Cổ đông nhỏ cần được bảo vệ

18/05/2011 // No Comment // Categories: Thị trường chứng khoán.

Các cơ quan quản lý, các nhà làm luật cần phải có động thái và hành động để bảo vệ các cổ đông nhỏ trước việc nhiều DN hiện nay đang vi phạm lợi ích của cổ đông.

Hiện có nhiều doanh nghiệp niêm yết tìm các cách lách luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ như việc quy định “Các phiếu lấy ý kiến không gửi về công ty hoặc gửi về sau thời hạn đã định trong phiếu xin ý kiến được coi như đồng ý với nội dung xin ý kiến bằng văn bản” trong việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản. Đã đến lúc, các cơ quan quản lý, các nhà làm luật cần phải có động thái và hành động để bảo vệ các cổ đông, NĐT nhỏ.

Thứ nhất: Cần có cơ chế giám sát việc tuân thủ Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các văn bản dưới luật của các CTCP đại chúng. Cụ thể, các cơ quan chức năng phải phân cấp uỷ quyền cho các Sở GDCK quyền bác bỏ các văn bản vi phạm tới quyền hợp pháp của cổ đông do các doanh nghiệp niêm yết chuyển tới.

Ví dụ: bác bỏ kết quả bầu HĐQT nếu số thành viên HĐQT độc lập không điều hành không lớn hơn 1/3 tổng số thành viên HĐQT; bác bỏ các quy định kiểu như “nếu không trả lời coi như đồng ý”; bác bỏ các uỷ quyền không có nội dung cụ thể kiểu như “uỷ quyền cho HĐQT thực hiện các vấn đề thuộc quyền của ĐHĐCĐ” hoặc thông qua các dự án đầu tư khi mà dự án chưa được lập rồi uỷ quyền cho HĐQT tất cả; bác bỏ các nghị quyết ĐHCĐ có vi phạm về trình tự biểu quyết như tính cả các số phiếu biểu quyết của các thành viên HĐQT khi biểu quyết các vấn đề liên quan đến họ như thù lao và thưởng cho các thành viên HĐQT. Hiệu lực của các nghị quyết ĐHCĐ chỉ còn đến ngày tổ chức ĐHCĐ kế tiếp vì đến ngày đó các cổ đông đã thông qua nghị quyết trước có thể đã không còn là cổ đông của CTCP này nữa rồi. Việc các Sở GDCK cho đăng tải các văn bản có sai phạm trên đồng nghĩa với việc thừa nhận chúng.

Thứ hai: Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần tự bảo vệ chính mình bằng cách hợp sức lại. Việc này có cái khó là họ không biết địa chỉ của nhau. Điều này tôi đã có đề xuất từ các năm trước là nên quy định Các CTCK là người nhận các tài liệu triệu tập ĐHCĐ sau đó nhân bản và chuyển cho từng cổ đông của CTCP. Qua đó các CTCK có thể nhận sự uỷ quyền của khách hàng tham dự ĐHCĐ phát biểu các ý kiến của cổ đông và về truyền đạt lại cho cổ đông diễn biến của ĐHCĐ.

Thứ ba: Tăng quyền phủ quyết của các cổ đông nhỏ lẻ theo hướng mà Dự thảo thông tư hướng dẫn về Quy chế quản trị DN đã nêu. Cụ thể là các vấn đề lớn mà Luật DN yêu cầu có trên 75% số phiếu thông qua thì còn phải được trên 50% số phiếu biểu quyết của cổ đông nhỏ lẻ thông qua. Cổ đông lớn thường là đại diện cho vốn nhà nước (vốn của toàn dân), vì không phải là mồ hôi nước mắt của họ nên họ làm đại khái qua loa miễn là họ có lợi. Họ là số ít nhưng lại có quyền biểu quyết lớn. Vì vậy, nên chăng đối với các CTCP niêm yết thì xoá bỏ cơ chế đối vốn thay bằng cơ chế đối nhân. Có như vậy thì mục tiêu xã hội hoá giám sát hoạt động của các DN nhà nước cổ phần hoá mới đi vào cuộc sống.(Nguồn: ĐTCK, 18/5)

Comments are closed.