CTCK: Lách margin để xả hàng

07/05/2012 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Theo quy định, tỷ lệ ký quỹ ban đầu khi sử dụng sản phẩm giao dịch ký quỹ (margin) không được thấp hơn 60%, tức để mua 10 đồng, NĐT sẽ bỏ ra 6 và CTCK hỗ trợ 4 đồng. Khoản tiền margin của khách hàng cũng được quản lý trên tài khoản giao dịch ký quỹ, tách biệt với tài khoản giao dịch chứng khoán “gốc” ban đầu. Nhưng dường như một vài CTCK đã tìm được cách để luồn lách những quy định về margin, chủ yếu là tư vấn rồi bán những CP bị “kẹp hàng”.

CP 3 lợi ích

Theo dõi diễn biến của PVA (Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An) từ đầu tháng 4 đến nay, chỉ có 1 lần duy nhất CP này tăng được hơn 3 phiên, còn lại hầu như tăng giảm xen kẽ hoặc 2 phiên tăng 1 phiên giảm. PVA là một trong những CP nóng nhất năm 2010 với những yếu tố liên quan như tăng hỗn, đội lái và cả hoạt động giao dịch ký quỹ (đòn bẩy tài chính).

Cách đây 2 năm, một số NĐT dày dạn kinh nghiệm đã nói rằng, muốn xem tình hình bán giải chấp của thị trường đã kết thúc hay chưa, cứ nhìn vào diễn biến của PVA. Người thắng lớn với PVA rất nhiều nhưng số người “chết” vì PVA cũng không ít và phạm vi không chỉ có NĐT mà còn lan sang cả CTCK.

Cũng chính vì vậy, mặc dù cơn sốt PVA và những thiệt hại đã chấm dứt được gần 2 năm, nhưng vẫn có một loạt câu hỏi được đặt ra: Còn bao nhiêu NĐT, đội lái vẫn bị “kẹp hàng” PVA và đang nợ CTCK tiền vay để giao dịch CP này? Có bao nhiêu CTCK vẫn còn hàng giải chấp PVA?

Hoạt động giao dịch ký quỹ thời điểm đó chưa được luật hóa như hiện nay, nên rất khó định lượng mức độ ảnh hưởng kéo dài đến ngày hôm nay. Do vậy có thể CTCK cũng xử lý hàng giải chấp, nhưng chỉ mới một phần, phần còn lại sẽ là khởi điểm cho nhiều câu chuyện, chiêu trò thú vị.

Chẳng hạn CP tăng giá được 1-2 phiên lập tức đã xuất hiện lực bán ra chốt lời, trong khi quy trình thanh toán hiện nay vẫn là T+4. Như vậy bên bán ra sẽ phải có sẵn CP trong tay và những người có sẵn này có thể là NĐT đã gom mua CP lúc giá rẻ, cổ đông lớn và cũng có thể chính là các NĐT vẫn đang bị “kẹp hàng” và CTCK dính hàng giải chấp.

Theo tìm hiểu của ĐTTC, do hàng giải chấp của nhiều CTCK có mức giá cao, trong khi mức giá hiện nay dù có tăng cũng chưa đủ để bán ra và hòa vốn. Vì vậy, đã xuất hiện thỏa thuận giữa CTCK và các NĐT, đội lái bị “kẹp hàng”. Theo đó, chỉ cần ký quỹ một phần tiền mang tính chất “thế chân”, CTCK sẽ cho các đội lái, NĐT sử dụng lại số CP giải chấp của mình (trước đây) để “đánh lên, đánh xuống”.

Nếu lỗ sẽ được cấn trừ vào phần tiền thế chân, còn nếu có lãi, giữa CTCK và đối tác sẽ có thỏa thuận ăn chia, phần để NĐT có lãi để đánh tiếp, phần sẽ “trả nợ” dần dần cho CTCK. Cách làm này sẽ tạo ra 3 lợi ích: CTCK vừa lấy lại được khách hàng vừa tăng doanh số, nợ giảm dần, đồng thời NĐT có cơ hội tạo ra lợi nhuận. NĐT từ chỗ “hết tiền” hoặc còn rất ít tiền, giờ lại được CTCK tạo cơ hội “làm lại cuộc đời” khi nắm trong tay một lượng lớn CP dù số tiền ký quỹ không cần quá lớn.

Tuy nhiên, những CP nào thuộc “nhóm 3 lợi ích”, NĐT bên ngoài rất khó tìm kiếm lợi nhuận. Với cách đánh 2-3 tăng rồi 1-2 giảm xen kẽ với nhau, NĐT không tìm hiểu kỹ lưỡng sẽ dễ đưa tiền cho “nhà cái”.

