Chứng khoán sẽ nhiều đợt sóng lớn

08/03/2013 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Ngày 7/3/2013, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Chứng khoán FLC (FLCS) tổ chức hội thảo mang tên: “Chia sẻ cơ hội đầu tư trong thời kỳ khủng hoảng”.

Hội thảo có sự tham gia của TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, TS. Trần Du Lịch – Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, cùng Ban lãnh đạo Tập đoàn FLC (FLC Group).Hội thảo FLC Group tài trợ.

Do FLC Group tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trong thời kỳ khủng hoảng với sự giải thể của hàng trăm doanh nghiệp, sự phá sản của nhiều ông chủ lớn và thị trường chứng khoán liên tiếp trải qua hàng loạt biến động lớn, hội thảo “Chia sẻ cơ hội đầu tư trong khủng hoảng” đã góp phần đưa lại cho các nhà đầu tư, nhà quản lý cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về viễn cảnh thị trường trong thời gian tới.

Trong họa, có phúc

“Năm 2013, nền kinh tế Việt Nam đan xen thách thức và cơ hội, cả vĩ mô và vi mô. Các khó khăn như sức mua giảm, hàng tồn kho, nợ xấu tăng, lãi suất cao, doanh nghiệp thiếu vốn… sẽ được cải thiện so với năm 2012. Đây cũng sẽ là năm thị trường trở nên lành mạnh hơn, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nắm bắt để tái cơ cấu và phát triển bền vững”, TS. Trần Du Lịch chia sẻ tại hội thảo.

Cụ thể, theo ông, 2013 sẽ là năm hồi phục của nền kinh tế Việt Nam, nếu các biện pháp đề ra trong hai nghị quyết 01 và 02 của Chính phủđược thực hiện nhất quán, đồng bộ và hiệu quả. Đồng thời, thị trường sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh và phân chia lại thị phần, tạo cơ hội tăng đầu tư với chi phí rẻ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, với lạm phát kỳ vọng 6 – 7% và tỉ giá VND/USD ổn định, các doanh nghiệp sẽ có điều kiện quan trọng xây dựng các kế hoạch, hoàn thành mục tiêu trung và dài hạn. Thị trường lao động 2013 tuy sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu nghiệt ngã, nhưng lại tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

“Thị trường sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh; thị phần sẽ được phân chia lại. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp có điều kiện mở rộng thị phần, tăng đầu tư với chi phí rẻ. Kinh nghiệm cho thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, sau cái hoạ đều có cái phúc cho những người biết nắm được thời cơ. Ngay cả thị trường bất động sản, trong bối cảnh ảm đạm hiện nay cũng đang mở ra cái phúc như vậy; chứ không chỉ có hoạ”, TS. Trần Du Lịch nói.

Chứng khoán sẽ nhiều đợt sóng lớn

Đây là dự báo của ông Phạm Đức Thắng – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán FLC (FLCS) tại hội thảo.Cụ thể, ông Thắng nhìn nhận: từ nửa cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, thị trường chứng khoán đã diễn ra nhiều đợt sóng lớn. Nhiều nhà đầu tư nhanh nhạy đã nắm bắt được các cơ hội này để lướt sóng và thu được lợi nhuận. Với tình hình kinh tế hiện nay, 2013 sẽ là năm của những con sóng lớn trên thị trường chứng khoán.

“Về cơ bản, thị trường chứng khoán năm 2012 đã chạm đáy, nên trong dài hạn, xu hướng chung của chứng khoán sẽ là đi lên, cho dù, sự đi lên ấy mạnh hay yếu phụ thuộc vào những biến động vĩ mô. Cụ thể ở đây là hiệu quả hoạt động của công tyxử lý nợ xấu (VAMC) và ý chí của các cơ quan chức năng”, ông Thắng nói. “Chúng ta sẽ phải đón chờ xem cách thức VAMC xử lý đối với nợ xấu như thế nào, hiệu quả hay không hiệu quả, luồng tiền có đi được đến cái đích cần đến hay không, việc triển khai các hoạt động tái cấu trúc nền kinh tế quyết liệt đến đâu để đưa ra những nhận định cụ thểhơn”.

