Chứng khoán ngày 26/10: BVH, VIC đã trở lại!

26/10/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Khối ngoại bất ngờ đẩy mạnh BVH và VIC khiến hai cổ phiếu này có phiên giao dịch tích cực trong bối cảnh thị trường vẫn làng nhàng với thanh khoản yếu.

Thực ra độ rộng của hai sàn đã chuyển biến tốt hơn hôm qua, tương quan giữa số tăng giá và giảm giá đã cân bằng hơn. Bình quân nhóm vốn hóa lớn nhìn chung là nghiêng về phía tăng giá nhiều hơn. Tuy nhiên động lực kéo điểm số của VN-Index thì vẫn trông cậy nhiều vào vài mã như BVH, VIC, MSN.

Vai trò của MSN hôm nay đúng ra không ấn tượng lắm, chủ đạo là giảm dần từ mức sát trần xuống sát tham chiếu. Dù vậy cổ phiếu này vẫn tăng giá nên đóng góp nhiều vào chỉ số. Vốn ngoại vẫn đỡ MSN, nhưng không mạnh như phiên trước. Giá trị bán ròng khoảng 1,37 tỷ đồng, trong đó bán ra đóng góp trên 55% thanh khoản.

Lực đỡ chính của khối ngoại hướng vào BVH và VIC. BVH phục hồi rất tốt trong phiên và lúc đóng cửa khớp lấn vào dư bán trần gần như đều nhờ công của nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù chỉ bỏ ròng vào BVH khoảng 2,94 tỷ đồng nhưng đây là quy mô mua ròng lớn nhất của khối này trong vòng 27 phiên. Lượng mua vào chiếm xấp xỉ 41% thanh khoản, trong đó tập trung nhiều vào đợt đóng cửa.

Với VIC, quy mô mua ròng lên tới gần 5,1 tỷ đồng sau chuỗi ngày bán ròng miệt mài hồi giữa tháng 9 vừa qua. Vùng bán mạnh trước đó của khối ngoại tại VIC là khoảng 106.000đồng – 102.000 đồng. Hiện VIC chỉ còn trên 90.000 đồng/cổ phiếu. Sức cầu của khối ngoại hỗ trợ rất mạnh giúp VIC tăng tốt sau 10h15. Tính chung lực mua của khối này chiếm trên 72% thanh khoản.

Ngoài ra, giao dịch mua của khối này còn tăng lên ở khá nhiều blue-chip khác như PVD, FPT, HPG, DPM, CTG, VCB. Đây cũng là những mã vốn hóa khá lớn tăng điển hình trong phiên. Giao dịch bán đáng kể nhất là tại HAG và SSI.

Bất ngờ nhất là giao dịch của SSI với hoạt động cắt lỗ rất cương quyết của nhà đầu tư nước ngoài. Lực bán này khó xác nhận ngay trong phiên do HSX không cung cấp số liệu bán của khối ngoại, nhưng chắc chắn là nguyên nhân chính khiến SSI sụt giá rất mạnh trong 15 phút cuối đợt hai và đợt đóng cửa. Lần đầu tiên SSI ghi nhận tỉ trọng bán của nhà đầu tư nước ngoài chiếm tới 61% thanh khoản. Mặc dù khối lượng tuyệt đối thấp hơn một chút so với phiên ngày 13/10 vừa qua nhưng khá giống nhau ở việc hạ giá quyết liệt. SSI bị đè mạnh xuống mức 17.000 đồng trong vài phút cuối đợt hai và ép bán chặn ATC lớn.

Trái ngược với tín hiệu thường thấy sau khi HSX đóng cửa không được tốt, nhất là biểu hiện của SSI, sàn Hà Nội vẫn có một đợt đẩy lên khá nhanh. Chỉ trong 15 phút cuối cùng trên HNX, chỉ số sàn này phục hồi tới 0,5%, đang từ -0,11 điểm thành +0,25 điểm. Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn được đánh lên mạnh. Có những mã tăng tốt như PVS, VCG, SHN và cũng có những mã hồi mạnh về tham chiếu như KLS, VND, PVX, BVS.

Thực ra đợt hồi này không có nhiều năng lượng, chỉ khoảng 40 tỷ đồng được bơm thêm vào nhưng HNX-Index lại đạt được mức điểm cao nhất trong phiên. Với những mã thanh khoản tốt nhất, khả năng hồi bị chặn lại ở tham chiếu. Nói chung người mua vẫn chưa sẵn lòng bơm thêm nhiều tiền vào để đẩy giá lên cao hơn. Cả dư mua lẫn dưa bán quanh tham chiếu đều còn rất lớn.

Giá trị khớp lệnh tính chung hai sàn hôm nay không có nhiều thuyết phục, thậm chí còn giảm nhẹ gần 1% so với hôm qua. Quy mô dòng tiền vào vẫn dưới ngưỡng 500 tỷ đồng (477,1 tỷ đồng). Các giao dịch thỏa thuận sôi động hơn một chút, nhất là trên HSX nhưng chủ yếu do khối ngoại thực hiện. Các giao dịch cực lớn của FPT và ELC đóng góp phần lớn vào giá trị.Trong đó, FPT được chuyển nhượng nội khối gần 2,33 triệu cổ phiếu và mua thỏa thuận ròng thêm gần 2 triệu nữa. Tổng lượng vốn khối ngoại mua vào FPT lên tới trên 216 tỷ đồng, nhưng thực tế mua ròng chỉ là 99,8 tỷ đồng.

Thanh khoản thấp vẫn là vấn đề chính hiện nay. Lượng tiền vào ít khiến các biến động tăng giảm đều thiếu thuyết phục. Người cầm tiền có thể cho rằng việc bắt chuẩn đáy là điều rất khó thực hiện, trong khi chậm một vài nhịp cũng không thiệt gì mà mức độ rủi ro lại giảm đi. Mặt khác, với thanh khoản thấp, khả năng tăng cũng không thể quá nhanh. Tối đa hóa lợi nhuận bằng cách bắt trúng đáy trong giai đoạn này không quan trọng bằng việc giảm rủi ro.

Theo Vneconomy

Comments are closed.