Công ty chứng khoán đoạn tuyệt với tự doanh ?

06/03/2013 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Trong một phát biểu gần đây, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán (CTCK) VN Direct Nguyễn Hoàng Giang cho biết sẽ chỉ dành 50 tỷ đổ lại cho hoạt động tự doanh. Bên cạnh đó là thống kê về việc bộ phận tự doanh của các CTCK đã bán ròng 5 tháng liên tiếp kể từ tháng 10/2012.

Tự doanh đã từng là mỏ vàng của các CTCK giờ đây trở thành một hố sâu sẵn sàng chôn vùi CTCK không biết lượng sức mình. Dường như đây là thời điểm không thể thích hợp hơn để các CTCK đoạn tuyệt với hoạt động này.

Thua trí, yếu lực?

Nếu xếp CTCK vào nhóm nhà đầu tư tổ chức, kiểu như các quỹ đầu tư, e rằng có sự khập khiễng. Bởi lẽ, chỉ có số rất ít các công ty có thể cạnh tranh với các quỹ về mặt tiền bạc. Còn lại, nguồn tiền tự doanh của CTCK cùng lắm chỉ bằng… vài đội lái. Nhưng CTCK cũng có nhiều lợi thế hơn nhà đầu tư cá nhân, vả lại đây là một tổ chức nên cũng không thể xếp vào nhóm cá nhân.

Dường như trong hoạt động đầu tư của nhiều CTCK, có sự “lai” giữa quỹ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân, chẳng hạn: CTCK có thể mua vào hàng chục, hàng trăm tỷ đồng (giống quỹ) nhưng cũng có thể lướt sóng, liên quan đến bơm đẩy cổ phiếu (giống một số đội lái).

Nhưng cũng chính sự “ương dở” này cũng làm hại các CTCK vì không dễ gì xác định hướng đi chuẩn xác khi gặp khó khăn. Nhà đầu tư nếu thấy thị trường xuống, có thể nhanh chóng rút tiền về, quỹ đầu tư thì trường vốn, có thể đợi về đáy, mua trở lại… CTCK vốn không nhiều quá, cũng không ít quá, nên làm gì cũng sợ rủi ro.

Từ trước đến nay, nếu nói về tự doanh một cách bài bản, có danh mục, chiến lược đầu tư rõ ràng chỉ có SSI nổi trội. Trong khi đó, cách đầu tư theo kiểu mua “hàng nóng”, “hàng đầu cơ”, “đẩy giá, xả hàng” giờ không còn đất để dụng võ nữa. Ngay chính các CTCK trong 3 năm gần nhất, mỗi năm thua lỗ, dù không quá nhiều, nhưng mỗi năm bị bào mòn một chút giờ vốn cũng bị “cụt”. Thiếu vốn, lại thiếu đi sự bài bản, thì coi như đã thua trướckhi “lâm trận”.

Bán ra, cứu mình?

Trong vòng 5 tháng, tự doanh của các CTCK đã bán ròng giá trị gần 1.200 tỷ đồng, tính trung bình thì mỗi tháng bán ròng 240 tỷ đồng và mỗi ngày bán 12 tỷ đồng. Nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là thời gian qua, thị trường cũng đã có những đợt tăng mạnh nhưng dường như các CTCK vẫn quyết tâm bán. Nó khác hẳn với những đợt trước, mỗi khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, các CTCK lại tìm kiếm cơ hội từ tự doanh, nhưng hầu hết đều lỗ khá nặng. Có hai giả thiết đặt ra ở đây:

Thứ nhất, CTCK cắt giảm tự doanh, cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm rủi ro về mặt tài sản của mình. Từ đó, có thể cải thiện chỉ tiêu an toàn tài chính, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý. Thứ hai, những đợt sóng mạnh của thị trường ngày một khan hiếm hơn nên khi có cơ hội, các CTCK phải nhanh chóng “xả hàng” tránh việc phải ôm những cổ phiếu không có thanh khoản.

Những cổ phiếu tự doanh mà các CTCK bị mắc kẹt từ nhiều năm trước khả năng cũng sẽ được đem bán cho bằng hết. Bản thân nguồn lực của các CTCK ngày một cạn kiệt. Lúc trước còn rủng rỉnh tiền bạc, danh mục có bị lỗ đôi chút cũng không lo. Nhưng giờ đây, những gì bán được sẽ được ưu tiên để thu hồi vốn về cho CTCK. Cũng phải nói thêm là đã từng có những nghi vấn về việc CTCK sử dụng tài khoản tự doanh của mình để cho khách hàng “mượn” bán khống. Vì vậy, nếu giờ đây tài khoản tự doanh “sạch” thì rủi ro này cũng giảm thiểu.

Trên hết, động thái bán ra tự doanh của các CTCK là một sự đoạn tuyệt với quá khứ phát triển theo kiểu bạo phát. Lãnh đạo một CTCK chia sẻ, hiện nay, công ty của ông đã không còn bộ phận đầu tư, cũng đồng nghĩa với việc CTCK này chẳng còn mặn mà gì với tự doanh.

Có lẽ, nếu các CTCK nhận ra được vấn đề sớm hơn khoảng 2 năm thì những “thảm kịch” như thua lỗ nặng, mất thanh khoản, sẽ không xảy ra. Đây là một kết thúc buồn và không đáng có.
Theo Khiêm An – Thời báo kinh doanh

Comments are closed.