Giải mã các siêu thanh khoản

07/08/2014 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Những CP có thị giá thấp, thanh khoản cực cao đang tạo ra nhiều cơ hội và ảnh hưởng trên TTCK.

Phiên hôm qua 6-8, KLGD khớp lệnh tại HOSE đạt 87,4 triệu CP, tương ứng với GTGD đạt 1.560 tỷ đồng. Dẫn đầu về thanh khoản là FLC với 12 triệu CP được giao dịch, giá trị xấp xỉ 160 tỷ đồng. Tính sơ sơ, riêng FLC đã chiếm gần 14% KLGD và hơn 10% về GTGD.Phiên ngày 5-8, CP có ảnh hưởng mạnh nhất đến VN Index là GAS, đã tăng giá mạnh từ 112.000 đồng/CP lên 117.000 đồng/CP, kèm theo đó thanh khoản cũng tăng theo. Tuy nhiên, kết thúc phiên cũng chỉ gần 700.000 CP được khớp, tương ứng 80 tỷ đồng. Cũng trong phiên này, KLGD của FLC đạt 8,5 triệu CP, gấp 12 lần của GAS; GTGD đạt hơn 113 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần GAS. SAM cũng từng là blue chip, nhưng đó là trong quá khứ, còn những năm gần đây có thể xem SAM là CP thuộc nhóm midcap, thậm chí penny do thị giá thấp, KQKD thất thường, hoạt động kinh doanh cũng không có gì nổi bật. Nhưng trong những ngày gần đây “cựu blue chip” SAM thường nằm trong top đầu về thanh khoản, khi KLGD đạt mốc trên dưới 5 triệu CP mỗi phiên.

Một siêu thanh khoản khác cũng đến từ nhóm midcap là HQC với KLGD mỗi phiên dao động 3-4 triệu CP/phiên. VHG (Việt Hàn) là CP đầu cơ có tiếng thuộc nhóm penny mỗi phiên cũng khớp trên dưới 2 triệu CP và không ít lần lên đến mức 3-5 triệu CP/phiên.

Nếu mua 1.000 CP GAS (ngày 6-8) sẽ phải bỏ ra 116 triệu đồng, trong khi cũng số tiền này mua được khoảng 10.000 CP SAM. Với một số người, mua CP phải mua từ hàng ngàn hay chục ngàn mới cảm thấy “đã”. Mà như vậy sẽ có khoảng 1 tỷ đồng, mua chưa đủ 10.000 GAS, trong khi có thể mua hàng trăm ngàn CP có giá từ 10.000 đồng/CP trở xuống. Vậy nên CP nhỏ có thể thu hút được đa dạng dòng tiền, thỏa mãn được nhu cầu mua vào của nhiều NĐT.

Lợi thế rất rõ ràng, CP lớn chủ yếu dành cho NĐT nhiều tiền, còn CP nhỏ có thể thu hút cả NĐT tổ chức lẫn NĐT cá nhân. Điều này được minh chứng rất rõ qua sự xuất hiện các quỹ như Mutual Fund Elite, Asean Small Cap Fund giải ngân vào cả midcap, penny…

Khi NĐT tổ chức đã mua vào, đối với các CP penny khối lượng tính bằng hàng triệu là chuyện bình thường. Về khả năng sinh lời, đâu phải phiên nào GAS nói riêng, hay những CP có thị giá vài chục ngàn đồng trở lên nói chung cũng có thể tăng 3.000-5.000 đồng/CP/ngày. Những CP kiểu này thường tăng khá chậm rãi và chỉ bùng có đợt, nên nhiều khi tạo ra cảm giác buồn chán cho những người thích lướt sóng.

Trong khi đó, giữ vài chục ngàn CP có thị giá nhỏ, chỉ cần tăng giá khoảng 1.000 đồng cũng đã lãi vài chục triệu đồng. Trong thực tế, 1 CP penny giá 5.000-10.000 đồng tăng được 1.000 đồng/phiên cũng không phải dễ, nhưng nhiều người vẫn thích. Với CP có thanh khoản cao, đồng nghĩa nhiều người mua bán, dẫn đến biến động, dao động giá cũng khá lớn, nên càng có cơ hội lướt để hưởng chênh lệch giá. Càng nhiều cơ hội, kéo theo càng đông người chơi, thanh khoản càng tăng.

Dù lớn về khối lượng, nhưng do thị giá thấp, nhìn chung các siêu thanh khoản vẫn chưa tạo được những ảnh hưởng trực tiếp đến VN Index như GAS, VNM, MSN, nhưng nhóm này cũng có những vị thế riêng của mình. Đầu tiên là vai trò chỉ báo. Theo đó, sự hoạt động của nhóm siêu thanh khoản có thể xem là chỉ báo cho dòng tiền ngắn hạn, thậm chí đầu cơ của thị trường, khi những dòng tiền này mạnh thị trường sôi động và ngược lại.

Các siêu thanh khoản cũng góp phần đáng kể tạo nên sự nhộn nhịp cho thị trường. Nếu lập luận đánh ngắn hay lướt sóng thường đi kèm với margin, cũng đồng nghĩa dòng tiền margin sẽ tập trung tại những CP siêu thanh khoản. Tất nhiên, margin càng lớn CTCK càng thu được nhiều lãi vay.

Bên cạnh những điểm tích cực siêu thanh khoản đem lại cho TTCK, không thể không nhắc đến những rủi ro. Thông thường mỗi siêu thanh khoản thường có những câu chuyện, thông tin đi kèm tích cực. Tin tốt ra, kéo theo thanh khoản tăng, rồi lại tin tốt nên thanh khoản cứ thế mà tăng nhưng với điều kiện phải tốt thật. Tuy nhiên, được kỳ vọng quá đà, cũng phải đến lúc CP chững lại.

Khi CP không có tin, hoặc thông tin không đủ, NĐT sẽ mất hào hứng dẫn đến thanh khoản sụt giảm. Cũng có quan điểm cho rằng tin tốt không thể lúc nào cũng có, nhưng chỉ cần thanh khoản cao là thu hút được NĐT giao dịch. Điều này có thể minh chứng qua trường hợp của PVX. Dù kinh doanh thua lỗ nhưng CP này lúc nào cũng có thanh khoản cao, 2 ngày gần nhất PVX đều khớp trên 7 triệu CP/phiên.

Ngược lại, trường hợp của VNE cũng từng có thời là CP đầu cơ có tiếng, thanh khoản cao, cứ thị trường tốt là dòng tiền đổ vào CP này dù hoạt động kinh doanh trồi sụt thất thường. Nhưng gần đây thanh khoản của VNE đã bắt đầu sụt giảm.

Theo Ngọc Long

Sài gòn Đầu tư tài chính

Comments are closed.