Khi KLS “dứt áo”

10/03/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Thông tin về việc Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS) sẽ từ bỏ kinh doanh chứng khoán để trở thành công ty đầu tư đa ngành đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong những ngày qua. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên một công ty chứng khoán có vốn điều lệ đứng thứ 2 trên thị trường thoái lui khỏi ngành.

Thông tin này đã chính thức được KLS xác nhận vào chiều ngày 2.3 trong một cuộc gặp gỡ với báo giới. Theo đó, Hội đồng Quản trị của KLS sẽ trình Đại hội Cổ đông (dự kiến diễn ra ngày 19.3) về kế hoạch chuyển đổi ngành kinh doanh.

Khai tử chứng khoán

KLS sẽ ngưng các hoạt động kinh doanh chứng khoán để chuyển sang đầu tư tài chính và nguồn vốn; kinh doanh lĩnh vực bất động sản, công nghệ thông tin, dịch vụ thương mại, sàn giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ hỗ trợ thanh toán, tín dụng; bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng; quảng cáo. Để phù hợp với hoạt động mới, KLS cũng sẽ đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Kim Long.

Nếu phương án chuyển đổi được chấp thuận, KLS sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đồng thời, KLS sẽ thực hiện những công việc như công bố thông tin, xử lý tài khoản giao dịch của khách hàng, xử lý các hợp đồng tư vấn.

Mặc dù còn phải đợi Đại hội đồng Cổ đông thông qua nhưng nhiều khả năng KLS sẽ không còn là công ty chứng khoán nữa. Một tổ chức ra đời từ năm 2006, mạnh về tự doanh, có quy mô vốn 2.314,2 tỉ đồng mà phải quyết định thay đổi ngành nghề thì việc thị trường phản ứng cũng là điều dễ hiểu. Cổ phiếu KLS đã liên tục giảm sàn, xuống còn 10.700 đồng/cổ phiếu (4.3).

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Trọng, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM của KLS, sự chuyển đổi này thực ra không mang ý nghĩa thoái lui mà là vì mục đích tối ưu hóa nguồn vốn. KLS nhận thấy, những nghiệp vụ chính của một công ty chứng khoán đang bị cạnh tranh mạnh mẽ. Các hoạt động này có thể không lỗ, nhưng lãi quá thấp, không thể tạo nên sự đột phá về doanh thu và lợi nhuận. Bằng chứng là suốt 3 năm liền (2008-2010), mảng môi giới của KLS chưa bao giờ vượt 7% tổng doanh thu. Trong khi đó, chi phí lại không nhỏ như đầu tư công nghệ, tổ chức sàn, trả lương cho nhân viên môi giới và công nghệ thông tin.

Đó là chưa kể đến việc hoạt động môi giới chịu nhiều rủi ro từ cạnh tranh không lành mạnh và cho vay đầu tư chứng khoán. Ông Trọng tính toán, chỉ cần nhà đầu tư vay 1 tỉ đồng thì 1.000 khách hàng sẽ tạo số dư 1.000 tỉ đồng. Đây là khoản phải thu khổng lồ và chịu rủi ro cao vì phụ thuộc vào điều kiện thị trường.

Riêng hoạt động tư vấn của KLS lâu nay không đem lại doanh thu trực tiếp mà chủ yếu hỗ trợ cho các hoạt động khác. Hoạt động bảo lãnh phát hành cũng không mang lại hiệu quả khi KLS gần như không có doanh thu trong mảng này.

KLS chỉ thực sự mạnh về nghiệp vụ tự doanh. Năm 2008 và 2009, mảng này đã đóng góp cho KLS trên 70% tổng doanh thu. Tuy nhiên, sự sụt giảm đã xảy ra trong năm 2010 khi doanh thu từ đầu tư chứng khoán, góp vốn chỉ còn chiếm 37,5% tổng doanh thu, dẫn đến khoản lỗ 172,8 tỉ đồng (năm 2010). Điều đáng nói, đây là lần thua lỗ thứ 2 của KLS (năm 2008, KLS lỗ 352 tỉ đồng). Vì thế, quyết định chuyển hướng của KLS được bà Nguyễn Thanh Thảo, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) đánh giá là “một hành động dễ hiểu”.

Tốt hơn hay xấu đi?

Trên thực tế, hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán từ năm 2008 đến nay không được thuận lợi. Doanh thu từ mảng tự doanh, nguồn thu chính của các công ty, liên tục sụt giảm. Năm 2010, mảng tự doanh của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) chỉ đóng góp 47,2% tổng doanh thu, giảm 6% so với 2009. Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng phải chuyển hướng sang phát triển môi giới và giảm tỉ lệ đóng góp của tự doanh từ 54,4% tổng doanh thu (năm 2009), còn 12,6% (năm 2010).

Trước áp lực về lợi nhuận, các công ty đều phải tìm kiếm nguồn thu khác. Chẳng hạn, khoản thu nhập khác của HSC chiếm tới 54,4% doanh thu năm 2010. Vì thế, việc KLS không lạc quan với mô hình công ty chứng khoán và quyết định dứt áo ra đi được giới trong ngành xem là hành động khá dũng cảm.

Nhưng khi trở thành công ty đầu tư đa ngành, liệu tình hình của KLS có sáng sủa hơn? KLS tin rằng, với việc tái cấu trúc ngành nghề, kinh doanh của KLS sẽ khả quan hơn. Trước mắt, việc không duy trì hoạt động môi giới sẽ giúp KLS tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể. Ngoài ra, với mô hình công ty đầu tư đa ngành, KLS không còn bị vướng các quy định về mức góp vốn, nên có thể tham gia sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tiến tới quản trị và nắm cổ phần chi phối ở các công ty mà KLS góp vốn.

Như vậy, về bản chất, KLS vẫn tiếp tục hoạt động đầu tư góp vốn như lâu nay, chỉ khác là hoạt động sẽ tập trung hơn dưới một lớp áo khác. Nghĩa là Công ty không làm lại từ con số 0 mà sẽ tận dụng lợi thế về vốn và nhân lực.

Xét về vốn, KLS có quy mô vốn đứng thứ 2 với 2.314,2 tỉ đồng. Đặc biệt, KLS có khoản tiền gửi ngân hàng hơn 1.650 tỉ đồng (75 triệu USD). Nghĩa là kể cả khi bỏ qua danh mục gần 20 triệu chứng khoán với xấp xỉ 600 tỉ đồng (tính đến ngày 31.12.2010), chỉ xét riêng tiền mặt thì quy mô vốn này chỉ thua kém một quỹ đầu tư nước ngoài vừa và nhỏ (như SAM có quy mô 125 triệu USD).

Mặt khác, ba phần tư nhân sự của KLS trước nay vẫn hoạt động ở mảng đầu tư và tự doanh. Vì thế, khi chuyển đổi mô hình sang công ty đầu tư, KLS đã có nguồn nhân lực sẵn có.

Tuy vậy, khi nhìn vào hiệu quả hoạt động tự doanh cũng như cách thức KLS gửi tiền vào ngân hàng như năm qua, giới đầu tư không khỏi e ngại liệu đồng tiền trong tay KLS có được sử dụng hiệu quả nhất. Câu trả lời vẫn còn nằm phía trước.

Theo Ngọc Thủy
NCĐT

Comments are closed.