Nhiều cổ phiếu bắt đầu lên tiếng

26/12/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán lại tiếp tục giảm điểm trong 2 phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, vẫn có một số cổ phiếu đi ngược dòng với sức cầu lớn hơn lượng bán.

Trong thời gian gần đây, cổ phiếu KTS của Công ty cổ phần Đường Kon Tum đã trở thành một hiện tượng trên sàn chứng khoán Hà Nội khi liên tục tăng giá. Tại phiên giao dịch ngày 23/12, giá cổ phiếu này tăng từ 27.400 đồng lên 29.300 đồng.

Trước đó, trong 1 tháng qua, cổ phiếu KTS tăng liền một mạch từ mốc 10.400 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 25/11) lên mức 29.300 đồng/cổ phiếu hiện nay, tức tăng gần 3 lần chỉ trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch của cổ phiếu này khá nhỏ trong nhiều phiên giao dịch và hiện Ban lãnh đạo KTS đang phải giải trình về hiện tượng tăng giá bất thường của cổ phiếu này.

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua (23/12), một số cổ phiếu khác cũng có được mức tăng điểm khá ấn tượng, cho dù thị trường chung giảm giá trên cả 2 sàn.

Cổ phiếu BTT của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Bến Thành vẫn tăng kịch trần lên 17.800 đồng/cổ phiếu, bất kể trạng thái đỏ chung của sàn TP.HCM trong suốt phiên giao dịch.

Việc BTT tăng giá cũng không phải là điều quá khó hiểu, bởi trong 11 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của BTT đạt 36,5 tỷ đồng (sau khi đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính theo quy định), vượt 4,2% kế hoạch cả năm.

Ngoài ra, việc BTT tăng giá mạnh trong phiên này một phần là do giá cổ phiếu vừa được điều chỉnh sau ngày chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt đợt 2 năm 2011, với tỷ lệ 8%.

Cổ phiếu NET của Công ty cổ phần Bột giặt Net cũng có được một phiên tăng ngoạn mục với mức tăng từ 28.300 đồng/cổ phiếu lên 30.200 đồng/cổ phiếu. Trong tháng 12 vừa qua, khá nhiều cổ đông nội bộ đã bán cổ phiếu NET, như kế toán trưởng đã bán 6.000 cổ phiếu, Trưởng ban Kiểm soát bán 11.600 cổ phiếu…

Trong khi đó, cổ phiếu SFC của Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn cũng là một cổ phiếu được chú ý, bởi sức tăng giá mạnh hết biên độ trong phiên cuối tuần qua, với mức tăng từ 23.100 đồng lên 24.200 đồng/cổ phiếu.

Việc tăng giá mạnh của cổ phiếu SFC được một số nhà đầu tư cho rằng, chủ yếu xuất phát từ quan hệ cung – cầu từ các nhà đầu tư trên thị trường, vì gần đây, không có thông tin gì lớn liên quan đến doanh nghiệp này. Trước đó, thông tin đáng chú ý nhất đối với cổ phiếu này là công bố của ông Cao Văn Phát, Tổng giám đốc SFC , Công ty đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ vốn của mình tại Công ty TNHH một thành viên Chế biến gỗ Tân Phú. Đây là một công ty 100% vốn của SFC có địa chỉ tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Ngoài các cổ phiếu thị giá cao, khá nhiều cổ phiếu thị giá thấp cũng tăng điểm mạnh, bất chấp đà giảm điểm chung của thị trường. Phần lớn các cổ phiếu thị giá thấp tăng điểm là do các nhà đầu tư nhìn nhận, giá của những cổ phiếu này đã xuống đến mức khá rẻ để có thể mua vào.

Những cổ phiếu giá thấp, nhưng tăng điểm mạnh chủ yếu tập trung trên sàn Hà Nội. Chẳng hạn như cổ phiếu APG của Công ty cổ phần Chứng khoán An Phát trong phiên 23/12 đã tăng lên 2.800 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu CIC của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Cotec tăng lên 2.300 đồng/cổ phiếu…

Như vậy, có thể thấy, giá một số cổ phiếu vẫn tăng, bất chấp xu hướng giảm của thị trường.

Theo Chí Tín
Báo Đầu tư

Comments are closed.