CTCK nghỉ chơi không dễ

20/02/2013 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

CTCK muốn “nghỉ chơi” cũng không thể nghỉ ngay vì phải giải quyết những ràng buộc đối với tài khoản của nhà đầu tư mở tại đây.

Năm qua, đã có công ty chứng khoán (CTCK) đầu tiên công bố ý định giải thể và được kỳ vọng sẽ là phát pháo báo hiệu cho một xu hướng tất yếu của các CTCK yếu kém. Nhưng, vẫn còn đó những thách thức tưởng như đơn giản, nhưng lại không dễ vượt qua dành cho các CTCK muốn rời khỏi thị trường.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới CTCK MHBs, phân tích: CTCK muốn “nghỉ chơi” cũng không thể nghỉ ngay vì phải giải quyết những ràng buộc đối với tài khoản của nhà đầu tư (NĐT) mở tại đây. Số tài khoản này nếu không được tất toán (hủy bỏ) thì cũng phải chuyển sang CTCK khác quản lý.

Qua sông lụy đò

Theo nguồn tin của Thời báo Kinh Doanh, kể từ cuối năm 2012 đến nay, khách hàng của một CTCK bỗng nhiên được săn đón, mời mọc rất đặc biệt, cho dù những người này hoặc không còn giao dịch tại CTCK này hoặc cũng có thể là không còn đầu tư chứng khoán nữa.

Lý do khá đơn giản là vì CTCK này muốn sớm giải quyết trách nhiệm với tài khoản của khách hàng nên mới phải năn nỉ từng khách hàng đến CTCK của mình làm việc.

Có khi nhân viên của CTCK phải tìm đến tận nhà để “vời” khách hàng, nhưng có khi địa chỉ thì đúng, nhưng người thì không biết đi đâu vì chuyển chỗ ở. Còn có những trường hợp bạn bè mượn chứng minh nhân dân của nhau để mở tài khoản, nên nhiều khi “chính chủ” không rành về chứng khoán, “ngọt nhạt” để họ chịu đến công ty cũng vô cùng mệt mỏi.

Như vậy, CTCK nào càng nhiều tài khoản “rác”, tài khoản “chết” thì càng phải vất vả trong việc giải quyết các vấn đề này. Khối lượng công việc lớn, trong khi những CTCK tiến đến giải thể, phá sản thì nguồn lực cũng chẳng lấy gì làm dồi dào, nên mọi chuyện có thể diễn ra một cách ì ạch.

Thử hỏi, CTCK có muốn bỏ một số tiền lớn, thuê nhiều nhân viên để giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến tài khoản hay không? Có lẽ là không, hoặc vì không đủ tiền, hoặc không muốn mất tiền thêm.

Trong khi những nhân viên của CTCK đi làm công việc này cũng chẳng lấy làm vui vẻ gì. Thậm chí, nhiều người còn đùa vui rằng: Nếu nhân viên có làm cũng chỉ làm từ từ, chứ làm nhanh quá, công ty giải thể thì nhân viên cũng hết nhận lương?!

Lên bờ… mò mẫm

Có vô số tình huống để tạo ra các tài khoản “rác” mà NĐT lại không mấy chú tâm. Chẳng hạn, NĐT khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu (CP), sẽ có những cổ phiếu lẻ, không thể bán ra, nhưng vì giá trị không lớn, nên họ cũng không mấy quan tâm đến việc giải quyết.

Rồi số CP này có thể lại nhận cổ tức bằng tiền mặt, rốt cuộc một tài khoản không có giao dịch, và giá trị cũng không bao nhiêu nhưng lại có đủ cả tiền và CP. Từ đó, khách hàng thấy “không đáng” nên cũng chẳng buồn đến CTCK giải quyết.

Một điều chắc chắn là CTCK sẽ không thể gặp và yêu cầu tất cả các khách hàng giải quyết tài khoản vì nhiều lý do liên quan đến tính chính xác của thông tin, khoảng cách địa lý… Vậy đâu sẽ là giải pháp gỡ khó cho CTCK?

Ts. Nguyễn Anh Tuấn, một người đã có nhiều năm làm việc trong ngành chứng khoán, đề xuất giải pháp: Có thể CTCK sẽ “trả” tài khoản bao gồm tiền và cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, quyền mua… của NĐT về cho Trung tâm lưu ký. Đến khi NĐT muốn nhận trở lại thì sẽ đến CTCK khác mở tài khoản để nhận lại. Nhưng việc này là chưa từng có tiền lệ hay có một hướng dẫn cụ thể nào.

Trong xu hướng “dọn dẹp” các CTCK hoạt động kém hiệu quả, nếu để xảy ra trường hợp CTCK chỉ còn “lấn cấn” vài vấn đề không đáng có với một số tài khoản “chết” mà không thể giải thể, thì điều này sẽ không hợp lý chút nào.

Giải pháp mà Ts. Nguyễn Anh Tuấn nêu ra cũng được một số những người có thâm niên trong ngành chứng khoán đồng tình nhưng tất cả đều chỉ ra một rủi ro đó là: Nếu làm như vậy, có khả năng CTCK sẽ không nỗ lực giải quyết tất cả tài khoản, chỉ ngồi thụ động và chờ cơ quan quản lý ra tay hỗ trợ và đây là điều không thể.

Đã có “sức chơi” thì phải có “sức chịu”, đã mở tài khoản tràn lan cho NĐT, thì nay cũng phải có trách nhiệm dọn dẹp.

Theo Khiêm An
Thời báo ngân hàng

 

Comments are closed.