Giải thích cho niềm tin của mình, ông Thắng đánh giá, bản thân nền kinh tế hiện nay vẫn đang tái cấu trúc, những doanh nghiệp đang gặp khó khăn đã và đang bị đào thải, những doanh nghiệp đang trên đà phát triển vẫn đang tiếp tục được hưởng lợi. Tổng quan, nền kinh tế đang ấm dần lên với những tín hiệu khả quan.

Để thiết lập một mặt bằng giá hợp lý, về trung hạn, thời gian tới, giá cổ phiếu vẫn giảm, tạo nên quá trình tái tích lũy, thị trường chứng khoán vẫn có những đợt sóng lớn đón chờ các nhà đầu tư.

Ông Thắng cũng khẳng định, FLCS sẽ đảm bảo cung cấp các công cụ hữu hiệu cho các hoạt động giao dịch – bao gồm giao dịch trực tuyến, phần mềm quản lí tài sản, quản lí rủi ro; giúp các nhà đầu tư có thể dễ dàng đón sóng, đồng thời có những tư vấn hiệu quả, an toàn cho các nhà đầu tư khi sử dụng dịch vụ của FLCS.

Là một công ty chứng khoán được thành lập từ năm 2008 bởi các cổ đông chiến lược có tiềm lực tài chính mạnh, với số lượng dịch vụ chứng khoán đa dạng, FLCS còn được biết đến như là đơn vị đi tiên phong trong các dịch vụ mới như dịch vụ cảnh báo rủi ro cho khách hàng.

Bất động sản sẽ phục hồi từ quý 4/2013

Dự báo về việc tái cơ cấu ngân hàng và thị trường tài chính cũng như các kịch bản tăng trường năm 2013, cơ hội cho nhà đầu tư, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thị trường bất động sản sẽ có thể tăng thanh khoản bắt đầu từ quý 3 và có thể có dấu hiệu phục hồi rõ ràng hơn vào quý 4/2013.

Tuy nhiên, những khoản nợ lớn về bất động sản vẫn chưa xử lý được do thị trường nợ kém phát triển, vì vậy thị trường này có thể chỉ phục hồi vững chắc hơn vào năm 2014 hoặc có thể chậm hơn, đặc biệt là với phân khúc thị trường cao cấp.

Ông Nghĩa khuyến nghị, để thúc đẩy sự phục hồi của thị trường, ngoài các yếu tố vĩ mô, Chính phủ cũng cần tăng cường các biện pháp cụ thể như: tài trợ mua nhà với kỳ hạn dài và lãi suất thấp; giữ nguyên nguyên tắc thị trường với những thuế suất thấp; cải thiện thủ tục hành chính có liên quan đến đất đai, sổ đỏ, thanh lý tài sản; cho phép Việt kiều và người nước ngoài được mua nhà và tài sản nợ và được sở hữu tài sản lớn.

Thông qua hội thảo, ông Nghĩa cũng đưa ra những nhận xét về các chương trình mà Chính phủ đã thực thi trong thời gian qua, đó là các chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu thị trường chứng khoán. Ông đánh giá, chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian qua đã có những kết quả khả quan, về cơ bản hệ thống ngân hàng đã ổn định, thanh khoản không còn là nguy cơ lớn.

Về thị trường chứng khoán, cơ quan quản lý đã và đang tiếp tục ban hành nhiều quy định về tổ chức lại thị trường, cải tiến phương thức giao dịch, hoàn thiện hệ thống thanh toán, phát triển hạ tầng kỹ thuật, sản phẩm tài chính mới, bổ sung hàng hóa cho thị trường và cải tiến khả năng giám sát theo hướng minh bạch, công bằng và hiệu quả.

Vinh Nguyễn

Theo TTVN

 

Comments are closed.