Thoái vốn “cực đoan”

30/12/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Đua nhau tuyên bố thoái vốn tại các DN đã đầu tư bất chấp TTCK khó khăn, các doanh nghiệp nhà nước đang vô tình đẩy TTCK diễn biến tệ hơn.

Thậm chí, có những tổng công ty đề ra lộ trình 1 – 2 năm tới thoái vốn toàn bộ mảng BĐS, mà trước đó ngay tại ĐHCĐ đầu năm nay còn thông qua kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu tại những công ty này lên mức chi phối.

Kiểu thoái vốn cực đoan như vậy được dự báo sẽ đem lại những khoản lỗ “khủng” trên BCTC của các DN năm 2012.

Từ ngày 17/10 đến 16/12, Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX), cổ đông lớn của CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVR), chưa mua vào cổ phiếu nào trong tổng số 965.000 cổ phiếu PVR mà PVX đã đăng ký mua trước đó.

Tuy không công bố lý do không mua được cổ phiếu, song không ít ý kiến cho rằng, lý do chính là PVX bị yêu cầu phải thoái toàn bộ vốn đầu tư tại các công ty kinh doanh BĐS trong hệ thống của tổng công ty này trong 1 – 2 năm tới. Trước đó, PVX cũng không tham gia mua 20 triệu cổ phần PVA như đã công bố.

Định hướng này quay ngoắt 180 độ so với những gì PVX công bố tại ĐHCĐ năm 2011 khi đưa ra phương án tăng vốn từ 2.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, trong đó dành 2.266 tỷ đồng dự kiến góp vốn đầu tư vào các đơn vị thành viên, trong đó có nhiều công ty kinh doanh BĐS.

Vốn là tổng công ty trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, nên việc quy tụ các DN kinh doanh BĐS về PVX nhằm tránh chồng chéo, dàn trải giữa các đơn vị thành viên của PVN được hoan nghênh.

Với thế mạnh về xây lắp, có không ít DN thuộc PVX hoạt động kinh doanh BĐS khá hiệu quả. Nay với yêu cầu trong 1 – 2 năm tới rút toàn bộ vốn của PVX tại các đơn vị này (trên 10 đơn vị) sẽ là một cú sốc lớn với các DN con của PVX, gây xáo trộn về cơ cấu cổ đông, trong khi các DN đang cần tập trung cho sản xuất – kinh doanh.

Điều quan trọng hơn là tìm đâu ra sức cầu để hấp thụ hết số lượng cổ phần đó. Hiện phần lớn DN trên đã niêm yết, cổ phiếu của không ít công ty có EPS đạt gần 2.000 đồng, nhưng chỉ có thị giá 4.000 – 5.000 đồng/CP.

Đua nhau tuyên bố thoái vốn, các DNNN đang vô tình đẩy TTCK diễn biến tệ hơn – Ảnh: Hoài Nam

Nhà đầu tư cá nhân hết vốn, nhà đầu tư tổ chức e ngại, vậy PVX sẽ thoái vốn cách nào và hạch toán khoản lỗ trên ra sao? Điều này ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của các cổ đông khác của PVX khi tổng công ty này cũng là DN cổ phần và đang niêm yết cổ phiếu trên sàn.

Tại cuộc họp về kế hoạch kinh doanh năm 2012 mới đây của PVX với lãnh đạo các công ty thành viên, đã có những lãnh đạo DN chia sẻ rằng, việc ép lộ trình thoái vốn như trên là bất hợp lý và duy ý chí, bởi khả năng khó thực hiện rất rõ.

Phía sau của câu chuyện thoái vốn cực đoan như vậy là sự bức xúc của rất nhiều cổ đông những công ty trong cùng hệ thống dầu khí.

Đã có nhà đầu tư phản ánh rằng, khá nhiều thương vụ thoái vốn có dấu hiệu được “dàn xếp” nhằm có lợi cho cổ đông lớn nào đó, nhưng gây ra thiệt thòi cho DN và gián tiếp ảnh hưởng tới quyền lợi của các cổ đông khác.

Họ dẫn chứng trường hợp CTCP Dịch vụ cao cấp dầu khí đã mua cổ phần của CTCP Xây lắp đầu tư dầu khí (PVCI) với giá 12.000 đồng/CP, trong khi cổ phiếu của những DN có chỉ số tài chính tương đương như PVCI hoặc thậm chí tốt hơn chỉ có giá 5.000 – 6.000 đồng/CP.

Hay như trường hợp PVA mua trên mệnh giá (được đánh giá là cao hơn giá thị trường) và nợ tiền mua cổ phần của các công ty trong họ dầu khí tại CTCP Đầu tư và thương mại dầu khí Nghệ An (PVIT) và CTCP Đầu tư và du lịch dầu khí Nghệ An. Để rồi, trong đợt huy động vốn kết thúc mới đây, trong tổng số 123,19 tỷ đồng thu được, công ty này phải trả 98 tỷ đồng tiền vay mua cổ phần tại 2 DN trên, tiền để bổ sung vốn đầu tư cho các dự án có tiềm năng còn lại rất ít.

Gần đây, một loạt tổng công ty, tập đoàn cũng công bố những thông tin về thoái vốn, đơn cử như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có kế hoạch thoái vốn khỏi Ngân hàng An Bình và Công ty Tài chính Điện lực. EVN đầu tư vào Ngân hàng An Bình 114,9 tỷ đồng; vào Công ty Tài chính Điện lực 1.000 tỷ đồng.

Số liệu thống kê cho thấy, EVN đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, BĐS 2.108 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào các DN BĐS 79,5 tỷ đồng. Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cũng thoái vốn khỏi công ty bảo hiểm, VNPT thoái vốn khỏi MaritimeBank…

Số liệu xấp xỉ 30.000 tỷ đồng của các DN nhà nước đầu tư ra ngoài ngành chưa hẳn là chính xác, bởi chưa thống kê lượng vốn đầu tư ngoài ngành của những công ty con, công ty thành viên của những DN này.

“Hơn thế, khái niệm thế nào là đầu tư ra ngoài ngành hiện cũng chưa rõ? Công ty tài chính có vốn góp của tập đoàn tham gia quản lý dòng tiền cho các đơn vị trong ngành, cho công ty mẹ, chủ yếu khai thác thị trường và các dự án phục vụ ngành liệu có được coi là đầu tư ngoài ngành?”, lãnh đạo một công ty tài chính đặt câu hỏi.

Việc chuyển từ thái cực này sang thái cực khác mà không có giai đoạn chuyển tiếp, không có lộ trình luôn gây ra những hệ lụy tiêu cực cho các chủ thể có liên quan. Định hướng thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DN nhà nước cũng vậy. Đây là một chủ trương đúng đắn, nhưng có nên thực hiện cấp tập, “dội cung”, trong khi sức cầu của nhà đầu tư quá yếu, thị trường vốn đang rất trì trệ?

Anh Việt

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Comments are closed.