay có một chút đột biến. Tính tổng thì lượng vốn vào là +39,3 tỷ đồng qua khớp lệnh. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là điều đáng mừng vì giao dịch mua ròng tập trung quá mức vào IJC. Riêng cổ phiếu này đã nhận lượng vốn ròng tới 41,23 tỷ đồng. Như vậy nếu không có đột biến tại IJC thì dòng vốn vào vẫn là âm, dù có giảm nhẹ đi nhiều so với những phiên trước.

Theo Vneconomy

Comments are closed.