Chứng khoán ngày 18/5: “Phục kích” tại VCB

18/05/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Làn sóng cắt lỗ ồ ạt đã có lúc dìm VN-Index xuống mức âm gần 13 điểm. Không rõ thị trường lo ngại trước tin xấu, hay thuần túy là điểm rơi của tâm lý và áp lực giải chấp.

Một sự kiện khá trùng hợp là cổ phiếu đang được chú ý VCB gặp cản lớn quanh mức 32.000 đồng đã gánh chịu áp lực bán rất mạnh hôm nay. Cùng với đó là tốc độ rơi nhanh hiếm thấy của VN-Index khi sự lo sợ lan ra toàn bộ thị trường.

VCB ngay từ lúc mở cửa đã bị đánh úp 410.800 đơn vị. Mặc dù vậy, khối lượng chặn mua ATO và giá trần vẫn còn cả triệu cổ phiếu. Một lượng lớn ATO đã không được khớp có thể trở thành cầu tiềm năng. Tuy nhiên việc thoát hàng khối lượng lớn như vậy ngay trong đợt một đã báo hiệu một “điềm” xấu. Rõ ràng nhà đầu tư đang nhăm nhăm bán ra khi VCB tăng trần liên tục được 3 phiên.

Kịch bản này đã lặp lại rất nhiều lần ở rất nhiều mã. TNC, FPT, BMC là những ví dụ chưa lâu. Sẽ là rất hiếm khi một cổ phiếu đi ngược dòng thị trường trong bối cảnh này, nhất là khi thanh khoản đủ tốt, khối lượng lưu hành nhiều.

VCB hỗn chiến quanh giá trần đến đúng 8h48 phút. Các lệnh bán lớn bay ra ồ ạt giải quyết nhanh gọn số chặn mua trần hiện có. Tính cả phiên thì lượng khớp giá 32.400 đồng của VCB đạt hơn 963.000 đơn vị, trong đó bên bán chạy được gần 894.000 đơn vị ở giá trần khi khớp thẳng vào dư mua.

Khối  ngoại là đối tượng tranh mua khá mạnh ở giá trần. Đợt một, VCB khớp 410.800 đơn vị thì khối ngoại mua được 172.500 đơn vị, một thành tích đua lệnh đáng nể. Tuy nhiên hôm nay người bán mới là đối tượng cầm trịch ở VCB. Khối lượng cổ phiếu chờ bán lớn đến mức ngay sau khi có tín hiệu đánh úp ở giá trần, bên bán đã hạ gia liên tục cực nhanh và VCB rớt ngay xuống tham chiếu chỉ sau hơn 10 phút.

Tổng khớp của VCB hôm nay đạt 2,25 triệu đơn vị, kỷ lục kể từ phiên “lăn chốt” ngày 17/12/2010, sau khi VCB điều chỉnh giá. Khó có thể coi hôm nay là một phiên rung lắc vì bên bán ra hàng rất quyết liệt và bên mua chống đỡ khá yếu. Về cuối phiên, VCB cũng được đẩy lên tương đối tốt.

Đà hồi về cuối ngày của VCB sẽ phần nào giúp nhà đầu tư đua mua giá trần bớt lo lắng. VCB có thể là một cổ phiếu tốt cho đầu tư, là đích ngắm của quỹ lớn, hay có tin đồn bán cho cổ đông chiến lược theo giá thị trường… Tuy nhiên, lý do gì cũng cần có thực lực, tức là tiền mua đủ lớn để kéo giá vượt qua vùng cản.

Lượng vốn bị hút vào VCB hôm nay là lớn và liệu có còn đủ sức duy trì đà tăng bền nữa hay không? Thường sau phiên xả hàng như vậy, dư lực của bên mua và sự thoát hàng nhẹ nhàng của bên bán sẽ giúp cổ phiếu dao động tăng thêm vài phiên nữa. Tuy nhiên những bài học trong quá khứ đều cho thấy khả năng đi xa là rất thấp, nhất là khi dòng vốn chung trên thị trường đang yếu.

Tác động của VCB có tuy không hẳn là nguyên nhân trực tiếp của hoạt động bán tháo hôm nay, nhưng rất có thể là yếu tố kích thích cho tâm lý lo sợ lan ra nhanh hơn. Từ sau 9h, VN-Index rớt thẳng một lèo trong vòng 30 phút, tương đương mất thêm gần 7 điểm. Đáy của chỉ số ghi nhận lúc 9h28 phút với mức giảm 12,86 điểm.

