Ông lớn’ SCIC: Ai mua vốn tôi bán?

16/05/2012 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

5 năm sau khi thành lập, Tổng công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) vẫn chưa thoát khỏi vai trò của một ông lớn chuyên đi rao bán vốn.

Cứ mỗi lần SCIC công bố số lượng doanh nghiệp thuộc diện bán vốn, nhiều thành viên thị trường lại có cảm xúc khó tả. Nhà đầu tư chứng khoán nhỏ lẻ lo dội cung, doanh nghiệp thuộc diện bán vốn lo xáo trộn về cơ cấu cổ đông và nhân sự cấp cao, bản thân SCIC cũng lo bán vốn sao cho đúng quy trình, còn công ty chứng khoán (CTCK) lo tìm được người mua.

Mặc dù thị trường chứng khoán hiện đang có dấu hiệu khởi sắc, kế hoạch thoái vốn của SCIC trong năm nay được công bố gần đây vẫn khiến nhiều người nghi ngại về tính khả thi.

Không dễ bán

Năm 2012, SCIC công bố danh sách bán vốn tại 245 doanh nghiệp, thấp hơn so với kế hoạch dự kiến trước đó là 376 doanh nghiệp. Kế hoạch đặt ra thì như vậy, nhưng kết quả ra sao thì khó mà dự báo được trong bối cảnh thị trường hiện nay. Đơn cử, năm 2011, SCIC đặt kế hoạch bán vốn tại 304 doanh nghiệp, nhưng cuối cùng thì đơn vị này chỉ bán vốn thành công tại 95 doanh nghiệp, đạt vỏn vẹn 30% kế hoạch.

Nhận xét về sức cầu của các đợt bán vốn năm 2012, giám đốc bộ phận tư vấn của một CTCK lớn cho biết: sẽ rất khó khăn. So với nhiều cổ phiếu trên sàn niêm yết, giá khởi điểm của cổ phiếu các công ty thuộc diện bán vốn khá cao. Trong khi đó, do tình hình kinh tế khó khăn nên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2011 và cả năm nay sẽ không mấy khả quan, không loại trừ có những doanh nghiệp đã mất hết vốn.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào danh sách 245 công ty thuộc diện bán vốn này, có không ít công ty có tiềm năng, lại có lợi thế về đất đai. Những công ty thuộc các nhóm ngành sản xuất cơ bản như lương thực, dược phẩm, nhựa sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Theo dự đoán của vị chuyên gia tư vấn nói trên, sẽ có khoảng 100 doanh nghiệp bán vốn thành công trong năm nay.

Một cán bộ của SCIC cho biết, thông thường SCIC và CTCK phải mất 3 tháng để hoàn tất quy trình bán vốn gồm 5 bước. Đó là chưa kể còn nhiều lý do khác nữa khiến quy trình trên kéo dài hơn. Bởi vậy, có những cuộc bán đấu giá kéo dài tới 6-7 tháng chưa xong.

Oái oăm là số tiền thu về từ nhiều cuộc đấu giá, nếu thành công, cũng chỉ khoảng trên 1 tỷ đồng. Lý do là nhiều doanh nghiệp quy mô bé, thậm chí siêu bé, nên cổ phần tại nhiều doanh nghiệp mà SCIC thoái vốn rất khó bán. Đối tượng mua cổ phần chính trong các đợt thoái vốn của SCIC là các thành phần nằm trong doanh nghiệp như: những người quản lý, cán bộ – công nhân viên của doanh nghiệp. Một số nhà đầu tư khác quan tâm mua cổ phần trong các đợt thoái vốn là bạn hàng, đối tác của doanh nghiệp.

Song do tài sản đem bán là tài sản của nhà nước, việc thoái vốn lại liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau, nên trong nhiều trường hợp rất dễ xảy ra khiếu kiện. Giá chào bán cổ phần là yếu tố nhạy cảm, được chú trọng đặc biệt.

Ông Hoàng Nguyên Học, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, SCIC phải tính toán tất cả các giá trị có thể chuyển thành dòng tiền tại doanh nghiệp để đưa vào giá khởi điểm. Việc đưa ra giá khởi điểm đấu giá do tổ chức tư vấn trung gian (CTCK) có chức năng định giá cổ phần thực hiện. SCIC là bên phê duyệt cuối cùng. Vì trách nhiệm nặng nề như vậy nên một số doanh nghiệp trong danh sách bán vốn có tiềm năng về bất động sản nhưng cơ chế định giá đất lại chưa hoàn thiện nên SCIC đã phải tạm hoãn bán vốn để chọn thời điểm phù hợp hơn.

