Bỏ vàng, rút tiết kiệm đổ vào cổ phiếu?

29/02/2012 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Mặc dù các yếu tố vĩ mô mới chuyển từ trạng thái xấu sang bớt xấu nhưng dường như chứng khoán hiện là lựa chọn tốt nhất.

Đang có dấu hiệu, dòng tiền nóng từ nhiều kênh đổ dồn vào cổ phiếu.

Dòng tiền nóng?

Ầm thầm đi lên gần như liên tục từ trước Tết Nguyên đán với mức tăng tổng cộng 22%, TTCK Việt Nam sáng 28/2 đã có một phiên quay đầu giảm mạnh (-1,44% trên HOSE và -3% trên HNX) với áp lực chốt lời rất lớn.

Hàng trăm triệu cổ phiếu đã được tung ra bán ồ ạt ngay khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh liên tục.

Chung cuộc, phiên giao dịch sáng 28/2/2012 đã chứng kiến hàng loạt những kỷ lục về giao dịch như: có mã giao dịch cao kỷ lục mọi thời đại (HBB của Habubank với 40 triệu cổ phiếu), khối lượng và giá trị giao dịch cao nhất trong hàng năm qua.

Cụ thể, tổng cộng trên hai sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Hà Nội đã có 257 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng với trị giá hơn 2.700 tỷ đồng.

Giao dịch trên riêng sàn Hà Nội đạt 135,7 triệu cổ phiếu, tương đương 1.020 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Sàn HOSE “khiêm tốn” hơn với 121,7 triệu cổ phiếu, tương đương 1.726 tỷ đồng, nhưng cũng đủ để được ghi nhận là mức cao nhất trong vòng 14 tháng trở lại đây và cao thứ 3 từ trước đến nay.

Áp lực chốt lời trong phiên giao dịch 28/2 được dự báo từ trước khi mà trong cả tuần trước các nhà đầu tư đã ồ ạt tranh mua cổ phiếu. Hàng loạt mã có 4-5 phiên tăng trần liên tiếp là cơ sở để các nhà đầu tư chốt lời.

Thị trường giảm là tất yếu nhưng có thể thấy sức cầu cổ phiếu không hề nhỏ. Hơn 2.700 tỷ đồng đã được tung ra để hấp thụ hàng loạt cổ phiếu với mức giá đã tăng trên 20%.

Các mã được tập trung mua nhiều nhất là nhóm ngân hàng với HBB được giới đầu tư mua vào hơn 40 triệu cổ phiếu, EIB thỏa thuận 32 triệu cổ phiếu.

Có thể nhận thấy, bên bán xả hàng ồ ạt để chốt lãi trong khi bên mua vẫn đang tích gom hàng giá thấp.

Chốt phiên, khá nhiều mã blue-chips giảm sàn như chứng khoán SSI, ITA… nhưng cũng không ít các mã tiếp tục tăng giá, thậm chí tăng trần như STB của Sacombank (trần), EIB của Eximbank (+0,6%), HBB của Habubank (+3,64%), SHB của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (+2,35%)…

Trên các sàn giao dịch, các nhà đầu tư có những đánh giá khác nhau. Một số cho rằng, đây là phiên phân phối đỉnh, trong khi số khác quả quyết thị trường vẫn đang trong xu hướng đi lên, phiên 28/2 là điều chỉnh tất yếu sau một đợt tăng dài.

Bỏ vàng, tiết kiệm nhảy vào chứng khoán?

Trái ngược với sự sôi sục của các nhà đầu tư, các CTCK tỏ ra khá thận trọng. Trong hàng chục phiên gần đây, cho dù thị trường liên tục tăng trong nghi ngờ, khá nhiều CTCK vẫn đưa ra những cảnh báo về một đợt tăng quá đà.

Mặc dù vậy, một số CTCK cũng cho rằng kỳ vọng của các nhà đầu tư vào TTCK hiện đang còn rất lớn.

CTCK BSC nhận định ngày 28/2 cho rằng, rủi ro T+4 đối với các nhà đầu tư muốn mua vào là không nhỏ nhưng lực cầu vào thị trường vẫn khá mạnh bất chấp những nghi ngại thị trường có thể đảo chiều do áp lực cung lớn từ tuần trước. Điều này chứng tỏ kỳ vọng vào thị trường của các nhà đầu tư vẫn còn rất lớn. BSC cho rằng để duy trì được kỳ vọng này thị trường sẽ cần thêm những thông tin mới hỗ trợ trong thời gian tới.

CTCK Kim Eng qua phân tích kỹ thuật cho rằng, thị trường đang ở mức quá mua, xu hướng tăng của thị trường dù vẫn còn duy trì nhưng đã bớt phần nào sự tích cực hơn trước. Tuy nhiên dấu hiệu bán ra vẫn chưa xuất hiện nên các nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục nắm giữ chứng khoán nhưng cần xem xét giải ngân thận trọng hơn và nên ưu tiên tập trung vào những mã chứng khoán có xu hướng tăng giá tốt đồng thời ít bị ảnh hưởng bởi xu hướng của thị trường.

