Ai bảo vệ nhà đầu tư?

16/08/2012 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Không phải đợi khi sự việc ở SMEs, SBS, Bianfishco… vỡ lở, thì câu chuyện về quản trị DN, về nỗi lo ai bảo vệ quyền lợi NĐT mới được đề cập.

Trước đây, khi những sai phạm ở Dược phẩm Viễn Đông bị phanh phui, các NĐT dù không phải cổ đông của DN này cũng đã lo âu không ít cho tài sản của mình. Bởi đi cùng sai phạm của lãnh đạo DN nếu bị phát hiện là những thiệt hại đo đếm được của các NĐT. Điều đáng nói là TTCK đã chứng kiến hàng chục vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại DN, nhưng tính cảnh báo của các sự kiện trên chưa được cụ thể hóa bằng những hành động hữu hiệu của cơ quan quản lý. Sau mỗi vụ việc được đưa ra ánh sáng là những góc khuất mà nếu sát sao hơn, cơ quan quản lý đã có thể cắt bỏ khi ung nhọt chưa trở thành di căn.

Dẫu biết rằng, càng phát hiện được nhiều vụ sai phạm, chứng tỏ vai trò của cơ quan quản lý thị trường càng rõ nét, nhưng nếu để quá muộn thì đã hết hẳn thuốc chữa. Bằng chứng là sai phạm ở SMEs, SBS diễn ra từ năm 2010, nhưng phải đến năm 2012 mới được điều tra. Trong khoảng thời gian ấy, nếu NĐT được cảnh báo sớm, có lẽ mức độ thiệt hại của họ đã giảm đáng kể.

Theo nhận định của chuyên gia tài chính Alan Phan, hệ thống pháp luật chứng khoán của chúng ta không quá thiếu thốn, nhưng điều quan trọng là việc giám sát thực thi các quy định chưa được chặt chẽ, các chế tài còn khá nhẹ nếu so với những khoản lợi nhuận mang về khi qua mặt được cơ quan quản lý. Vì thế mới có chuyện, nhiều thành viên trên thị trường sẵn sàng phạm luật, vui vẻ nộp phạt nếu bị phát hiện và chẳng có gì đảm bảo lần sau họ không tái phạm.

Sau nhiều vụ việc chỉ được phát hiện và đưa ra ánh sáng bởi các cơ quan bảo vệ pháp luật, niềm tin của NĐT vào một cơ chế hữu hiệu để bảo vệ họ đang mất dần. Cơ quan quản lý thị trường gần đây cũng đã có những động thái chấn chỉnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để lấy lại niềm tin phải là một quá trình dài. Và niềm tin chỉ trở lại khi NĐT cảm thấy được bảo vệ.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, việc bảo vệ NĐT không thể trông đợi hoàn toàn vào cơ quan quản lý, mà trách nhiệm lớn là của chính DN. Theo ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Saigon Asset Management (SAM), ở nhiều nước, HĐQT DN mới là địa chỉ chủ yếu để NĐT gửi gắm niềm tin. Họ sẽ chất vấn, giám sát, chỉ đạo và theo dõi diễn biến ở DN trên tinh thần vì quyền lợi đại đa số cổ đông. Nhưng để HĐQT thực sự công tâm trong bảo vệ quyền lợi NĐT, lượng thành viên độc lập trong HĐQT phải chiếm đa số. Ông Louis Nguyễn cho biết, HĐQT ở SAM đang tổ chức theo hướng kể trên. Trong các cuộc họp HĐQT, phải có kiểm toán cùng dự để báo cáo tình hình.

Nhìn lại, rất hiếm DN Việt Nam tổ chức HĐQT được như vậy. Trong rất nhiều trường hợp, HĐQT chỉ quan tâm và đại diện cho lợi ích nhóm hơn là lợi ích của đa số cổ đông. Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2011 của Ngân hàng Thế giới đánh giá, DN Việt Nam bị điểm 0 về trách nhiệm giải trình của thành viên HĐQT trước cổ đông. Vì thế, Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước kém nhất thế giới (đứng thứ 173/183) về mức độ bảo vệ NĐT.

NĐT cũng có thể hy vọng tìm sự minh bạch nơi các công ty kiểm toán. Nếu công ty kiểm toán thực sự uy tín, độc lập và nghiêm túc, báo cáo tài chính kiểm toán là một trong những tài liệu quan trọng để đánh giá DN. Trên thế giới, cổ đông thường yêu cầu các công ty phải sử dụng dịch vụ của đơn vị kiểm toán thuộc nhóm Big 4. Lý do là các đơn vị này có thương hiệu đủ lớn, có tài lực đủ mạnh để từ chối sự thoả hiệp với DN. Báo cáo tài chính được kiểm toán từ 1 trong 4 đơn vị này vì thế đáng tin cậy và có giá trị bảo vệ NĐT hơn. Tuy nhiên, không nhiều DN Việt Nam chọn lựa nhà kiểm toán theo uy tín, mà giá cả và “sự dễ tính” mới là điều được quan tâm nhất.

Biết là để tiến tới một TTCK, trong đó các thành viên tự giác tôn trọng luật chơi, công bằng với mọi đối tượng NĐT là cả một chặng đường dài, nhưng để đi đến đích thì sự sát sao của cơ quan quản lý và việc áp dụng một cơ chế quản trị tiên tiến, minh bạch là hai động lực lớn. Chỉ khi nào các DN cảm thấy được tưởng thưởng xứng đáng cho sự minh bạch và ngược lại, phải trả cái giá thật đắt cho các hành vi vi phạm, thì NĐT mới thực sự được bảo vệ.
Theo Ngọc Thủy – ĐTCK

Comments are closed.