Những “hạt sạn” trong danh sách HNX30

10/07/2012 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.
Nếu có điều chỉnh rổ cổ phiếu trong HNX30, 5 cổ phiếu có giá trị vốn hóa thấp nhất sẽ bị loại trước. Do đó, khả năng BVS vẫn sẽ được giữ lại, cho dù đang trong giai đoạn bị kiểm soát.

Chỉ số HNX30-Index đã chính thức vận hành từ ngày 09/7/2012, với giá tham chiếu là 132 điểm. Ngay ngày đầu ra mắt, HNX30-Index đã giảm 4,73 điểm (-3,58%) xuống 127,34 điểm. Kỳ vọng về “sóng” HNX30 đã bị dập tắt khi hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm này bị bán sàn trong ngày đầu giao dịch. Tại sao HNX30 đưa ra không thể tạo hiệu ứng như những gì “người anh em” Vn30 đã từng làm trong những tháng đầu năm?

Những hạt sạn

Tiêu chí lựa chọn các cổ phiếu thuộc HNX30 không yêu cầu công ty được chọn phải có lãi, các cổ phiếu được lựa chọn chỉ cần thỏa mãn 4 tiêu chí: (i) không thuộc diện bị kiểm soát, bị tạm ngưng giao dịch, (ii) thời gian niêm yết và giao dịch trên HNX không dưới 6 tháng, (iii) tính thanh khoản cao, (iiii) giá trị vốn hóa thị trường cao.

Tuy nhiên nếu nhìn thấy danh sách HNX30, nhà đầu tư có thể dễ dàng nhận thấy một số cổ phiếu được chọn trong danh sách HNX30 có “vấn đề”.

Thứ nhất, BVS bị kiểm soát từ ngày 03/04/2012, nhưng danh sách này được xây dựng từ ngày 03/01 do đó Hội đồng chỉ số đã để “lọt lưới” BVS.

Dù sao BVS cũng là một trong các cổ phiếu trụ cột của sàn Hà Nội từ những ngày đầu và BVS cũng đang lên phương án khắc phục lỗ lũy kế, trong quý I/2012 BVS lãi 10,4 tỷ đồng.

Thứ hai, về thanh khoản, KLGD trung bình 10 phiên của SDU và NTP chỉ ở mức quanh 750 cổ phiếu/phiên, TH1 là 5.500 cổ phiếu/phiên, QNC là 11.780 cổ phiếu/phiên, trong khi tiêu chí chính của HNX30 lại dựa vào tính thanh khoản, với các cổ phiếu giao dịch thấp như thế này, liệu nó có mang tính đại diện được cho thị trường?

Thứ ba, về giá trị vốn hóa, tại ngày 09/7, giá trị vốn hóa của QNC, PFL, SDU dưới 100 tỷ đồng, SD9, SDH quanh mốc 110 tỷ đồng. Đây là 5 cổ phiếu có giá trị vốn hóa thấp nhất trong rổ HNX30.

Trong khi đó, Top 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trên sàn Hà Nội cũng có giá trị vốn hóa trên 400 tỷ, Top 50 có giá trị vốn hóa trên 200 tỷ.

Được biết, rổ chỉ số HNX30 sẽ được xem xét định kỳ 6 tháng/lần, nếu tính đến thời điểm công bố là 9/7, đáng lẽ rổ chỉ số HNX30 phải được xem xét lại. Tuy nhiên theo công bố của HNX, kỳ review sẽ rơi vào tháng 4 và tháng 10, do đó ít nhất phải đợi 3 tháng nữa các cổ phiếu trong rổ hNX30 mới được cơ cấu lại (nếu cần).

Hơn nữa, 25/30 cổ phiếu có giá trị thị trường điều chỉnh lớn nhất sẽ được ưu tiên lựa chọn duy trì trong rổ. Như vậy nghĩa là, nếu có điều chỉnh rổ cổ phiếu trong HNX30, 5 cổ phiếu có giá trị vốn hóa thấp nhất sẽ được ưu tiên “cho ra đi” trước.

Do đó, khả năng BVS vẫn sẽ được giữ lại, cho dù đang trong giai đoạn bị kiểm soát.

Thứ tư, việc lựa chọn các cổ phiếu trong rổ HNX30 còn phụ thuộc vào mức độ tập trung của các nhóm ngành (số lượng chứng khoán trong mỗi nhóm ngành không vượt quá 20% số chứng khoán trong rổ). Hầu hết các mã có thanh khoản cao trên sàn Hà Nội chủ yếu tập trung vào nhóm tài chính (cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng), hoặc xây dựng (Sông Đà), khai khoáng hoặc dầu khí, do đó đối với những nhóm ngành khác như công nghiệp hay thương mại, khó có thể chọn đồng đều các mã có thanh khoản cao.

Thứ năm, không phải các cổ phiếu trong rổ HNX30 đều là “hàng tuyển”, thậm chí một số mã đang lỗ như IDJ (năm 2011 lỗ hơn 20 tỷ), SDH (năm 2011 lỗ 1,2 tỷ), VGS, PVL, OCH (quý I/2012 lỗ), PFL lãi 54 triệu đồng, SDU lãi 193 triệu đồng…

 

 

Ưu điểm

Ở thời điểm hiện tại, chỉ số HNX30 và VN30 chưa phát huy được ưu điểm của nó, các quỹ ETF hay nhà đầu tư nước ngoài vẫn sử dụng hai chỉ số chính là VN-Index và HNX-index. Chưa có sân chơi cho các sản phẩm phái sinh cũng như đầu tư chỉ số thì lúc đó nhà đầu tư vẫn chưa quan tâm thực sự đến hai chỉ số HNX30 và VN30.

Tuy vậy, nếu so sánh riêng giữa HNX30 và VN30, thì HNX30 có một điểm vượt trội hơn, đó là chỉ số HNX30 không bị phụ thuộc quá nhiều như VN30.

Nói một cách dễ hiểu, đồ thị Vn30 và VN-Index gần như …chẳng khác gì nhau, mặc dù giới hạn tỉ trọng của các mã trong VN30 là 10% song độ biến động của VIC, STB, MSN, BVH…tác động đến Vn30 chẳng khác gì so với VN-Index. Hơn nữa, vốn hóa thị trường của các cổ phiếu VN30 chiếm tới 80% sàn HoSE trong khi vốn hóa thị trường của các cổ phiếu HNX30 chỉ chiếm 19,8% giá trị vốn hóa sàn Hà Nội.

Chỉ số HNX30 cũng khắc phục được tác động của cổ phiếu ACB đối với sàn Hà Nội, khi mã này chiếm tới 23% vốn hóa toàn thị trường, trong khi trong rổ HNX30 chỉ chiếm 15%.

Và nếu nhìn vào đồ thị so sánh giữa HNX30 và HNX-Index thì chúng ta có thể thấy độ biến động của HNX30 mạnh hơn so với HNX-Index.

 


Đồ thị: Độ biến động của HNX30 (xanh) mạnh hơn so với HXN-Index (đỏ)

 

Phương Mai

 

 

 

Theo TTVN

 

Comments are closed.