Nhiều cổ phiếu đang bị “rẻ rúng”

06/05/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Theo thống kê của CTCK Hòa Bình (HBS), tính đến cuối tháng 4/2011, trong số 632 cổ phiếu niêm yết trên hai sàn, có tới 213 mã đang thấp hơn mệnh giá. Theo HBS, bên cạnh các công ty thua lỗ, trong số này có cả những doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Bởi vậy, trong nhóm cổ phiếu giá rẻ có thể ẩn chứa các cơ hội. Thế nhưng hiện tại sự đắt rẻ cũng chỉ áng chừng…

33% dưới mệnh giá

Hết phiên giao dịch ngày 4/5, cổ phiếu LBE của CTCP Sách và thiết bị trường học Long An giảm hết biên độ, rơi xuống mức 7.000 đồng/CP. Năm ngoái, LBE đạt lợi nhuận sau thuế 3,4 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 3.100 đồng, tỷ lệ cổ tức tiền mặt 20%. Ở mức giá trên, cổ phiếu sách có các chỉ số định giá P/E và P/B lần lượt là 2,2 lần và 0,5 lần.

ĐHCĐ LBE vừa qua đã thông qua kế hoạch cổ tức tiền mặt năm 2011 tối thiểu 10%. Như vậy, bây giờ, nếu mua cổ phiếu LBE, bên cạnh việc trông chờ khả năng phục hồi giá, NĐT dài hạn có thể hưởng tỷ suất lợi nhuận không tồi từ cổ tức (khoảng 14%/năm).

Nhiều năm qua, LBE chưa bao giờ kinh doanh lỗ. Dù vậy, quý I/2011, LBE công bố lợi nhuận âm 42 triệu đồng do đặc thù kinh doanh mang tính chất thời vụ (với thời gian thấp điểm nhất rơi vào quý I và quý IV). Nhưng báo cáo tài chính Công ty cho thấy điều đặc biệt khi đang có lượng tiền mặt 11 tỷ đồng vào ngày 31/3, cao hơn 3 lần mức vốn hóa thị trường của Công ty.

Không chỉ LBE, nhiều công ty khác đang kinh doanh có lãi, cổ tức tiền mặt hấp dẫn, nhưng cổ phiếu vẫn bị NĐT quay lưng. Chẳng hạn như cổ phiếu NGC của CTCP Xuất khẩu thủy sản Ngô Quyền. Năm ngoái, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 3,03 tỷ đồng, chia cổ tức 17,5% (8% bằng tiền mặt). Năm 2011, Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hơn 6 tỷ đồng, trả cổ tức 18%, nhưng giá cổ phiếu NGC vẫn rơi xuống dưới 8.000 đồng/CP.

Cũng chịu cảnh tương tự là cổ phiếu HSI của CTCP Vật tư tổng hợp và phân bón hóa sinh. Kể từ khi niêm yết cách đây 5 năm, HSI chưa bao giờ lỗ và duy trì tỷ lệ cổ tức tiền mặt đều đặn 14%/năm, nhưng cổ phiếu HSI đang được giao dịch trên dưới 9.000 đồng/CP.

Trên thị trường, không hiếm cổ phiếu đang bị NĐT “ghẻ lạnh” theo cách khác. Chẳng hạn, cổ phiếu VTA của CTCP Gạch men Vitaly đang có giá 3.000 đồng/CP. Hiện nay, giá trị vốn hóa của Công ty tương đương 18 tỷ đồng, chưa bằng giá trị thị trường của mảnh đất tại nhà máy cũ của VTA ở số 2/34 Phan Huy Ích (quận Tân Bình, TP. HCM).

Sự thờ ơ của NĐT không loại trừ các tên tuổi lớn. Minh chứng rõ nhất là CTCP Nhiệt điện Phả Lại với giá cổ phiếu PPC đã rơi xuống mức 9.000 đồng/CP. Hiện tại, chi phí đầu tư cho 1 MW là 1,5 triệu USD. Tính ra, để xây dựng một nhà máy nhiệt điện với công suất 1.040 MW (tương đương PPC hiện nay) cần hơn 30.000 tỷ đồng, cao hơn cả chục lần mức vốn hóa thị trường của PPC hiện nay.

