Cổ tức cao có hấp dẫn?

08/04/2013 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Đang trên đà ăn nên làm ra, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã lên kế hoạch chi trả cổ tức khủng trong mùa ĐHCĐ năm nay.

Kế hoạch trả cổ tức này dễ dàng được cổ đông thông qua và NĐT nắm giữ CP của những doanh nghiệp này mừng như bắt được vàng. Tuy nhiên, với nhiều NĐT, đầu tư vào những CP này chưa chắc hấp dẫn nếu so sánh với thị giá.

Lợi nhuận cao, cổ tức khủng

CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM) vừa công bố tài liệu họp ĐHCĐ thường niên năm 2013. Theo báo cáo của Ban điều hành, năm 2012 HGM đạt trên 208 tỷ đồng doanh thu và xấp xỉ 150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (vượt 46% kế hoạch cả năm).

Lợi nhuận sau thuế đạt trên 138 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 21.950 đồng/CP. Đặc biệt, HGM có quyết định chia cổ tức đến 100% bằng tiền mặt và cao hơn 20% so với năm 2011.

Việc HGM mạnh tay chi trả cổ tức là hành động không quá khó hiểu bởi đa phần NĐT trên thị trường đánh giá cao về tiềm năng và lợi thế của HGM, là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đang khai thác, chế biến và xuất khẩu antimony ở quy mô công nghiệp. Trong khi đó, tình hình tài chính của HGM cũng hết sức lạc quan bởi đây là doanh nghiệp không vay nợ.

Một doanh nghiệp thường xuyên chi trả cổ tức cao khác là CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT). Trong mùa ĐHCĐ năm nay, cổ đông của ABT đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013 với doanh thu thuần đạt 650 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 60 tỷ đồng và cổ tức 40-60%.

Được biết, năm 2012 ABT thực hiện được 634 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế 79 tỷ đồng, cổ tức 60%. Đặc biệt, ABT còn 8,7 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, số tiền này được thống nhất chuyển sang năm 2013 để sử dụng vào việc chia cổ tức.

Tương tự, CTCP Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (CAP) vừa công bố Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2013, trong đó đề cập đến việc chi trả cổ tức 2012 với tỷ lệ lên đến 55% bằng tiền mặt. Theo nghị quyết này, ĐHCĐ của CAP đã thông qua kết quả kinh doanh năm 2012 với doanh thu đạt 275,7 tỷ đồng (vượt 38% so với kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế đạt 20 tỷ đồng (vượt 189% so với kế hoạch).

Ngày 21-3 vừa qua, ĐHCĐ của CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC) đã thông qua việc tăng mức chi trả cổ tức 2012 lên 50% thay vì 40% như đề nghị của HĐQT. Nguyên nhân do kết quả kinh doanh năm 2012 đạt hơn 530 tỷ đồng doanh thu và 80,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (vượt 11,4% kế hoạch), nên nhiều cổ đông đã đề nghị tăng mức cổ tức từ 40% lên 50%. Trong đó, 30% trả bằng tiền mặt và 20% bằng CP nhằm tăng vốn điều lệ.

Danh sách các doanh nghiệp có kế hoạch chi trả cổ tức cao trong năm 2013 còn có CTCP CNG Việt Nam (CNG). Theo kế hoạch, CNG sẽ dành gần 96 tỷ đồng để trả cổ tức tỷ lệ 45% cho cổ đông (đã tạm ứng 30% bằng tiền mặt và 15% sau khi ĐHCĐ diễn ra). CTCP Thủy điện Điện lực 3 (DRL) dự kiến mức chia cổ tức ở mức 37,6%. CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) dự kiến trả cổ tức 40% (đã tạm ứng 15% và chia tiếp 25% trong tháng 4-2013).

Quan trọng là tỷ suất lợi nhuận

Cho dù số lượng doanh nghiệp niêm yết có kế hoạch chi trả cổ tức cao chiếm tỷ lệ khá nhỏ nhưng đây được xem là yếu tố hấp dẫn, góp phần kéo NĐT quay lại với TTCK. Trên thực tế, nhờ hoạt động kinh doanh ổn định nên CP của các doanh nghiệp này giữ ở mức giá rất cao so với mặt bằng chung của thị trường và mức giá của các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực.

Chẳng hạn, HGM hiện đang giao dịch ở mức 120.000 đồng/CP, NSC là 69.000 đồng/CP, DPR là 58.500 đồng/CP, CAP là 55.000 đồng/CP, DRC là 42.000 đồng/CP, ABT là 40.000 đồng/CP, CNG là 29.200 đồng/CP, DRL là 24.900 đồng/CP.

Ít bị tác động bởi sự đi xuống của TTCK, lại có sóng tăng trong những thời điểm doanh nghiệp công bố mức chi trả cổ tức. Chính vì vậy, nhóm CP này luôn được NĐT ưu ái lựa chọn, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, TTCK chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng.

Tuy nhiên, cổ tức cao chưa hẳn đã hấp dẫn và mang lại hiệu quả cho NĐT nếu xét trên khía cạnh thị giá. Chẳng hạn, với mức giá 120.000 đồng/CP của HGM, tính ra mức cổ tức lên đến 100% cũng chỉ tương đương với doanh nghiệp trả cổ tức 10% nhưng có giá 12.000 đồng/CP. Như vậy, đầu tư vào CP có cổ tức 100% có thể sẽ không hiệu quả bằng việc mua vào những mã CP có thị giá 12.000 đồng nhưng trả cổ tức cao hơn 10%.

Theo lời khuyên của các chuyên gia, NĐT cần quan tâm đến tiềm năng và triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai. Trong rất nhiều trường hợp không đòi hỏi doanh nghiệp kinh doanh có lãi.

Thí dụ, với loại hình doanh nghiệp dệt may hay da giày tỷ suất lợi nhuận sau thuế chỉ vài phần trăm mỗi năm nhưng vẫn được các NĐTNN mua với giá thường cao hơn sổ sách. Theo NĐTNN, giá trị những doanh nghiệp này thường được xác định bằng giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường, máy móc thiết bị, nhân công.

Theo Kim Giang

ĐTTC

Comments are closed.