Chứng khoán tiếp tục rơi bất chấp ‘khuyến cáo’

23/08/2012 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Khuyến cáo khuyên nhà đầu tư bình tĩnh từ UBCK đã không giúp tâm lý tháo chạy bầy đàn, khiến đà lao dốc của thị trường chứng khoán vẫn chưa được chặn lại.

Kết thúc phiên giao dịch, tất cả các chỉ số chứng khoán tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp. VN-Index giảm thêm 4,24% xuống 392,82 điểm, VN30 giảm 4,42% xuống 464,83 điểm. HNX-Index giảm 5,29% xuống 61,63 điểm, HNX30 giảm 6,31% xuống 114,04 điểm.

Thanh khoản thị trường đã có sự giảm sút khi nhà đầu tư không còn mạo hiểm bắt “dao rơi” khi đã có chuyên gia cảnh báo nên tạm đóng cửa TTCK, bất chấp khuyến cáo trấn an từ cơ quan quản lý thị trường.

“Việc dừng ngay giao dịch trong vòng ít nhất một ngày là để TTCK Việt Nam có thể trấn tĩnh tâm lý và có thời gian để điều chỉnh hành vi theo các dòng thông tin phù hợp”. Diễn đàn doanh nghiệp cho biết đây là quan điểm của TS Vương Quân Hoàng – chuyên gia tài chính độc lập.

Thông tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt đã làm rúng động thị trường tài chính, chứng khoán ngày 21/8. Việc giảm sâu của thị trường đã bước sang ngày thứ 3 và ít ai có thể hình dung được mức độ thiệt hại của cả thị trường chứng khoán Việt Nam sau tin sốc này như thế nào.

Thiết nghĩ đây là một trong những việc rất có ích và đáng làm để vãn hồi tâm lý đầu tư, và đề nghị UBCKNN cân nhắc ý kiến đóng góp này”.

Tuy nhiên để “đáp lại” ý kiến này, trong ngày hôm nay 23/8, Ủy ban Chứng khoán (UBCK) khuyến cáo nhà đầu tư cần bình tĩnh, thận trọng trong giao dịch chứng khoán.

Nhà đầu tư tránh bị tác động tâm lý lan truyền từ các thông tin chưa được kiểm chứng từ các nhà đầu cơ, trục lợi, giao dịch nhằm thao túng thị trường. Cần theo dõi sát sao các thông tin từ các nhà chức trách, cơ quan quản lý nhà nước (NHNN; UBCKNN và các Sở GDCK) để có quyết định hợp lý, tránh tâm lý bán tháo cổ phiếu.

Mặt khác, UBCKNN cũng xem xét để triển khai một số các giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ thị trường, trước mắt ngày 4/9/2012 sẽ đưa vào áp dụng việc rút ngắn chu kỳ thanh toán chứng khoán từ 15h00 ngày T+3 xuống 9h00 ngày T+3, qua đó cho phép nhà đầu tư có thể bán chứng khoán vào sáng ngày T+3 (rút ngắn được 01 ngày so với trước đây); xem xét khi thị trường thuận lợi có thể điều chỉnh biên độ giao dịch trên các Sở GDCK để hỗ trợ thanh khoản của thị trường./.

Thị trường hôm nay tiếp tục chấn động khi Petrotimes trích dẫn nguồn tin của mình cho biết Tổng Giám đốc của ACB, ông Lý Xuân Hải, đã bị bắt tạm giam 4 tháng để điều tra mối liên hệ với “bầu” Kiên, người vừa bị bắt vài ngày trước đó do các sai phạm cá nhân liên quan tới hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, đã chính thức bác thông tin này và khẳng định mọi việc vẫn chưa có diễn biến gì mới.

Theo VOV Online, trong ngày 22/8, khách hàng đã rút 5000 tỷ đồng từ ACB. Ngân hàng Nhà nước cũng chính thức phát đi thông điệp bảo đảm thanh khoản cho ACB. NHNN và cả hệ thống các tổ chức tín dụng đã và tiếp tục cam kết sẵn sàng hỗ trợ vốn cho Ngân hàng TMCP Á Châu để bảo đảm khả năng chi trả các khoản tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư tại ngân hàng này. Do đó, quyền lợi của người gửi tiền hoàn toàn được đảm bảo.

NHNN khuyến cáo các tổ chức và cá nhân có tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Á Châu nên thận trọng trước các tin đồn không có căn cứ để tránh những tổn thất không đáng có./.

Báo Tuổi trẻ hôm nay cho biết thành lập ba công ty với chức năng, ngành nghề đăng ký kinh doanh không liên quan đến đầu tư tài chính nhưng ông Nguyễn Đức Kiên đã sử dụng pháp nhân của các công ty này tham gia phát hành trái phiếu, đầu tư tài chính (trong đó có mua cổ phiếu ngân hàng) sai quy định.

Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, trong số ba công ty liên quan đến sai phạm của ông Kiên gồm Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu và Công ty CP đầu tư thương mại B&B, hiện có hai công ty tham gia nắm giữ cổ phần tại Eximbank. Cụ thể, đến ngày 13-8, Công ty CP đầu tư thương mại B&B nắm giữ gần 1,99% và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu nắm giữ khoảng 2,01% vốn cổ phần Eximbank. Như vậy, cùng với 0,21% vốn cổ phần Eximbank dưới tên mình, ông Nguyễn Đức Kiên vẫn chưa phải là cổ đông lớn của Eximbank như ông này từng tuyên bố.

Tuy nhiên, ông Lê Hùng Dũng – chủ tịch Ngân hàng Eximbank – cho rằng ông Kiên chỉ “to mồm” chứ hoàn toàn không có ảnh hưởng gì tại Eximbank, chưa nói là ảnh hưởng lớn.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Hữu Phú – phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) – khẳng định ông Nguyễn Đức Kiên hoàn toàn không có mối quan hệ nào với ngân hàng này.

“Không có chuyện ông Kiên nằm trong nhóm cổ đông nắm giữ cổ phiếu Sacombank đã ủy quyền cho Eximbank tham gia giành quyền kiểm soát Sacombank như dư luận từng đồn đoán” – ông Phú khẳng định. Theo ông Phú, trong danh sách cổ đông của Sacombank chốt ngày 30-6-2012, không có tên ông Nguyễn Đức Kiên cũng như ba tổ chức mà ông Kiên là đại diện.

Ngày 22-8, trong văn bản trả lời Cục Cảnh sát kinh tế (C46), Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, ông Trầm Bê – phó chủ tịch HĐQT Sacombank – cho biết tính đến ngày 30-6, ông Nguyễn Đức Kiên không sở hữu cổ phần tại Sacombank.

Tuy nhiên, trong văn bản, ông Trầm Bê cũng cho biết không có đầy đủ thông tin về người thân của ông Kiên, đồng thời đề nghị cơ quan điều tra cho biết thêm về danh sách các người thân (cùng thông tin số CMND) để có điều kiện truy lục.

Trước đó, trong văn bản gửi Sacombank cùng ngày 22-8, C46 đã yêu cầu ngân hàng này cung cấp các tài liệu phản ánh các nội dung như: cổ phần của ông Nguyễn Đức Kiên và những người thân, người đứng tên hộ của ông Nguyễn Đức Kiên (bố, mẹ, vợ, anh, chị em…) tại Sacombank (hồ sơ mua bán cổ phần); tiền mua cổ phần từ tài khoản thuộc ngân hàng nào chuyển đến, thời gian (chứng từ); tình trạng cổ phần từ khi sở hữu đến nay; tổng số cổ phần mà ông Nguyễn Đức Kiên và người thân… sở hữu chiếm tỉ lệ bao nhiêu tại Sacombank.

Về diễn biến thị trường giá xăng dầu trong nước, theo Pháp Luật TP.HCM, dự kiến hôm nay (23-8), các DN đầu mối xăng dầu sẽ tính toán và có văn bản đề xuất lên Bộ Tài chính xin tăng giá với mức khoảng 1.000 đồng/lít xăng.

Còn theo Thanh Niên, tính từ đợt điều chỉnh ngày 13.8, giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng. Tính bình quân 30 ngày, từ 22.7 đến 20.8, giá xăng thành phẩm tại Singapore đã lên mức 120,38 USD/thùng (tăng 3,8%), diesel là 125,91 USD/thùng (tăng 2,69%).

Đại diện Petrolimex cho biết ngay tại thời điểm doanh nghiệp (DN) vừa tăng giá xăng dầu hôm 13.8, thì hôm sau đã tiếp tục lỗ thêm 500 đồng/lít, do DN gửi bản đăng ký ngày 10.8 nhưng số liệu chỉ tính toán đến ngày 8.8. Theo một số DN đầu mối, hiện tại xăng lỗ khoảng 1.000 đồng/lít, nhưng do được bù từ quỹ bình ổn 300 đồng/lít, nên đang lỗ khoảng 700 đồng.

NDHMoney cho biết trên thế giới, dầu thô lên ngưỡng cao nhất trong 3 tháng qua sau khi lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm trong khi nhiều quan chức của nước này lên tiếng ủng hộ việc tung ra các gói nới lỏng mới.

Theo đó, hợp đồng dầu thô giao tháng 10 tăng 42 cents lên ngưỡng 97,26 USD/thùng trên sàn New York Mercantile Exchange, đây là ngưỡng cao nhất kể từ hôm 7/5. Tính từ hôm 28/6, vàng đen đã tăng tới 25% giá. Hợp đồng dầu brent giao cùng thời điểm cũng tăng 27 cent, chốt phiên ở ngưỡng 114,91 USD/thùng trên bảng điện tử sàn ICE Futures Europe exchange tại London.
Nguyên Hưng – NDHMoney

Comments are closed.