Hôm nay có thể là một phiên “wash-out” trên phương diện giá, nhưng chưa hẳn là trên phương diện khối lượng. Một phần nguyên nhân là người bán chạy sàn còn ít và người mua khá nhanh nhảu vào bắt đáy. Lúc đỉnh điểm, HSX cũng chỉ có 33 cổ phiếu rơi sàn và HNX là 40 mã. Sau 30 phút chạy loạn đầu đợt hai, người bán đã trở nên bình tĩnh hơn và người mua cũng đẩy mạnh hoạt động bắt đáy.
Trong 40 mã vốn hóa lớn nhất HSX, 28 mã xuất hiện lực cầu bắt đáy đủ mạnh để đẩy giá thoát khỏi mức thấp nhất trong ngày. Độ dao động tích cực nhất xuất hiện tại PVF khi giá đóng cửa cao hơn giá thấp nhất tới 6,67%; DIG:5,26%; SBS: 5,1%; KBC: 4,17%; PPC: 3,53%… Nhóm vốn hóa trung bình có HLG (8,33%), VCF (8,2%). Cũng có một số cổ phiếu dao động rất lớn nhưng thanh khoản khó đảm bảo độ bền cho biến động giá đó như NHW, LIX.

Nỗ lực bắt đáy tương đối mạnh hôm nay là nguyên nhân của đợt phục hồi kéo dài trong phần lớn thời gian còn lại của phiên. Mặc dù chỉ số đi ngang và dốc dần lên, nhưng không phải cổ phiếu nào cũng có mức phục hồi tương ứng. Thậm chí độ rộng càng về cuối ngày càng xấu đi. Chẳng hạn, tại thời điểm 9h17 phút, HSX có 28 cổ phiếu sàn, 123 mã giảm giá. Đến 10h tương quan này tăng lên thành 33 mã sàn, 141 mã giảm giá. Đến trước lúc bước vào đợt khớp định kỳ đóng cửa, HSX vẫn còn 31 mã sàn, 127 mã giảm giá. Đóng cửa, số mã giảm sàn tăng lên con số 45.

Nguyên nhân là do nhóm blue-chip được bắt đáy mạnh hơn và phục hồi tốt hơn. Đây cũng là lực đẩy chủ yếu cho VN-Index. Mức đóng cửa của các cổ phiếu thuộc nhóm 40 mã vốn hóa lớn nhất có giá đóng cửa cao hơn giá thấp nhất 1,42%, tức là nỗ lực phục hồi bình quân cho đến lúc đóng cửa là 1,42% so với đáy. Trong khi đó nhóm vốn hóa vừa và nhỏ lại giảm mạnh hơn về cuối ngày khiến độ rộng của thị trường trở nên tiêu cực, trong khi chỉ số lại có biểu hiện tốt.

Thanh khoản của HSX tăng 18% về giá trị nhưng tăng tới 22% về khối lượng khớp lệnh. Nếu tính riêng cổ phiếu, khớp lệnh tăng 23%. Về khối lượng tổng thể, mức tăng như vậy là tương đối cao. Tuy nhiên cũng cần chú ý sự gia tăng đột biến về thanh khoản lại tập trung ở một số ít mã. Chẳng hạn riêng 3 cổ phiếu thanh khoản lớn nhất HSX là VCB, STB, SSI đã chiếm gần 24% khối lượng khớp lệnh cổ phiếu của cả sàn.

Mặc dù lực cầu bắt đáy chưa thực sự mạnh, nhưng chí ít đã cân bằng tốt với áp lực bán ở các mức giá thấp. Việc nâng giá mua cũng tạo nên đợt phục hồi nhẹ, nhưng còn bó hẹp ở một số cổ phiếu. Còn lại hầu như cầu chỉ chặn quanh vùng giá thấp để chờ người bán hạ giá tiếp.

Áp lực bán hôm nay xuất phát từ ảnh hưởng của tin xấu hay đổ vỡ tâm lý vẫn là điều khó đoán. Thậm chí cũng không loại trừ hoạt động bán cưỡng bức để tránh cháy tài khoản (margin-call). Áp lực bán có thể chia làm hai đợt khá rõ. Đợt một là sự tháo chạy khá loạn trong 30 phút đầu tiên. Người bán bất chấp giá, cứ thấy cầu là thoát hàng. Chỉ số giảm nhanh phản ánh tính chất dứt khoát này.

Đợt bán thứ hai diễn ra khi thị trường có sự phục hồi nhất định. Người bán hoảng đã thoát hết hàng trước đó. Người bán lúc này tỏ ra bình tĩnh, chọn giá hơn là cắt ồ ạt. Cung giá cao tạo lực cản cho hầu hết các mã, dù nỗ lực đẩy lên là khá mạnh. Chỉ số đi ngang một cách từ tốn và thanh khoản tăng chậm.

Khối ngoại hôm nay là một nhân tố khiến thị trường giảm điểm sâu. HAG, SJS, STB và cả BVH bị xả ào ạt. Việc mua vào khối lượng lớn VCB, CII cũng không bù lại được là bao. Tính chung vốn ngoại mua ròng tại HSX chỉ có 10 tỷ đồng. Riêng trong nhóm 40 mã vốn hóa lớn nhất, lượng vốn vào ròng chưa đến 1,5 tỷ đồng. Có vẻ khối ngoại cũng chấp nhận cắt lỗ ở khá nhiều cổ phiếu.

 

Comments are closed.