Ký quỹ tỷ lệ “vàng”

Chỉ cần là khách hàng quen thuộc và có uy tín với CTCK, việc sử dụng các tiện ích của CTCK, trong đó có hoạt động margin là điều khá dễ dàng. Và cũng chỉ cần theo chân những NĐT dạng này, việc “thương lượng” các tỷ lệ sử dụng margins từ 6:4 xuống còn 5:5 thậm chí… 3:7 hoặc 1:4 cũng không có gì khó khăn.

Tất nhiên, để có đòn bẩy lớn, NĐT không thể sử dụng theo cách thức thông thường mở tài khoản, đóng tiền giao dịch rồi mở tài khoản ký quỹ để giao dịch. Lúc này, việc mở tài khoản là chính, đóng tiền thực chất chỉ mang tính chất thế chân, NĐT sẽ dùng một tài khoản khác mà CTCK lập ra để giao dịch.

Nếu thắng, CTCK sẽ có cách đưa phần tiền lãi cho NĐT và NĐT cũng sẽ rút vốn gốc dễ dàng, còn ngược lại nếu thua lỗ thì phần tiền trên tài khoản chính của NĐT sẽ bị “khóa” theo số lỗ. Điểm đặc biệt ở đây là với cách thức tạo tài khoản ký quỹ “chân gỗ” này, NĐT sẽ không bị giới hạn những loại CP không được giao dịch ký quỹ và có thể mua vào rất thoải mái.

Với cách thức vừa nêu, CTCK và NĐT có thể “lách” được quy định của các cơ quan quản lý về các loại hàng hóa trong giao dịch ký quỹ, còn để “lách” được về tỷ lệ ký quỹ, sẽ lại có một cách thức khác. Thí dụ: NĐT nộp vào tài khoản 300 triệu đồng, chiếu theo tỷ lệ 6:4 theo quy định thì số tiền hỗ trợ thêm sẽ chỉ là 200 triệu đồng, NĐT sẽ chỉ được mua tổng cộng 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, chỉ cần một vài thủ thuật đơn giản, sức mua của NĐT có thể tăng lên 1 tỷ đồng. Theo đó, nếu CTCK vẫn quản lý tài khoản khách hàng theo kiểu tài khoản tổng, thì một lệnh chuyển tiền nội bộ 300 triệu đồng sẽ được thực hiện vào tài khoản có sẵn 300 triệu đồng, lúc này NĐT sẽ có 600 triệu đồng, từ đó sẽ thực hiện hợp đồng giao dịch ký quỹ, vẫn tuân theo tỷ lệ 6:4 và số tiền được hỗ trợ thêm sẽ là 400 triệu đồng.

Sau một thời gian, đến khi kết thúc giao dịch, NĐT sẽ lại chuyển ngược 300 triệu đồng đã vay theo hình thức chuyển tiền nội bộ và trả lại cho CTCK. Cách lách này đã “hóa giải” tỷ lệ 6:4 theo quy định và gia tăng thành 3:7.

Theo tìm hiểu của ĐTTC, cho đến thời điểm này những cách lách vừa nêu chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp, bởi phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ cũng như uy tín của khách hàng CTCK mới dám rộng tay. Với cách lách giới hạn CP, nếu NĐT không tin CTCK, việc đánh trên một tài khoản “lạ” và chốt được lời hay lỗ và rút tiền là điều không thể.

Còn với cách lách tỷ lệ ký quỹ, việc các lệnh chuyển tiền nội bộ mặc dù thực hiện dễ, nhưng vì là lách nên không thể tạo ra chứng từ cho thấy CTCK cho khách hàng vay.

Các CTCK sẽ đưa ra lý lẽ rằng, việc lách các quy định margin nếu có cũng chỉ vì “nồi cơm” của mình, nếu không lách thậm chí sẽ mất khách. Như đã nói ở trên, các hình thức “độc đáo” này rất giới hạn. Nhưng thử hỏi nếu thị trường tiếp tục diễn biến thuận lợi và hưng phấn hơn nữa, các CTCK có thể “dằn lòng” mà tiếp tục nghiêm túc (có giới hạn) hay lúc đó sẽ lại bước vào một cuộc cạnh tranh gay gắt với những chiêu trò khác nhau hay không?

Một mặt các CTCK luôn “kêu than” các đối thủ đã không cạnh tranh đúng mực trong hoạt động cấp margins cho khách hàng, nhưng mặt khác lại vẫn luôn có ý định lách luật, phải chăng các CTCK đang mâu thuẫn với chính mình.

Thái Ca – Minh Hà

SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

 

 

Comments are closed.