Phát hành dưới mệnh giá không đơn giản

18/01/2013 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Nếu DN phát hành cổ phiếu với giá cao hơn mệnh giá thì sẽ ghi thặng dư vốn dương; còn nếu phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá thì sẽ ghi âm trong phần thặng dư vốn.

Đối với DN thặng dư vốn dương thì còn có thể lấy phần dương bù vào phần âm, nhưng đâu phải DN nào cũng có thặng dư vốn dương đủ để bù đắp cho khoản thiếu hụt từ việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá.

Năm 2012 tiếp tục là thời gian “bĩ cực” với TTCK. Bởi vậy cũng là dễ hiểu khi lượng vốn huy động qua TTCK sụt giảm mạnh. Nếu như huy động vốn qua phát hành cổ phiếu tăng mạnh đạt hơn 49.643 tỷ đồng trong năm 2010 thì trong năm 2012 đã sụt giảm mạnh, chỉ còn 10.796 tỷ đồng trong năm 2012.

Điều này có thể nhìn từ triển vọng kém tích cực và kết quả kinh doanh xấu đi của đa số các DN. Đầu tư vào chứng khoán trở nên kém hiệu quả, kém hấp dẫn với các NĐT khi có tới 425 cổ phiếu tại hai sàn đang giao dịch dưới mức mệnh giá trong tổng số 710 cổ phiếu đang niêm yết tính đến cuối năm 2012.

Trong đó, số cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá tại HNX là 278/397 mã và tại HSX là 147/313 mã. Cổ phiếu có thị giá thấp nhất tại HSX là DDM với 800 đồng/CP. Cổ phiếu thấp nhất tại HNX là THV với 900 đồng/CP.

“Đi tìm cửa sinh”, các DN đã nghĩ ra chiêu trái luật là phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá. Bởi theo Luật DN: “Giá chào bán cổ phần không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán hoặc giá trị được ghi trong sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất”.

Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết, UBCKNN ủng hộ phương án phát hành này của DN. Trong tình hình khó khăn như hiện nay, khi giá cổ phiếu giảm xuống dưới mệnh giá, nhưng DN có nhu cầu huy động vốn để phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh là quyền của DN. DN có quyền huy động vốn nếu như Đại Hội đồng cổ đông thông qua như luật định, vì thế cơ quan quản lý không thể cản trở họ.

Theo ông Vũ Bằng, để DN được phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá thì cơ quan quản lý đã có cách giải quyết. Đó là, nếu DN phát hành cổ phiếu với giá cao hơn mệnh giá thì sẽ ghi thặng dư vốn dương; còn nếu phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá thì sẽ ghi âm trong phần thặng dư vốn. Đây là “thủ thuật” kế toán và UBCKNN đã tổ chức lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận của các Vụ chức năng của Bộ Tài chính về vấn đề này.

Minh chứng cho quan điểm này là sự chấp thuận cho CTCP Tập đoàn Gỗ Trường Thành (TTF) chào bán hơn 19,6 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu tại thời điểm chốt danh sách, với giá 5.000 đồng/CP. Dự kiến, Công ty sẽ thu về hơn 98 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động. Thời gian đăng ký mua của cổ đông là từ 21/1 – 22/2/2013. Chủ tịch HĐQT của TTF cho biết, về mặt hình thức kế toán, TTF phát hành dưới mệnh giá, nên sẽ thực hiện bút toán âm vốn chủ sở hữu tương đương 98 tỷ đồng.

Tuy nhiên, câu chuyện chưa phải đã kết thúc, bởi CTCP Trường Thành cũng như nhiều DN phát hành dưới mệnh giá khác sẽ phải đối mặt với việc hạch toán khoản thặng dư vốn âm này vào đâu. Đối với DN thặng dư vốn dương thì còn có thể lấy phần dương bù vào phần âm, nhưng đâu phải DN nào cũng có thặng dư vốn dương đủ để bù đắp cho khoản thiếu hụt từ việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá.

Trong khi đó, nguyên tắc kế toán cũng không cho phép lấy lợi nhuận bù vào phần âm vốn chủ sở hữu mà chỉ lấy lợi nhuận bù vào tăng vốn, mà tăng vốn là phát hành thêm cổ phiếu chứ không phải bù vào thặng dư âm. Hơn thế, việc dùng từ thặng dư âm cũng không đúng về ngữ nghĩa vì thặng dư đã là dương rồi. “Có thể gọi là phần thiếu hụt vốn cổ phần”, một chuyên gia đề nghị.

Một số CTCK có chức năng tư vấn cho biết, họ đã chuyển câu hỏi này tới UBCKNN nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời

Một số ý kiến nêu ra giải pháp là phải chấp nhận ghi nhận bằng vốn thực tế, phần còn lại coi như cổ đông nợ. Nhưng điều này gặp phải phản ứng của các cổ đông. Ví dụ, DN phát hành 6 nghìn mà người mua đã nộp đủ 6 nghìn thì được mệnh giá 10 nghìn, nhưng 4 nghìn còn lại là ghi nợ. Về mặt kế toán không vấn đề gì, chỉ cần hạch toán là phải thu của cổ đông. Nhưng vấn đề đáng nói là khi người mua chuyển nhượng cho người khác giá 7 nghìn, làm sao họ có thể chấp nhận nộp thêm 3 nghìn, khi đã bán.

Bây giờ chỉ có ghi nhận giá trị DN, còn giải pháp các công ty thực sự đang bí vì không biết xin phép cơ quan nào giải quyết tình hình này, một lãnh đạo DN than thở. UBCKNN cũng biết tình hình này, nhưng chỉ có thẩm quyền hướng dẫn các đơn vị tư vấn, còn vẫn phải xin phép cơ quan liên bộ là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đấy là sự phức tạp.

Theo Dương Công Chiến
Thời báo ngân hàng

 

Comments are closed.