Và câu hỏi về sử dụng tiền bán vốn

Đến cuối năm 2011, SCIC đã bán vốn tại 537 doanh nghiệp, thu về 2.977 tỷ đồng trên 1.398 tỷ đồng giá trị mệnh giá.

Ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC cho biết, trong những năm tới hoạt động bán vốn tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của SCIC. Trả lời câu hỏi tiền bán vốn được sử dụng như thế nào, ông Đạo cho biết, khoản này được thực hiện đầu tư vào các dự án trong những ngành, lĩnh vực then chốt; đầu tư linh hoạt để làm gia tăng vốn nhà nước và đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhìn lại 5 năm qua, dấu ấn đầu tư của SCIC trên thị trường rất mờ nhạt. Với các dự án lớn, hầu như chưa thấy sự tham gia của SCIC, ngoại trừ việc mua cổ phần theo chỉ định tại một số doanh nghiệp như thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, thủy điện Thác Bà…

Năm 2012, SCIC dự kiến đầu tư 4.000 tỷ đồng, trong đó có những khoản đầu tư hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty; mua lại các khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái vốn do đầu tư ngoài ngành; đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, bệnh viện…

Cần biết rằng, năm 2011, SCIC đặt mục tiêu tiêu 2.629 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ giải ngân được 586 tỷ đồng, tức chỉ đạt hơn 20% kế hoạch. Do vậy, có cơ sở để nghi ngờ khả năng đạt mục tiêu đầu tư 4.000 tỷ đồng trong năm nay của SCIC.

Với hoạt động như vậy, SCIC đã bị không ít thành viên thị trường châm biếm là tổng công ty chuyên đi bán vốn và kiếm lời từ tiền gửi tiết kiệm. Có lẽ với cơ chế quản lý như hiện nay, phải rất lâu nữa SCIC mới thoát khỏi cái bóng này để trở thành một tổ chức đầu tư vốn nhà nước một cách đúng nghĩa.

Những chuyện khôi hài khó tin

Câu chuyện bán vốn ấn tượng nhất được các CTCK truyền tai nhau là vụ cướp hòm phiếu đấu giá cổ phần một doanh nghiệp tại Nam Định. Cuộc đấu giá được tổ chức song có một số người trong công ty này không đồng thuận. Sau khi các nhà đầu tư bỏ phiếu vào thùng, một đối tượng bất ngờ xông vào phòng đấu giá, cướp thùng phiếu và bỏ chạy. Quá bất ngờ, những người có trách nhiệm không kịp phản ứng ngay. Mất một khoảng thời gian người ta mới tri hô đuổi theo đối tượng. Nếu đối tượng này không bị ngã và bị bắt lại thì câu chuyện bi hài này không biết hạ hồi thế nào.

Một câu chuyện khác, doanh nghiệp thuộc diện bán vốn nhà nước có trụ sở tại Hải Phòng. 2-3 nhà đầu tư quan tâm đến đợt bán vốn và đăng ký tham gia đấu giá nhưng lãnh đạo doanh nghiệp lại nhất quyết đi mọi cửa để đề nghị thay đổi tỷ lệ bán vốn. Rút cục, sau điều chỉnh, nhà đầu tư đã bỏ cuộc vì không đúng tỷ lệ họ mong muốn sở hữu, kết quả là đợt bán vốn thất bại.

Chưa hết, năm 2011, CTCK SME và một số CTCK khác rơi vào tình trạng mất thanh khoản, có nguy cơ phá sản. Họ đã lạm tiêu tiền bán vốn nhà nước khi thực hiện bán cổ phần ở một số doanh nghiệp theo hợp đồng với SCIC. Ngay sau đó, để tránh rủi ro thất thoát tiền bán vốn của nhà nước, SCIC đã phải thay đổi quy trình thanh toán tiền bán vốn thông qua các CTCK, theo đó tiền bán vốn chuyển thẳng về tài khoản của SCIC thay vì chuyển qua các CTCK.

Theo Mai Lai

Diễn đàn doanh nghiệp

Comments are closed.