Loay hoay “tìm rổ bỏ trứng”

31/05/2013 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Dù đã thực hiện đúng nguyên tắc “bỏ trứng vào nhiều rổ” nhưng người có tiền đang chịu thiệt thòi ở cả hai kênh tiết kiệm và lãi suất, trong khi giữ vàng còn đầy rủi ro.

Tiết kiệm mất lãi

Trong tuần cuối tháng 5, không chỉ những ngân hàng thương mại lớn mà ngay cả những NH vừa và nhỏ cũng mạnh tay giảm lãi suất huy động khiến không ít người gửi tiền hụt hẫng. Chị Vũ Hoàng Lan (Q.3, TP.HCM) nói rằng, trước Tết, dù lãi suất có giảm nhưng NH BIDV vẫn giữ sổ cho chị 12%/năm.

Với khoản tiền 500 triệu đồng, mỗi tháng chị hưởng lãi khoảng 6 triệu đồng. Nay NH báo lại lãi suất gửi chỉ được 6% nên lãi tiết kiệm của chị giờ chỉ còn trên 3 triệu đồng/tháng.

“Nghĩ mà thiệt thòi. Giá cả, từ xăng dầu điện nước, cước điện thoại, truyền hình cáp đến rau củ, quả gần như không giảm, thậm chí còn tăng đôi ba lần trong khi tiền lãi lại giảm tương ứng. Với số tiền này, đóng chi phí điện nước trong nhà còn không đủ chứ nói gì đến chuyện để dành”, chị Lan chia sẻ.

Tâm lý “thiệt thòi” không chỉ riêng chị Lan mà trở thành suy nghĩ chung của những người gửi tiền NH. Thiệt thòi nhất là người dân có thu nhập trung bình, cán bộ hưu trí, công nhân viên chức. Còn đối với khách hàng doanh nghiệp (DN), lãi suất tiết kiệm có giảm nhưng bù lại được hỗ trợ ở khoản lãi suất cho vay.

Thậm chí, có những DN còn được giảm nợ vì NH đã điều chỉnh lãi suất cho vay cũ về mức dưới 13%/năm thay vì 20 – 22%/năm trước đó. Còn người gửi tiền, với đà giảm lãi suất nhanh như hiện nay, tiêu chí tiền gửi thực dương (lãi suất cao hơn lạm phát) gần như không còn.

Đó là chưa kể, họ chẳng được hưởng lợi gì ở những khoản cho vay. Bằng chứng các NH chỉ tập trung hạ lãi suất cho vay DN xuống dưới 10%/năm, trong khi cho vay tiêu dùng cá nhân thì cao ngất ngưởng.

“Lấy đâu ra chuyện người thu nhập trung bình vay được tiền NH với lãi suất thấp. Chúng tôi muốn vay tín chấp thì cứ phải lãi suất trên 20%/năm”, một khách hàng cá nhân phản ánh.

Nhiều NH lý giải khi hạ lãi suất đầu vào của NH là mong người gửi tiền chia sẻ với khó khăn của nền kinh tế, hỗ trợ cho DN. Theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT NH Eximbank, bản thân NH cũng đang phải trả giá cho xã hội trong việc huy động – cho vay chứ không hưởng lợi lớn như mọi người nghĩ.

“Nếu tôi huy động lãi suất 6%/năm, thì Eximbank sẵn sàng cho DN vay 6,5%/năm. Tuy nhiên, thị trường hiện nay đang không vận hành theo bài toán đó mà ai cũng đòi quyền lợi. Ví dụ trong một gia đình, bà vợ có tiền đem gửi NH thì lúc nào cũng muốn lãi suất cao 8-9%/năm, anh chồng làm DN tới Eximbank vay tiền thì lại muốn lãi suất thấp 7-8%/năm. Không lẽ bắt hệ thống NH phải trả giá?”, ông Dũng cho biết.

Vàng mất điểm

Nhiều người giữ vàng giờ cũng đang phải ngậm ngùi bởi chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới sau rất nhiều động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đặc biệt, gần đây, giá vàng trong nước thường giảm chậm hơn so với giá vàng quốc tế khi giá vàng quốc tế giảm.

Ngược lại, giá quốc tế tăng, giá vàng trong nước cũng có lúc tăng chậm hơn. Lý giải cho sự chênh giá vàng nội địa, NHNN cho rằng, mục tiêu của việc đấu thầu là để bình ổn thị trường chứ không phải bình ổn giá vàng và không bù lỗ cho bất cứ ai.

Về phần mình, một chủ DN kinh doanh vàng lý luận: “Mức giá chào thầu của NHNN luôn cao hơn giá thế giới. DN mua cao, đương nhiên phải bán ra giá cao, nên vàng nội vẫn tiếp tục đắt hơn vàng ngoại. Người có nhu cầu phải cắn răng mua vàng giá đắt lúc này cũng dễ hiểu”.

Lý thuyết thì đúng nhưng cũng như việc gửi tiền tiết kiệm, chỉ người dân giữ vàng là thiệt thòi nhất. Qua những phiên đấu thầu vừa qua, người được lợi chính là Nhà nước. Trước đây việc nhập khẩu vàng chủ yếu do giới kinh doanh thực hiện, phần chênh lệch giữa giá nhập và bán ra, hầu hết đều rơi vào túi những người đầu cơ.

Nay, NHNN nắm giữ hoàn toàn thị trường nên khoản chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới rơi vào tay NHNN và ngân sách được hưởng. Ở góc độ quản lý, mục tiêu của chính sách tiền tệ của NHNN là làm sao để người dân giữ tiền thay vì giữ vàng, đang có kết quả.

Xét về DN, dễ thấy NHNN đang tạo cơ hội cho các điểm kinh doanh vàng ăn theo chính sách. NHNN không cung vàng trực tiếp ra thị trường mà chỉ đáp ứng cho những tổ chức có nhu cầu tất toán vàng trước ngày 30/6 nên lượng vàng lưu thông trên thị trường về lý thuyết không nhiều.

Trong khi đó, đối tượng tích trữ vàng thông thường là các bà nội trợ, người nông dân, công chức, cán bộ hưu trí… Họ chủ yếu nghe ngóng thông tin giá vàng thế giới lên xuống để dự đoán giá vàng trong nước và vẫn mua bán đầy rủi ro trong thời điểm giá vàng biến động khó lưởng.

Trong khi đó, người dân “chán vàng” là chuyện không thể vì giá trị tiền đồng so với vàng và ngoại tệ vẫn chưa đủ mạnh, nên khả năng huy động được lượng tài sản là vàng rất lớn đang ứ trong dân trở thành tiền để đưa vào nền kinh tế chắc vẫn cần thêm thời gian.

Theo Vũ Hoàng

Doanh nhân SG

 

Comments are closed.