Bên lề “cuộc chiến”, có nên tiếp tục tranh mua cổ phiếu ngân hàng?

27/02/2012 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.
Những câu chuyện đấu đá, những tin đồn xung quanh càng làm nhà đầu tư hào hứng với cổ phiếu ngân hàng. Không chỉ với STB và EIB, các cổ phiếu khác cũng được “hưởng lợi”.

Thanh khoản sàn Hà Nội tăng gấp đôi tuần trước

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước (24/2), VN-Index mặc dù mất điểm nhẹ, chốt ở mức 423,4 điểm song nếu tính cả tuần, chỉ số này vẫn tăng 5% so với cuối tuần trước và tăng hơn 9% so với cuối tháng trước.

Thanh khoản đã tăng rất mạnh trong tuần, trung bình 1 phiên KLGD sàn HoSE đạt hơn 61,7 triệu cổ phiếu, tăng 96% so với trung bình tuần trước đó, GTGT đạt 855 tỷ, tăng 64% so với tuần trước đó.

  Đóng cửa Tăng giảm KLGD bình quân/phiên GTGT bình quân/phiên
VN-Index 423,4 4,98% 62,74 96,00% 855 64,00%
VN30-Index 477,8 5,9% 27,50 58% 506,7 15,80%
HNX-Index 67,1 8,60% 73,4 111,00% 601 109,00%

 

Bên sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa ở mức 67,1 điểm, tăng 8,6% so với tuần trước và tăng 10,7% so với cuối tháng trước. KLGD sàn Hà Nội trong tuần qua tăng 111% và giá trị tăng 109% so với tuần trước trước đó, đạt binh quân 73,4 triệu cổ phiếu/phiên tương đương hơn 600 tỷ/phiên.

KLGD sàn Hà Nội tăng đột biến chủ yếu do cổ phiếu Habubank giao dịch mạnh, bình quân trong 10 phiên trở lại đây HBB giao dịch 7,3 triệu cổ phiếu/phiên, còn trong tuần qua, KLGD bình quân của HBB là 12,11 triệu cp/phiên.

KLGD tăng mạnh có thể khiến một số NĐT lo lắng về áp lực chốt lời tại các phiên điều chỉnh tuy nhiên ở một khía cạnh khác, nó cho thấy thị trường đang có những bước tiến khá bền vững. Thị trường có tăng có giảm, khi lớp NĐT này chốt lời lại có lớp NĐT khác mua vào. Nếu giá trị sàn HoSE liên tục duy trì được ở mức trên 1.000 tỷ, thị trường sẽ có cơ hội bứt phá sang các ngưỡng mới khi nhà đầu tư tổ chức bắt đầu tìm kiếm cơ hội trên thị trường.

Cơ sở nào cho thị trường tăng điểm

Vẫn tiếp tục là động thái giảm lãi suất của các ngân hàng lớn. Ngoài BIDV, Vietcombank đã công bố giảm lãi suất cho vay xuống thấp nhất 14,5%/năm vào đầu năm, gần đây Vietinbank, Agribank cũng công bố giảm lãi suất cho vay, VIB cũng đưa ra gói dành 5.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5% lãi suất thông thường cho vay doanh nghiệp. Chưa biết thực sự các ngân hàng giải ngân đến đâu, nhưng trước mắt tạo được hiệu ứng tâm lý cho các NĐT: lãi suất có chiều hướng giảm.

Thứ hai, CPI trong tuần qua công bố tháng 2/2012 tăng 1,37% so với tháng trước, lạm phát tính theo yOy (năm) là 16,44%, giảm khá mạnh so với con số hơn 23% vào tháng 8/2011, và nếu so với mức tăng của tháng 2/2011 thì CPI cùng kỳ năm nay thấp hơn. Lạm phát giảm là tiền đề để giảm lãi suất, tất nhiên, phải đi kèm với điều kiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định, theo như lời của Thống đốc NHNN phát biểu trong cuộc gặp mặt đầu năm 2012 vừa qua.

Thứ ba, giá xăng trong nước đang thấp hơn mặt bằng các nước quanh khu vực từ 5.000 – 14.000 đồng/lít, thay vì tăng giá xăng, Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, giảm bớt áp lực của việc tăng giá xăng.

