Chứng khoán ngày 25/10: Tiếp tục “trêu ngươi” người cầm cổ

25/10/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Cuối cùng thì MSN, BVH cũng trở lại quỹ đạo giao dịch bình thường, không còn ngược dòng làm nhiễu chỉ số.

Mặc dù MSN và BVH góp phần quan trọng đè VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất nhưng xu hướng giảm trong phiên vẫn là xảy ra trên diện rộng. Biến động của số lượng cổ phiếu tăng/giảm trên cả hai sàn đều khẳng định điều này.

Giao dịch hôm nay không có nhiều đặc biệt, vẫn nằm trong mạch dao động với thanh khoản thấp. Nếu khác, có chăng chỉ là lượng cầu ở vùng giá trên tham chiếu đã yếu đi khiến nhiều cổ phiếu giảm giá với thanh khoản rất yếu. Thanh khoản thấp cũng là nguyên nhân chính dẫn đến những dao động thay đổi nhanh qua từng phiên.

Tổng lượng tiền vào hai sàn qua khớp lệnh hôm nay đạt 480,9 tỷ đồng, lại quay về ngưỡng dưới 500 tỷ đồng lần thứ 3 trong vòng 6 phiên vừa qua. Một số cổ phiếu cá biệt sôi động không làm người cầm cổ hào hứng thêm bao nhiêu khi niềm vui này chỉ đến với số ít người. Về toàn cục, mức độ rủi ro vẫn rất cao khi cơ hội chọn đúng cổ phiếu quá thấp.

Nhóm những cổ phiếu vốn hóa lớn trên HSX  giao dịch tạm gọi là tích cực chỉ có EIB và STB. Mặt bằng chung nhóm 40 mã này giảm bình quân 1,3%, trong đó MSN, BVH, PVD, SJS, PVL giảm rất mạnh. Biên độ dao động tối đa lên tới 2,46%, nhưng đáng tiếc đa phần lại đóng cửa ở mức thấp. Độ giảm bình quân so với đỉnh là 1,94%, cao nhất trong 18 phiên.

Đa số các cổ phiếu phục hồi tốt hai phiên trước tiếp tục bị bán mạnh và đang trở về đáy cũ. Mặc dù chưa có hiện tượng ép giá đáng kể nào, nhưng cũng không thấy nhiều tiền mới tham gia. Chiến thuật đánh ngắn T+ có vẻ đã kết thúc ở nhiều cổ phiếu khi áp lực bán đã tăng lên. Đặc biệt nhóm cổ phiếu tăng nóng qua cả T+4 như ORS, VSP, BMC cũng có thanh khoản tăng vọt. Thường thì khó có cổ phiếu nào đi ngược thị trường quá dài dù được hỗ trợ bởi thông tin. Bối cảnh trầm lắng, thanh khoản kém khiến dòng vốn đầu cơ “lẻ tẻ” cũng đủ tạo sóng, nhưng những giao dịch như vậy là cá biệt.

Quan sát nhóm cổ phiếu đầu cơ mang tính chỉ bảo của hai sàn như SSI, KLS, VND, VCG, PVX… có thể thấy tình trạng chung là cầu yếu. Lượng khớp lệnh với nhóm này giảm từ 25%-60% và giá rớt khá sâu so với đỉnh trong phiên. Người bán không hẳn là bán nhiều với thái độ cương quyết, nhưng vì người mua đặt giá lùi hẳn xuống dưới vùng tham chiếu nên biên độ giảm lại lớn. Tình trạng này cũng đã lặp lại nhiều lần, và là hệ quả của lực cầu không ổn định, nói đúng hơn là không bền những ngày vừa qua.

Gia dịch của khối ngoại đáng chú ý ở hai cổ phiếu là MSN và SJS, đều trên HSX. Với MSN, một lần nữa nhà đầu tư nước ngoài lại tỏ ra khó hiểu khi  chấp nhận bị nhà đầu tư trong nước xả hàng ở giá trần. Cách đây hai hôm khối ngoại còn chạy cật lực ở MSN (chiếm trên 90% thanh khoản) thì hôm nay lại đua giá trở lại, chiếm 71% thanh khoản. MSN bị bán ép giá rất mạnh, tạo mức dao động trong phiên tới gần 7,3%, trong đó đóng cửa phiên chấp nhận ở mức thấp nhất.

Với SJS, khối ngoại dường như không lo ngại về tin xấu, tiếp tục tăng mua theo chiều giá giảm. SJS hôm nay đã chính thức phá đáy cũ của ngày 11/8 khi rớt sàn về mức 23.600 đồng/cổ phiếu. Lực mua của khối ngoại tạo một chút gợn sóng tăng với SJS khoảng 9h, nhưng về cơ bản là khớp giá sàn.

Thanh khoản chung của thị trường tăng giảm khác nhau trong hơn một tuần nay, nhưng xu hướng chính vẫn là nguội dần. Lượng vốn vào tính theo mức bình quân vẫn đang giảm dần. Phần lớn lượng vốn tiếp tục đứng ngoài thị trường một cách kiên trì có thể khiến người cầm cổ ngày càng chán nản. Một vài phiên tăng bất ngờ khơi lên hi vọng, nhưng độ nảy rất ngắn khiến các giao dịch T+4 quá rủi ro.

Các giao dịch tăng rất gượng gạo như vậy rất hay diễn ra trong bối cảnh thanh khoản thấp. Như đã nói nhiều lần, để thực sự chắc chắn về một kịch bản suy kiệt của nguồn cung, tình trạng này phải kéo dài thêm nữa, đến mức người cầm cổ chản nản hết sức, chuyển sang buông xuôi. Trong cuộc thi gan kiểu này, người cầm tiền luôn ở thế thượng phong.

Theo Vneconomy

Comments are closed.