Bất kể là nhận định, đánh giá như thế nào, trên thực tế, dòng tiền đã chảy rất mạnh vào TTCK trong thời gian vừa qua. Từ mức giao dịch chỉ 200-300 tỷ đồng/ngày thì hiện nay giao dịch đã vượt lên trên 1.000 tỷ đồng/phiên/sàn.

Nó cho thấy là lượng tiền trong dân vẫn khá dồi dào và nó hoạt động theo nguyên tắc nước chảy chỗ trũng hay chính là sự thông minh của dòng tiền.

Trong vài tuần gần đây, hiện tượng giá vàng trong nước liên tục thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới quy đổi (từ mức chênh 3-4 triệu đồng/lượng xuống giờ còn khoảng 1 triệu, thậm chí dưới 1 triệu đồng/lượng) cho thấy vàng hiện không còn hấp dẫn như trước. Vàng được bán ra nhiều và rất có thể đã chảy vào chứng khoán.

Bất động sản trầm lắng chưa có tín hiệu hồi phục gần đây cũng cho thấy dòng  tiền vẫn đang nằm ngoài kênh đầu tư này.

Trong khi đó, lãi suất ngân hàng giảm khiến nhiều người đã và đang tính tới việc rút ra.

Trong thời gian tới, nhiều khả năng lãi suất sẽ còn giảm và hơn thế nữa với các mức tăng trưởng tín dụng được khống chế ở mức 0%, 8%, 15% và 17% đối với các ngân hàng từ nhóm IV-I, nhiều ngân hàng không tính chuyện huy động nhiều khi mà đầu tư vào chứng khoán, bất động sản vẫn là nỗi sợ hãi trong năm qua. Hơn thế, một số ngân hàng được cấp tăng trưởng tín dụng cao còn lo ế tín dụng.

Việc đánh giá một thị trường là hấp dẫn hay không là rất khó khăn. Dòng tiền tự vận động và những người tham gia phải tự cảm nhận.

Đợt tăng điểm kéo dài của TTCK vừa qua là khá bất ngờ bởi các yếu tố vĩ mô mới chuyển từ trạng thái xấu sang bớt xấu (lạm phát vẫn ở mức 16,44%, lãi suất thực trên thị trường vẫn 18-20%…). Mặc dù vậy, với những con mắt dài hạn, vĩ mô đang trên đà cải thiện. Tính trong 9 tháng đến 1 năm tới, tình hình sẽ thực sự tốt trở lại và mua dài hạn là một lựa chọn đúng đắn?

Hơn thế, nếu Chính phủ thực hiện quyết liệt các chương trình tái cơ cấu (ngân hàng, CTCK…) và tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư ngoại thì tình hình sẽ thay đổi 180%.

Thực tế, trong thời gian vừa qua, chỉ có một yếu tố được khẳng định là tốt thật sự là tỷ giá ổn định. Giá USD tự do đã tiến về sát ngân hàng. Trong khi tỷ giá ngân hàng mua bán còn có xu hướng giảm gần đây.

Trong một động thái mới nhất, Chính phủ vừa chỉ đạo xem xét giải pháp hỗ trợ TTCK. Cụ thể, phó thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Tài chính chỉ đạo UBCKNN có ý kiến về đề xuất ổn định TTCK của  Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong 16 giải pháp VAFI đưa ra có một số kiến nghị được các thành viên thị trường chú ý như loại ngay một số doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn niêm yết ra khỏi các sàn giao dịch để tăng cường bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ; Tiến hành việc tách bạch tiền gửi của nhà đầu tư ra khỏi tài khoản của công ty chứng khoán nhằm tăng khả năng bảo đảm an toàn tài sản cho nhà đầu tư; Giảm số công ty chứng khoán từ 100 xuống còn 25 công ty để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các công ty chứng khoán.

Đồng thời, ngành đầu tư chứng khoán nên được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như ngành công nghệ cao nhằm thúc đẩy sự phát triển lực lượng nhà đầu tư có tổ chức để đóng vai trò làm nòng cốt cho TTCKVN ; Mở room cho nhà đầu tư nước ngoài ở các ngành nghề không phải là ngành kinh doanh có điều kiện nhằm tăng sức hấp dẫn cho TTCKVN, tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp có điều kiện dễ dàng trong thu hút nguồn vốn giá rẻ…

Đồng thời, bỏ thủ tục xin mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, thay vào đó là thủ tục đăng ký qua mạng với Trung tâm Lưu ký chứng khoán nhằm loại bỏ những thủ tục rắc rối mất nhiều thời gian nhưng lại không có ý nghĩa cho công tác quản lý nhà nước; Cho nhà đầu tư được vay số chứng khoán vừa mua nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường , thúc đẩy phong trào đầu tư giá trị.

Đây phải chăng là thông tin mới hỗ trợ trong thời gian tới, trên cơ sở lời hứa “có giải pháp phát triển TTCK” của Chính phủ. Một điều mà nhiều nhà đầu tư cũng cân nhắc là việc TTCK hồi phục trở lại sẽ rất thuận lợi cho việc tái cấu trúc ngân hàng và CTCK.
Theo Mạnh Hà – VEF

Comments are closed.