Thứ tư, giá cổ phiếu hấp dẫn khiến dòng tiền đầu cơ “mượn cớ” đẩy cổ phiếu tăng mạnh, đặc biệt các thông tin bên lề “cuộc chiến” ngân hàng đã khiến các cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua tạo cơn sốt về thanh khoản. HBB, MBB được đẩy mạnh cả bên mua và bên bán.

Có nên tiếp tục mua cổ phiếu ngân hàng?

Kể từ đợt tăng điểm ngày 9/1, các cổ phiếu ngân hàng đã tăng khá mạnh, VCB, CTG, MBB, HBB có mức tăng trên 30%, ACB, STB, EIB tăng trên 17%, SHB cá biệt tăng tới 44% từ 5.700 đồng/cp lên 8.200 đồng/cp, riêng NVB chỉ tăng 1% nhưng so với HBB giá của NVB hiện vẫn đang ở mức cao.

Cổ phiếu “vua” đã bị mất ngai trong suốt 3 năm qua, 3 năm bị nhà đầu tư lãng quên, hiện tại nhóm cổ phiếu này đang nóng trở lại khi các thông tin xoay quanh việc Eximbank gom cổ phần của Sacombank đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Câu chuyện của Eximbank và Sacombank chưa có hồi kết. Và đỉnh điểm của “cuộc chiến” là việc Eximbank phát đi thông báo mặc dù nắm 9,37% cổ phần của STB song EIB đã được ủy quyền 51% quyền biểu quyết và “đòi” bầu lại toàn bộ HĐQT STB.

Sacombank cũng không vừa, công đoàn Sacombank lên tiếng dường như có nhóm nhà đầu tư trục lợi trong việc này, Eximbank “chưa hề đưa ra những phương án nhằm mục đích phát triển STB mà chỉ mượn chiêu bài vì mục đích cổ đông để đưa ra những yêu sách làm mất tính ổn định của Sacombank” (trích nội dung thư kiến nghị của Công đoàn Sacombank).

Câu chuyện này, chỉ cần Trung Tâm lưu ký lên tiếng sẽ biết được danh sách cũng như tỷ lệ nắm giữ cổ đông của Sacombank, nhưng đến giờ này chưa thấy UBCK lên tiếng.

Câu chuyện Exim-Sacom sẽ còn chưa dứt cho đến Đại hội cổ đông Sacombank vào tháng 4 tới, và cho đến lúc đấy, giới đầu cơ vẫn sẽ “mượn dây” để “đu sóng” ngân hàng.

Những câu chuyện đấu đá, những tin đồn xung quanh càng làm nhà đầu tư hào hứng với cổ phiếu ngân hàng. Không chỉ với STB và EIB, các cổ phiếu khác cũng được “hưởng lợi”. HBB trong tuần qua được mua rất mạnh, giao dịch bình quân 12 triệu cổ phiếu/phiên. Thực tế HBB lãi sau thuế hơn 240 tỷ trong năm 2011, giảm 45% so với năm trước và HBB chưa công bố mình thuộc nhóm nào. Tuy nhiên tại mức giá 5.000 đồng/cp, so với hàng loạt doanh nghiệp lỗ đang ngoi ngóp trên sàn, giá HBB lúc này vẫn hấp dẫn với giới đầu cơ.

Còn đối với STB, ở mức giá 19.000 đồng/cp, so với giá của EIB thì hiện STB đang đắt hơn, bởi EIB lãi ròng hơn 3.000 tỷ, EPS hơn 2.460 đồng/p trong khi giá EIB chỉ ở mứ 16.800 đồng/cp. Về tính ảnh hưởng đến thị trường, hiện STB và EIB đang ngang nhau vì EIB cũng nằm trong “ngũ bá” chiếm 10% tỷ trọng của Vn30.

Việc cổ phiếu đắt hay rẻ phụ thuộc vào kỳ vọng của mỗi nhà đầu tư, chúng tôi chỉ đưa ra các con số về lãi ròng năm 2011, tỷ lệ tăng trưởng, nợ xấu, EPS để các nhà đầu tư tự đánh giá.

(Số liệu hợp nhất 2011)

Theo TTVN

Comments are closed.