Tương tự, một tên tuổi lớn khác là CTCP Xi Măng Hà Tiên, đang chiếm hơn 30% thị phần xi măng khu vực Đông Nam Bộ với mạng lưới phân phối rộng khắp, các nhà máy đạt công suất 2,8 triệu tấn/năm (lớn nhất trong số thành viên của Vincem) nhưng giá trị vốn hóa hiện chỉ còn tương đương 60% vốn điều lệ.

Theo Vietstock, hiện tại, 2/3 số cổ phiếu niêm yết đang giao dịch thấp hơn giá trị sổ sách. Còn theo thống kê của HBS, 1/3 số cổ phiếu hiện nay được giao dịch thấp hơn mệnh giá và tỷ lệ này tiếp tục có xu hướng tăng lên. Trong số này có sự góp mặt đông đảo của nhóm cổ phiếu chứng khoán: SVS của CTCK Sao Việt chỉ còn 4.000 đồng/CP, SME của CTCK SME còn 5.100 đồng/CP… (tính đến 5/5). Hầu hết các CTCK niêm yết đã hoạt động được 2-3 năm, có mạng lưới, có khách hàng (dù mới ở mức khiêm tốn) nhưng đang bị thị trường khá “rẻ rúng”.

Mong manh rẻ và đắt

Tuy nhiên, ranh giới rẻ đắt đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Các cổ phiếu như LBE, NGC, HSI… dù đang hấp dẫn về mặt định giá nhưng vẫn khó thuyết phục NĐT.

Thứ nhất, xét trong tương quan so sánh chung với thị trường, việc mua cổ phiếu giá thấp hiện nay chưa hẳn đã đắc sách. Công ty có thể trả cổ tức hấp dẫn/thị giá nhưng điều này chỉ ý nghĩa với các NĐT nắm giữ cổ phiếu qua nhiều năm. Với các NĐT ngắn hạn, cổ tức tiền mặt được khấu trừ ngay vào giá khiến lợi tức chỉ còn mang tính tượng trưng.

Thứ hai, về dài hạn, câu chuyện tăng trưởng và tiềm năng tăng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp nhỏ cũng không thật sự rõ ràng, thuyết phục. Đơn cử, khi các làn sóng đầu cơ vào các cổ phiếu “penny” cách đây 1 năm kết thúc, khá nhiều NĐT chỉ nhận được một thứ duy nhất là… kinh nghiệm. Trong khi theo trường phái đầu tư giá trị, bất chấp sự đi xuống của thị trường, các mã “hàng hiệu” như VNM (Vinamilk) hay MSN (Masan Group) vẫn bứt phá ngoạn mục.

Cổ phiếu VTA dù giá thấp nhất hai sàn và dù Vitaly có tài sản đáng giá nhưng chỉ đáng quan tâm với các NĐT lớn có ý định thâu tóm Công ty để phát triển dự án BĐS. Quá trình kinh doanh thua lỗ của Vitaly đã liên tục 3 năm. Kết quả đáng thất vọng kéo dài cho thấy sự thua lỗ chỉ là hệ quả, yếu tố quản trị doanh nghiệp mới là nguyên nhân chính.

Nhiệt điện Phả Lại, Xi măng Hà Tiên đều là các tên tuổi lớn, nhưng xét trên góc độ hiệu quả kinh doanh, các “ông lớn” này không mấy hấp dẫn khi các chỉ số sinh lời rất thấp. Tương tự, cổ phiếu nhóm chứng khoán chỉ còn phân nửa mệnh giá nhưng không hẳn quá rẻ khi các CTCK đang bước vào giai đoạn thanh lọc nghiệt ngã.

Thuyền lên nước lên, các cổ phiếu thị giá thấp luôn ẩn chứa cơ hội khi thị trường phục hồi nhưng hiện nay, sự đắt rẻ mới chỉ áng chừng.

Theo DTCK

Comments are closed.