Chứng khoán ngày 24/10: Cần thêm “thuốc kích thích”

24/10/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Thông tin CPI cả nước tháng 10 được công bố sáng nay không đủ sức khuấy động thị trường. Số lượng cổ phiếu bị ép giá sụt giảm trở lại so với đỉnh đã tăng vọt.

Về cơ bản vẫn là dòng tiền vào đẩy giá lên quá yếu. Hai phiên gần đây có lẽ chủ yếu vẫn là nhà đầu cơ lướt sóng ngắn T+1, T+2 tham gia là chính. Đa phần số này có thể vay mượn được cổ phiếu để chốt lời nhanh , hoặc chính những nhà đầu tư đang bị kẹp hàng tìm cách bình quân giá. Thông tin hỗ trợ chưa đủ sức lôi kéo thêm tiền vào đã tạo nên một phiên giao dịch đặc thù.

Trong những phiên hồi giá kỹ thuật, tín hiệu được quan tâm nhiều và cũng phản ánh rõ nét áp lực cắt lỗ, chốt lời ngắn hạn là dao động giá theo hướng tăng trước giảm sau ngay trong phiên. Cổ phiếu càng bị ép giá giảm mạnh so với đỉnh càng cho thấy cung lớn. Trên bình diện toàn thị trường, số lượng mã dao động theo hướng này càng nhiều thì nhu cầu cắt lỗ càng lớn. Nếu cầu không đủ sức đỡ giá, khối lượng giao dịch dù thấp nhưng biên độ dao động vẫn lớn theo hướng giảm.

Hôm nay là phiên tăng điểm thứ ba của VN-Index, nhưng thực tế đã có sự khác biệt. Hai phiên trước, số lượng cổ phiếu giữ được mức giá đỉnh cho đến lúc kết thúc vẫn còn khá cao, thì hôm nay đã sụt giảm mạnh. Ngược lại, số cổ phiếu bị ép lùi khỏi mức giá đỉnh đã tăng lên rất nhiều. HSX ghi nhận 170 mã và HNX là 165 mã, đều là mức lớn nhất trong hơn một tuần trở lại đây.

Thường thì những phiên đầu tiên khởi đầu của các đợt phục hồi đều có tình trạng như vậy. Nỗ lực phục hồi thanh công chỉ khác ở chỗ sức mua tiêu thụ được khối lượng hàng thoát ra và những vùng giá thấp khi giảm đều nhận được cầu lớn. Do đó cần thêm vài phiên nữa mới biết chắc liệu giá giảm trở lại có lôi kéo được nhiều tiền vào mua tiếp hay không. Thị trường cần một phiên có thanh khoản tăng một cách rõ rệt và giá tăng tương ứng.

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn hôm nay lại rơi trở lại ngưỡng 500 tỷ đồng, đạt 535,9 tỷ đồng. Vốn vào HSX và HNX đều giảm khoảng 24% so với phiên cuối tuần trước. Biến động của Index hai sàn khá trái ngược và VN-Index không phản ánh đúng dao động giá trên mặt bằng rộng: Kể từ sau 10h, VN-Index đi ngang theo hướng giảm nhẹ,trong khi HNX-Index giảm rất mạnh.

Dĩ nhiên nhà đầu tư không khó khăn lắm để có thể lọc nhiễu trước những biến động trái chiều như vậy. Tương quan độ rộng của HSX và HNX giúp chỉ ra nguyên nhân này: Trên HSX, số lượng cổ phiếu tăng giá và tăng trần giảm khá nhanh, nhất là mức độ lùi giá của nhóm vốn hóa lớn (trừ MSN, BVH và VIC), kể từ sau 10h. Độ rộng của HNX thậm chí còn phản ánh rõ rệt hơn.

MSN có một vài thời điểm khớp về giá 127.000 đồng (dưới trần một bước giá), nhưng chủ yếu vẫn là khớp kịch trần. BVH giữ đà tăng khá tốt trong 30 phút cuối đợt hai và chỉ bị ép xuống lúc đóng cửa. Ngoại trừ EIB, VIC và PVF cũng chỉ đuối sức vào những phút cuối phiên.

Nỗ lực của người mua hôm nay không mạnh một cách đồng đều, và áp lực bán cũng thay đổi theo từng cổ phiếu. EIB chẳng hạn, tiếp tục giữ giá trần tốt, trong khi PVF rất thất vọng khi phải đóng cửa giảm hơn 2,5% so với đỉnh. SSI còn tệ hơn, giảm 2,84% so với đỉnh và tạo nên hình mẫu kỹ thuật khá xấu, kết hợp với khối lượng tăng.

Nhóm thanh khoản lớn trên HNX như KLS, VND, PVX, VCG cũng dao động khá tiêu cực. Mức độ sụt giảm so với giá đỉnh đều trên 3%, trong đó VND thậm chí giảm tới hơn 4,8%. Về mặt dòng tiền thì đây là những mã hút vốn mạnh nhất và những người đánh lên đều quen thuộc với mức thanh khoản rất cao. Vốn đẩy lên thường lớn và khối lượng bán ra cũng không hề nhỏ. Bị ép về tham chiếu hoặc dưới tham chiếu không phải là một kết cục đẹp cho người mua, dù cầu ở vùng giá thấp vẫn còn.

Hai diễn biến khá hấp dẫn hôm nay ở hai thái cực khác nhau xảy ra với EIB và SJS. EIB bất ngờ quay lại tăng trần sau phiên giảm sàn cuối tuần trước. Thanh khoản khớp lệnh sụt giảm chỉ còn một nửa. SJS chịu ảnh hưởng nặng nề từ tin xấu liên quan đến dự án Nam An Khánh đã giảm sàn. Tuy nhiên nhà đầu tư nước ngoài lại nhảy vào mua khá mạnh, chiếm 35% thanh khoản của mã này.

Nói chung các dao động giá hai phiên gần đây vẫn nằm trong vùng nghi ngờ cao. Vì nhiều nhà đầu tư còn bối rối chưa rõ khả năng phục hồi đến đâu và liệu đợt hồi kỹ thuật sẽ tạo đáy hay còn giảm nữa, nên lượng vốn vào còn thấp. Giá trị giao dịch thấp nghĩa là nhiều người còn e dè, không chấp nhận đua giá vội vã. Ngược lại, khi giá tăng sẽ có nhiều người tranh thủ cắt lỗ. Sau khi thông tin CPI tháng 10 “hết vị”, thị trường cần có những liều “thuốc kích thích” mới để thoát khỏi tình trạng này.

Theo Vneconomy

Comments are closed.