‘Quý I/2013 là thời điểm tốt để giải ngân’

25/12/2012 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Đây là nhận định của ông Tống Minh Tuấn, Trưởng bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) khi nói về cơ hội trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2013.

Lãi suất ngân hàng giảm sẽ tác động tích cực đến TTCK Việt Nam trong năm 2013. Vậy khi nào là thời điểm giải ngân tốt nhất và những ngành nào sẽ xuất hiện cơ hội đầu tư?

NDHMoney đã có cuộc trao đổi với ông Tống Minh Tuấn, Trưởng bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) để giúp nhà đầu tư tìm câu trả lời.

Theo ông, kịch bản kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2013 sẽ diễn ra như thế nào?

Bức tranh vĩ mô năm 2012 được xem là một năm nhiều rủi ro và nhiều bất ổn, đặc biệt đối với hệ thống ngân hàng. Mặc dù mục tiêu ổn định được Chính phủ tăng cường thực hiện từ đầu năm, song hiệu quả đầu tư thấp khiến mục tiêu ổn định đạt được có phần hạn chế trong khi phải hi sinh quá nhiều với tăng trưởng thấp và một sức cầu suy yếu. Các vấn đề như nợ xấu, hàng tồn kho cao, bất động sản tê liệt v.v… đã tạo ra những rủi ro lớn trong hệ thống khiến cho lãi suất chưa thể hạ nhanh như dự kiến. Tuy nhiên các yếu tố ổn định vẫn tiếp tục dần cải thiện đã tạo ra môi trường vĩ mô năm 2013 với những tín hiệu có phần sáng sủa hơn về môi trường vĩ mô.

Nhìn chung, năm 2013 được dự báo là một năm tương đối tích cực hơn so với năm 2012 trên khía cạnh ổn định vĩ mô. Một năm được xem là ít “bấp bênh” hơn trên nhiều mặt mặc dù tăng trưởng GDP hồi phục chậm.

Sau giai đoạn dài tăng trưởng cao nhờ đầu tư và tăng cung tiền, năm 2013 có thể nói là năm bản lề của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế sau giai đoạn dài bất ổn. Do vậy các yếu tố ổn định tiếp tục được đề cao là dễ hiểu khi dư địa chính sách của Chính phủ Việt nam không còn nhiều. Lạm phát sẽ không còn là nỗi quan ngại quá lớn, trong khi nợ xấu sẽ cần thời gian dài để xử lý do vậy 2013 sẽ là một năm nhiều việc với vấn đề này. Quan trọng hơn, Chính phủ Việt Nam phải giữ được niềm tin chính sách đối với dân chúng sau khi sự kì vọng đã bị sứt mẻ khá nhiều trong năm 2012. Sẽ là rất nguy hiểm nếu như niềm tin này bị tổn hại một lần nữa.

BSC dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 ở mức 5,5%, lạm phát ở mức khá thấp 6-7%. Thị trường ngoại hối được giữ ổn định trong cả năm về cơ bản, tuy nhiên nếu có biến động về tỷ giá, nhiều khả năng sẽ rơi vào giai đoạn 6 tháng cuối năm với kịch bản Chính phủ có thể thông qua một gói kích thích kinh tế hỗ trợ tăng trưởng. Lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm dần theo kỳ vọng lạm phát, tuy nhiên tốc độ giảm chậm. Chính sách tiền tệ điều hành theo hướng nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng một cách thận trọng. Quan trọng hơn, tính linh hoạt trong chính sách được cải thiện. Hệ thống ngân hàng tiếp tục được tái cấu trúc với dự đoán NHNN sẽ tăng tốc tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém. Nợ xấu từng bước được giải quyết song với tốc độ chậm.

Năm 2013, Việt Nam sẽ cải thiện dần trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài, dự đoán có khả năng tăng hạng trong các xếp hạng về tín nhiệm và cạnh tranh vào cuối năm. Song nguồn vốn đầu tư vẫn có thể dè dặt và chưa chảy vào Việt Nam mạnh mẽ. Theo kinh nghiệm cần thời gian tối thiểu là 3 năm ổn định sau cải cách mới có hi vọng vào dòng vốn ngoại

Ông đánh giá thế nào về những yếu tố tác động thị trường chứng khoán năm tới?

Tôi cho rằng dự báo chính xác về diễn biến của TTCK là một việc vô cùng khó khăn khi bản chất TTCK là thực thể luôn biến động và rất nhạy với thông tin theo những diễn biến thường nhật và lòng tin của nhà đầu tư vào những động thái chính sách của Chính phủ. Mặc dù vậy, với dự báo về một khung kịch bản vĩ mô như trên, chúng ta sẽ có thể dự báo được một vài kịch bản có thể xảy ra của TTCK năm 2013.

Từ đầu năm 2013, TTCK sẽ bước vào thời kỳ hồi phục khi vĩ mô có những biến chuyển tích cực hơn về cơ bản. Trong quá trình hồi phục này, việc lựa chọn các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng thay vì an toàn là lựa chọn tốt trong thời điểm này.

