Quỹ đầu tư hồi hộp trước giờ G

08/10/2012 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Ngoài câu chuyện đi hay ở, thì việc hoạt động ra sao trong thời gian tới cũng là điều khiến các công ty quản lý quỹ phải băn khoăn.

Giờ G đã điểm

Cuối tuần qua (ngày 5/10), hai quỹ đầu tư cổ phiếu của Dragon Capital là Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) và Vietnam Growth Fund Limited (VGF) đã tiến hành họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2012. Các cổ đông đã đồng ý với đề xuất trước đó từ phía Dragon Capital là tiếp tục gia hạn thời gian hoạt động cho quỹ đến hết ngày 31/12/2014.

Như vậy, Dragon Capital đã thành công trong việc thuyết phục cổ đông đồng ý duy trì hoạt động cho các quỹ. Còn nhớ, năm 2010, hai quỹ trên từng đứng trước áp lực giải thể từ nhóm cổ đông mới là VR Capital. Tuy nhiên, cuối cùng, chỉ 11% cổ đông của VGF và 17% cổ đông của VEIL đồng ý giải thể vào cuối năm 2012.

Trước đó, ngày 3/10, cổ đông của Quỹ Vietnam Equity Holding (VEH) và Vietnam Property Holding (VPH) do Công ty Quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM) quản lý cũng nhất trí cho VEH và VPH ở lại. Sự chấp thuận này có động lực từ việc SAM cam kết tiếp tục chương trình mua lại chứng chỉ quỹ và sẽ chuyển đổi hai quỹ thành quỹ mở trong năm 2014, nhằm tạo sự linh động cho nhà đầu tư.

Như vậy, số phận của các quỹ thuộc SAM, Dragon Capital đã được định đoạt. Trong khi đó, nhiều quỹ thuộc VinaCapital, Prudential, SSIAM… đang hồi hộp trước thời hạn đóng quỹ (cuối 2012 – 2013) sắp đến.

Các công ty quản lý quỹ có lý do để tính đến kịch bản phải giải thể quỹ, bởi giá trị tài sản ròng của nhiều quỹ đã sụt giảm mạnh. Ngoài ra, mức chiết khấu giữa giá trị tài sản ròng và giá chứng chỉ quỹ của các quỹ đang ngày càng lớn.

Tại thời điểm cuối tháng 8/2012, có tới 2/3 quỹ đầu tư do VinaCapital quản lý có tỷ lệ chiết khấu lên đến hơn 50%. Trong đó, VinaLand Ltd (VNL) có tỷ lệ chiết khấu tới 60,3%, tỷ lệ chiết khấu của Vietnam Infrastructure Ltd (VNI) là 51,8%, Vietnam Opportunity Fund (VOF) là 31,5%.

Chuyển hướng sản phẩm

Thực trạng giá trị tài sản ròng giảm, chiết khấu giữa giá trị tài sản ròng và giá chứng chỉ quỹ cao cho thấy, các quỹ đang kém hiệu quả trong hoạt động đầu tư. Nhưng ngay cả khi các công ty quản lý quỹ nỗ lực hết mức, thì rủi ro thị trường vẫn có thể đưa đến những kết quả không mong đợi.

Đó là lý do mà ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, kiêm Trưởng bộ phận đầu tư của VinaCapital không thể đoán được khả năng đi/ở của các quỹ thuộc VinaCapital. Nhưng dù ở vào tình huống xấu, ông không bi quan, vì theo ông, sản phẩm tài chính cho nhà đầu tư đủ để các công ty quản lý quỹ có đất dựng võ.

Ông Andy Ho nêu ví dụ, nếu đứng riêng, nhà đầu tư cá nhân sẽ không thể tham gia những đợt phát hành riêng lẻ của Masan hay Halico…, vì đối tượng các doanh nghiệp nhắm đến là tổ chức. Nhưng thông qua một quỹ nào đó, việc tham gia sẽ rất dễ dàng.

Về phần mình, ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc của SAM cho biết, do SAM là quỹ đầu tư nước ngoài, nên giải pháp gì cũng phải dựa trên vốn quốc tế. Hiện tại, SAM đang gọi vốn cho hai quỹ đầu tư về năng lượng và nông nghiệp. Đây là hai lĩnh vực hấp dẫn nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông Louis Nguyễn cũng thừa nhận, việc gọi vốn lúc này rất khó.

Lập ra những quỹ có khả năng thu hút nhà đầu tư là điều Công ty cổ phần Quỹ đầu tư Việt Nam (Vinafund – VMF) đã dự liệu. Nhưng do một số bất lợi từ thị trường, kế hoạch chào bán của Quỹ đầu tư Chỉ số VN30 (VFMI30) – một hình thức quỹ mở, đầu tư thụ động vào các cổ phiếu trong rổ VN30, đã tạm gác lại.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư MB (MB Capital) mới đây đã nộp hồ sơ xin phép lập quỹ mở chuyên đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh, tiền gởi có kỳ hạn… Nếu được chấp thuận, MB Capital sẽ là đơn vị tiên phong trong việc lập quỹ mở về trái phiếu.

Theo Ngọc Thủy
Báo đầu tư

 

Comments are closed.