Cổ tức & Tăng trưởng

31/05/2013 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Chia cổ tức sao cho vừa đảm bảo thu nhập cho cổ đông nhưng vẫn duy trì được nguồn tích luỹ để phát triển doanh nghiệp luôn là một thách thức đối với các doanh nghiệp.

Nếu tính tỷ lệ cổ tức/giá cổ phiếu của Vinamilk (VNM) thì tỷ lệ này còn thấp hơn cả lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Năm 2013, VNM đặt kế hoạch cổ tức 34% mệnh giá cổ phần, tức 3.400 đồng/CP, lấy số tiền này chia cho giá VNM đóng cửa ngày hôm qua 29/5 là 133.000 đồng thì tỷ lệ cổ tức/giá sẽ chỉ tương đương 2,5%.

Thước đo thứ nhất: cổ tức cao

Cổ tức của VNM tính trên giá cổ phiếu không cao, nhưng vẫn thu hút các nhà đầu tư. Có nhiều nguyên nhân để lý giải điều này, nhưng trong đó cần lưu ý đến nguyên nhân VNM vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng của mình. Tốc độ tăng trưởng kép bình quân hàng năm (CAGR) trong 5 năm gần nhất của công ty là rất ấn tượng, doanh thu có CAGR đạt 34%, còn lợi nhuận tăng trưởng đến 50%.

Nếu lựa chọn cổ phiếu trả cổ tức cao thì sàn UpCOM có nhiều mã trả còn cao hơn 2 sàn niêm yết HoSE và HNX. Ngày 30/5 là ngày mà CTCP Đầu tư-Xây dựng Hà Nội, có cổ phiếu đang giao dịch tại UpCOM, trả cổ tức năm 2012 bằng tiền với tỷ lệ 48% mệnh giá, tức 4.800 đồng/CP.

Năm 2012 vừa qua, HCI đạt doanh thu 140 tỷ đồng, giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2011 (đạt 336 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế của HCI cũng chỉ xấp xỉ 35 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kết quả của năm trước đó đạt 86 tỷ đồng. Mặc dù vậy, do vốn điều lệ của HCI chỉ ở mức 52,3 tỷ đồng nên tỷ suất lợi nhuận/vốn điều lệ vẫn cao, dẫn đến tỷ lệ chia cổ tức vẫn rất cao. Lần tăng vốn gần nhất của HCI diễn ra vào năm 2010, từ 43,6 tỷ đồng lên 52,3 tỷ đồng.

Về mặt hiệu quả, những gì HCI đạt được là rất đáng nể vì ngành xây dựng những năm qua gặp không ít khó khăn, nhưng công ty vẫn duy trì được lợi nhuận, cổ tức cao. Nhưng sức mạnh của doanh nghiệp còn được đánh giá ở nhiều mặt khác nữa, từ thị phần, đến vốn… Có không ít công ty xây dựng, về hiệu quả lợi nhuận, cổ tức có thể không sánh được với HCI, nhưng vẫn được đánh giá cao do doanh thu, thương hiệu, quy mô, uy tín được củng cố.

Cách đây hơn 2 tuần, CTCP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (CAP) đã tiến hành trả cổ tức đợt 2/2012 với tỷ lệ 35%/mệnh giá, đồng thời thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 1:1 để tăng vốn điều lệ từ 17 tỷ đồng lên 34 tỷ đồng. CAP là một trong những công ty niêm yết trả cổ tức cao nhất hiện nay.

Thước đo thứ hai: tăng trưởng mạnh

Với việc tăng vốn lên gấp đôi, để duy trì mức cổ tức tương đương năm trước, CAP cũng sẽ phải nỗ lực tăng gấp đôi lợi nhuận của mình, cũng đồng nghĩa với sự tăng trưởng vượt bậc, đến đây sẽ có rất nhiều thách thức. Có không ít doanh nghiệp, trong quy mô vốn nhất định, thường kinh doanh hiệu quả, nhưng đến khi tăng vốn lên thường hiệu quả sẽ giảm sút hẳn do lợi nhuận không tăng tương ứng.

Hoặc cũng có nguyên nhân khác, do quy mô lớn, nên bắt buộc sẽ phải thay đổi về cách thức kinh doanh, nâng cao quản trị, tăng cường kiểm soát rủi ro, nếu không thực hiện được, xem như đã bị đuối vì phải mặc chiếc áo quá rộng. Khi rơi vào trạng thái này, doanh nghiệp rất dễ có những sai lầm về chiến lược có tính dây chuyền, vừa giảm hiệu quả trước đây, lại có thể làm giảm, thậm chí xoá bỏ những thành quả trước kia.

Trở lại với trường hợp của CAP, nếu công ty tăng vốn, có thể tỷ lệ gia tăng lợi nhuận không được như trước, nhưng vẫn duy trì được ở mức khá tốt kèm theo đó là tăng trưởng về thị phần, khách hàng và mô hình hoạt động thì cổ tức có giảm đi thị trường cũng sẽ có cách nhìn nhận hợp lý.

Thời gian qua, có nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ sự bức xúc khi doanh nghiệp đạt lợi nhuận khủng, nhưng tỷ lệ chia cổ tức vẫn không cao hay trước đây, doanh nghiệp vẫn có thói quen chia cổ tức bằng cổ phiếu để bảo toàn vốn. Thực ra, ngay tại thị trường nước ngoài, vẫn có những doanh nghiệp chọn cách không chia cổ tức, hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm đảm bảo vốn tiếp tục phát triển.

Như đã nói ở trường hợp VNM, không phải nhà đầu tư nào cũng chăm chăm vào vấn đề cổ tức, cổ phiếu mà còn nhiều yếu tố khác nữa. Vậy nên khi doanh nghiệp chọn cách thức không chia cổ tức bằng tiền mặt để bảo toàn vốn, tái đầu tư, thì cần phải thể hiện một cách rõ ràng những gì mình đã, đang và sẽ làm.

Chứng minh lợi nhuận vẫn tiếp tục gia tăng đều đặn, hay công ty mở rộng được thị phần thế nào, dòng tiền được củng cố, ổn định ra sao. Minh bạch và nhất quán, đó là những yếu tố quan trọng để có một chính sách cổ tức phù hợp cho cổ đông và tạo đà tăng trưởng cho công ty.

Theo Khiêm An

Thời báo kinh doanh

Comments are closed.