La liệt cổ phiếu dưới mệnh giá: Chưa có biện pháp “cứu” thị trường

25/11/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Hàng trăm CP có thị giá dưới mệnh giá, trong đó rất nhiều CP có giá rẻ hơn mớ rau (dưới 5.000 đồng và 3.000 đồng). Nhiều CP chỉ có giá nhỉnh một “chấm”, thậm chí có CP đã và đang được giao dịch dưới 1.000 đồng trong nhiều ngày qua và kết thúc phiên giao dịch ngày 24.11 chỉ còn giá 600 đồng/CP.

600 đồng/CP

Theo thống kê sơ bộ, đến ngày 24.11, toàn thị trường (tính cả UPCoM) có tới 445 CP có giá thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng), trong đó, trên sàn HSX có 147 mã và HNX có 238 mã.

Còn nếu sàng lọc kỹ hơn, thì toàn thị trường hiện có tới 144 mã CP có giá thấp hơn 5.000 đồng (HSX có 39 mã và HNX có 80 mã) và 28 mã có giá chưa tới 3.000 đồng (HSX và UPCoM có 9 mã và HNX có 10 mã).

Có những CP có mức giá rất thấp, như BAS chỉ có giá 1.500 đồng, VSG 1.900 đồng, TRI 1.800 đồng, VES 1.900 đồng…

CP có giá đặc biệt thấp nhất sàn là VKP trên sàn HSX sau khi giảm xuống dưới 1.000 đồng/CP và với biên độ áp dụng riêng cho những CP có giá thấp đặc biệt mà trước đó UBCK đã áp nhưng vẫn không ngăn được đà giảm giá. Và tính đến thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 24.11, chỉ với ba bước giá là trần- tham chiếu- sàn, thị giá của CP này chỉ còn 600 đồng.

CP có thị giá thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng được hiểu một cách đơn giản là nếu mua vào ở mức giá đó, NĐT được xem như có lợi hơn cả những người góp vốn ban đầu để thành lập DN (tính theo mệnh giá).

Và theo lý thuyết thì mức giá thấp như vậy sẽ kích thích các giao dịch mua vào để hưởng lợi thế trên. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, thanh khoản của rất nhiều CP ở mức rất thấp.

Có những CP cả phiên giao dịch chỉ được “thả” 3 đến 4 thậm chí ở mức tối thiểu là 1 lô (tương ứng 10 CP ở sàn HSX và 100 CP ở sàn HNX) để làm cho giá CP hạ thêm nữa. Bởi tâm trạng chung hiện nay là nếu mua vào thì sợ “hố”, còn nếu bán ra thì không đành. Điều này khiến nhiều CP bị đóng băng giao dịch.

Tình trạng này khiến NĐT liên hệ ngược trở lại thời điểm đáy khủng hoảng hồi tháng 2.2009, khi thị trường bị coi là suy sụp khi HSX cũng có tới gần 250 mã và HNX có hơn 100 mã có giá thấp hơn mệnh giá. Do đó, tình cảnh hiện nay của thị trường cũng được cho là không có nhiều tích cực hơn so với thời điểm đầu năm 2009.

Chưa có “nước” dập ngay “đám cháy”

Ngay từ giữa năm 2011, HSX đã có hướng dẫn cách tính giá trần/sàn mới với CP giá thấp 2.000 đồng theo cách: Giá trần sẽ bằng giá tham chiếu cộng thêm 1 đơn vị niêm yết giá và giá sàn bằng giá tham chiếu trừ đi một đơn vị yết giá. Nhưng cách tính này cũng không giúp nhiều CP chặn đà giảm giá.

Trên một số diễn đàn CK nhiều ngày nay, NĐT đặt câu hỏi về sự sàng lọc CP với những CP có thị giá thấp hơn 2.000 đồng trên HSX và thấp hơn 1.500 đồng trên HNX mà không bị loại ra khỏi sàn.

Một số ý kiến cho rằng, đặt vấn đề sàng lọc CP vào thời điểm này dù có là “phũ phàng” với DN nhưng cũng là điều cần thiết bởi trong số những CP có thị giá quá thấp, rất nhiều DN có kết quả kinh doanh bê bết.

Tình trạng của các DN hiện nay khác với thời điểm đầu năm 2009. Thời điểm đó DN cũng trải qua năm 2008 đầy sóng gió, nhưng bản thân các DN vẫn còn “lực”. Còn ở thời điểm hiện nay, trải qua khó khăn trong thời gian dài khi thị trường XK gặp khó khăn, tiêu thụ hàng hóa giảm… trong khi lạm phát cao, lãi suất cao, giá xăng dầu, điện liên tục tăng… khiến DN nhất là đối với những DN yếu bị kiệt sức.

Trong buổi họp báo mới đây, UBKC cũng đưa ra con số các Cty niêm yết có lợi nhuận sụt giảm và có thua lỗ liên tục tăng theo từng quý. Tính sơ bộ (vì nhiều DN niêm yết chưa nộp báo cáo) đến hết quý I năm nay có 60 Cty, quý II tăng lên 80 Cty và đến quý III con số là 100 Cty. Có tới 60% Cty niêm yết có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ 2010.

Mặc dù được trông đợi, nhưng ở thời điểm này, cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra được biện pháp nào có thể cải thiện tình hình và cải thiện niềm tin của NĐT. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo UBCK triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường để triển khai từ nay tới cuối năm.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBCK thừa nhận, các giải pháp chỉ là dưới thẩm quyền của UBCK và Bộ Tài chính, còn vấn đề lớn nhất và mấu chốt nhất vẫn là yếu tố vĩ mô quyết định. Do đó, những giải pháp của UBCK đưa ra không thể ngay tức khắc như “xả nước” vào dập lửa trong “đám cháy” mà có tính hỗ trợ trong trung và dài hạn.

Theo Lưu Thủy
Báo Lao động

 

 

Comments are closed.