CTCK không được nhận ủy quyền chuyển tiền nội bộ cho khách hàng

06/03/2013 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Ông Phạm Hồng Sơn – Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán cho biết, cấm CTCK nhận ủy quyền là để tránh việc lạm dụng tài khoản của khách hàng.

Theo Thông tư 210 của Bộ Tài chính hướng dẫn về các hoạt động của công ty chứng khoán (CTCK), có hiệu lực từ 15/1/2013, các CTCK không được nhận ủy quyền để thực hiện chuyển tiền nội bộ giữa các tài khoản của khách hàng.

Trong trường hợp các chủ tài khoản chủ động ủy quyền và ký giấy ủy quyền thì CTCK cũng không được thực hiện nghiệp vụ này.

Ông Phạm Hồng Sơn – Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán (UBCKNN) giải thích, việc cấm CTCK nhận ủy quyền là để tránh tình trạng lạm dụng tài khoản của khách hàng. Do vậy, trong trường hợp khách hàng muốn chuyển tiền nội bộ thì phải rút tiền ra và thực hiện chuyển tiền ở ngoài, không liên quan đến tài khoản của CTCK, ông Sơn cho biết.

Nguyên nhân phải đặt ra yêu cầu này, theo ông là bởi thời gian qua xảy ra nhiều tranh chấp khi CTCK sử dụng tài khoản của khách hàng, UBCK không thể quản lý được.

Bên cạnh đó, UBCK cũng yêu cầu đến 15/1/2014, các CTCK phải thực hiện tách bạch tài khoản tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của CTCK. Tất cả việc nhận phải chi trả tiền mặt để giao dịch chứng khoán, CTCK không được trực tiếp thực hiện mà phải thông qua ngân hàng thương mại.

Trước vấn đề này, ông Sơn nhận định, thời gian vừa qua có một số trường hợp CTCK xâm phạm tài sản của khách hàng, làm xấu đi hình ảnh của các CTCK. Do vậy, ông yêu cầu thời gian tới các công ty phải coi trọng tài sản của khách hàng, đặt yếu tố quản trị rủi ro và đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu.

Nếu CTCK nào không thực hiện tách bạch tài khoản của khách hàng đúng theo quy định, UBCK sẽ xem xét rút nghiệp vụ môi giới của CTCK đó.

Liên quan đến việc ứng trước tiền bán, ông Sơn cũng cho hay, quan điểm của UBCK là cấm các CTCK thực hiện nghiệp vụ này nhằm đảm bảo cho các công ty tránh được rủi ro, khi mà mặt bằng chất lượng của các CTCK khác nhau.

Ứng trước tiền bán rất rủi ro, bởi khi CTCK đã ứng trước tiền cho bên bán, mà bên khách hàng mua không có tiền, người ta hủy lệnh đi thì tất cả những tiền bán đã mất đi, CTCK phải chịu, ông Sơn nói.

Theo lãnh đạo của UBCK, nếu CTCK nào vi phạm cho phép ứng trước tiền cho bên bán thì chắc chắn sẽ bị xử phạt. Bởi theo quy định, khi giao dịch thì các bên phải đảm bảo có 100% tiền và chứng khoán.

Theo Gafin

Comments are closed.