Không thể kéo lùi sự phát triển của TTCK

10/05/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

TTCK Việt Nam hoạt động đã hơn 10 năm và đang trải qua giai đoạn trầm lắng nhất trong lịch sử. Trong khi đó, nền kinh tế nói chung, các DN nói riêng vẫn đang gặp không ít khó khăn, hệ quả từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Củng cố và phát triển TTCK sẽ là một bước huy động vốn dài hạn hiệu quả của Chính phủ và DN cho đầu tư phát triển.

Thực tế cho thấy, TTCK Việt Nam là kênh huy động vốn cho ngân sách quốc gia thông qua việc tiến hành cổ phần hóa các DNNN và niêm yết trên TTCK; Nhà nước bán một phần vốn (thu về cho ngân sách) tại các DN một cách có hiệu quả (bán phần vốn tại những đơn vị làm ăn kém hiệu quả, cũng như bán giá cao tại những đơn vị làm ăn hiệu quả).

Theo số liệu từ Ban Đổi mới và phát triển DN, trước 1/7/2010, cả nước còn hơn 1.540 DN 100% vốn nhà nước, bao gồm: 7 công ty mẹ – tập đoàn kinh tế nhà nước; 11 tổng công ty 91, 77 tổng công ty 90; 421 DN thành viên 100% vốn của tập đoàn; 1.026 công ty nhà nước độc lập; 3 ngân hàng thương mại và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

Mục tiêu của Nhà nước là chỉ giữ lại 700 – 800 DN, số còn lại chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp dưới hình thức CTCP hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn.

Từ ý nghĩa và tầm quan trọng trên, việc tiến hành cổ phần hóa các công ty nhà nước và niêm yết trên TTCK cần phải được làm khẩn trương và quyết liệt, nhất là trong giai đoạn Nhà nước bội chi ngân sách hàng năm ở mức cao (năm 2010, bội chi ngân sách khoảng 6,2% GDP; năm 2011 dự kiến 5,5% GDP); nợ nước ngoài của Việt Nam tăng cao. Bán một phần vốn của Nhà nước tại các công ty nhà nước là một nguồn thu quan trọng, đồng thời Nhà nước giảm một phần lớn chi phí quản lý các công ty này.

Thông qua TTCK, Chính phủ phát hành trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ và bằng VND để huy động vốn trong nước cũng như quốc tế cho những chương trình trung và dài hạn, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng.

Đối với thị trường trái phiếu quốc tế, Chính phủ đã có hai lần huy động vốn thành công, lần 1 vào năm 2007 với số vốn huy động là 750 triệu USD, có thời gian đáo hạn vào năm 2016; lần 2 vào tháng 1/2010, với giá trị 1 tỷ USD, đáo hạn vào năm 2020. Hiện tại, các ngân hàng đầu tư trên thế giới đang nắm giữ 2 loại trái phiếu này.

Tại thị trường nội địa, Chính phủ chủ yếu phát hành trái phiếu có kỳ hạn từ 2 năm đến 10 năm cho các ngân hàng thương mại trong nước, các ngân hàng nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam.

Tuy thị trường trái phiếu nội địa chỉ mới dừng lại ở thị trường sơ cấp, với giá trị giao dịch ở mức vài trăm tỷ đồng/tuần (thị trường thứ cấp hầu như không có biến động), nhưng tổng khối lượng trái phiếu nội địa phát hành chưa đáo hạn tính đến tháng 3/2011 khoảng 250.000 tỷ đồng, tương đương 12% GDP năm 2010, gấp 2,3 lần so với mức 110.000 tỷ đồng mà Chính phủ đặt ra cho giai đoạn 2003 – 2010.

Hiện đang có trên 510 loại trái phiếu đang được giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, với giá trị niêm yết trên 169.174 tỷ đồng. So với trước đây chỉ với 30 thành viên tham gia thị trường trái phiếu này, thì hiện nay đã có 45 thành viên tham gia, trong đó gồm 25 công ty chứng khoán, 16 ngân hàng thương mại, 4 ngân hàng thương mại nước ngoài. Điều này cho thấy, tính hấp dẫn và mức độ mở rộng của thị trường trái phiếu ngày càng gia tăng, đồng thời còn là nơi để Chính phủ thực hiện huy động vốn và điều tiết luồng tiền trong nền kinh tế.

Đối với DN, không thể phủ nhận TTCK Việt Nam là một kênh huy động vốn hiệu quả. Trên 500.000 DN Việt Nam đã thành lập và đang hoạt động, trong số đó rất nhiều đơn vị đã thông qua TTCK huy động vốn hiệu quả, giúp nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, năng lực quản trị.

Niêm yết trên TTCK, DN hoạt động công khai, minh bạch trong công bố thông tin, tổ chức kiểm toán định kỳ, thúc đẩy làm ăn có hiệu quả. Báo cáo tổng kết thị trường của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước năm 2010 cho thấy, tổng mức phát hành của DN huy động vốn trên hai sàn chứng khoán là 116.500 tỷ đồng. Trong đó, phát hành cổ phiếu và trái phiếu DN là 83.000 tỷ đồng.

Chúng ta cần thấy rõ là nguồn vốn tham gia mua cổ phần của các công ty, mua trái phiếu chính phủ trên sàn giao dịch chứng khoán phần lớn là sử dụng nguồn tiền trong dân, trong các DN và ngân hàng trong nước, nguồn tiền kiều hối, nguồn tiền từ các DN quốc tế và từ các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư quốc tế… Củng cố và phát triển TTCK Việt Nam sẽ là một bước huy động vốn dài hạn có hiệu quả của Chính phủ và DN Việt Nam cho đầu tư phát triển.

Tại cuộc hội thảo mới đây do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức tại Cần Thơ, nhiều chuyên gia trong đó có TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh Thông tư 19/2010/TT-NHNN trong phần nội dung đưa ngành kinh doanh chứng khoán vào diện rủi ro 250%. DN, người dân và nhà đầu tư quốc tế cũng đang mong chờ một sự ổn định lãi suất, tỷ giá hối đoái và lạm phát, cũng như nỗ lực củng cố phát triển TTCK Việt Nam của các cơ quan quản lý.

Theo TS. Đặng Đức Thành
Chủ tịch HĐQT CTCP Tri thức DN quốc tế, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP. HCM
ĐTCK

Comments are closed.