Yếu tố tích cực chủ đạo nhất từ kinh tế vĩ mô 2013 đối với TTCK chính là sự ổn định. Mặc dù tăng trưởng không cao, song yếu tố ổn định từ vĩ mô và quan trọng hơn được tích lũy trong thời gian đủ dài sẽ là sự hỗ trợ tích cực lên TTCK. Tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại sẽ kéo mức chấp nhận PE của thị trường lên cao hơn. Hiện nay mức PE của Việt Nam khoảng 9-10, thuộc hàng thấp nhất trong khu vực. Mặc dù PE Việt Nam có tăng trong thời gian gần đây, song đáng buồn là nguyên nhân tăng lại là do lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm chứ không phải do mức tăng Index

Lãi suất giảm dần (mặc dù tốc độ chậm), cùng với lạm phát giảm sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường tăng trưởng.

Rủi ro thị trường nhìn chung đến từ rủi ro môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với hệ thống ngân hàng trong năm 2012. Ngân hàng nhà nước và Chính phủ sẽ dẹp bỏ dần tình trạng sở hữu chồng chéo, tăng vốn ảo quá nhanh của ngành ngân hàng. Điều này sẽ giảm những hệ lụy với bất ổn ngành ngân hàng, và xa hơn là bất ổn vĩ mô

Yếu tố ngoại với dòng vốn FII sẽ khó có đột biến. Yếu tố ngoại cần một khoảng thời gian dài hơn từ ổn định của Việt Nam để có thể có những chuyển biến về quyết định đầu tư.

Ông có thể dự báo cụ thể hơn về các kịch bản có thể diễn ra?

Với bối cảnh vĩ mô như trên, dự báo TTCK sẽ bắt đầu tăng trưởng tốt trở lại trong quãng thời gian giữa năm 2013 (đầu quý III) khi niềm tin nhà đầu tư được củng cố. Thanh khoản thị trường tăng trong bối cảnh lãi suất giảm và lạm phát vẫn được kiềm chế.

Mức tăng điểm của VN-Index có thể tăng lên mức 450 – 500 điểm so với mức 390 – 400 điểm hiện nay. Khả năng thị trường có mức tăng đáng kể sẽ diễn ra trong khoảng thời điểm giữa năm 2013. PE của thị trường có thể tăng lên mức 10 – 12 với triển vọng hồi phục của kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Quãng thời gian quý I/2013 được xem là thời điểm tốt để giải ngân đối với TTCK theo đúng tính chất giai đoạn đầu của chu kỳ hồi phục.

Tuy nhiên, mức tăng điểm của TTCK có được duy trì bền vững hay không, phụ thuôc rất nhiều vào những cam kết duy trì thực hiện chính sách ổn định của Chính phủ. Nếu nhà đầu tư mất niềm tin một lần nữa, sẽ khó có thể có được một viễn cảnh tích cực.

Theo ông, những cơ hội đầu tư nào sẽ xuất hiện trong năm 2013?

Năm 2013 được dự báo là năm sẽ có nhiều biến động, đặc biệt là việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Về mặt ngắn hạn, cổ phiếu ngành ngân hàng hiện đang mất đi sức hấp dẫn do biến động trong nội bộ một số ngân hàng lớn; kết quả kinh doanh giảm sút; không còn đảm bảo tỷ lệ trả cổ tức cao và ổn định như những năm trước đây; thanh khoản cổ phiếu ngân hàng sụt giảm. Tuy nhiên, về mặt dài hạn, với những tác động của chính sách vĩ mô năm 2013, cổ phiếu ngân hàng sẽ có thể là một kênh đầu tư dài hạn hiệu quả. Trong bối cảnh này, chúng tôi đánh giá cao những ngân hàng có cơ cấu tài sản – nguồn vốn khỏe mạnh và chất lượng quản lý rủi ro tốt như VCB và MBB.

Ngành điện là một trong những ngành có tính chất phòng thủ khá tốt trong suy thoái, với tỷ suất lợi nhuân khá cao so với các ngành khác. Tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn GDP, ngành khá hấp dẫn vê dài hạn cho mục tiêu ổn định và đa dạng hóa danh mục đầu tư. Năm 2013, dự kiến vẫn là một năm khó khăn nói chung của nền kinh tế vì vậy, đầu tư vào các ngành có tính ổn định và phòng thủ cao như ngành điện là một trong những lựa chọn hợp lý. Xét về qui mô tài sản, hai công ty đầu ngành về nhiệt điện và thủy điện là PPC và VSH. Trong năm 2012, ngành đang có diễn biến giá cổ phiếu rất tốt so với mặt bằng chung của chỉ số. Dự kiến xu hướng này còn tiếp tục trong năm 2013.

Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Sơn

NDHMoney

 

Comments are closed.