Hy Lạp: Một Lehman Brothers mới?

21/06/2011 // No Comment // Categories: Tin thế giới.

Nếu Hy Lạp vỡ nợ, nó sẽ tạo ra hiệu ứng vỡ nợ dây chuyền và một sự kiện Lehman Brothers của châu Âu là điều có thể nghĩ tới.

Các nhà buôn trái phiếu và quan chức tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã không thống nhất về lời cảnh báo rằng, không tái cấu trúc nợ của Hy Lạp sẽ tạo ra sự hoảng loạn đối với nhà đầu tư, tương tự như đã xảy ra sau sự sụp đổ của Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers trước đây.

Một số người khác thì cho rằng, khoản nợ của Hy Lạp trị giá 330 tỷ Euro (473 tỷ USD), mặc dù là quá lớn đối với nước này, nhưng vẫn là đủ nhỏ để chỉ khiến các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác bị lỗ, chứ không gây ra sự sụp đổ dây chuyền.

Những so sánh giữa Hy Lạp và Lehman Brothers đang tăng lên trong tuần qua, khi các thị trường tài chính phản ứng tiêu cực đối với quan điểm của Đức là các nhà đầu tư tư nhân sẽ tham gia vào gói cứu trợ thứ 2 đối với Hy Lạp, thay vì chỉ ECB.

“Đó là một sự lo lắng có cơ sở. Chúng ta sẽ có vỡ nợ quốc gia và đó là một cú sốc, không chỉ đối với các nước không bị ảnh hưởng lớn, mà còn là Tây Ban Nha và hơn thế”, David Riley, Trưởng nhóm đánh giá tín nhiệm quốc gia tại Fitch nói.

Dòng suy nghĩ được nhận định có diễn biến như sau: mặc dù các ngân hàng và nhà đầu tư đã cố gắng giảm “khoản nợ Hy Lạp” trong năm ngoái, nhưng nếu buộc phải chấp nhận một khoản lỗ, làn sóng bán tháo tài sản sẽ diễn ra ào ạt trong trường hợp các tổ chức tín nhiệm tuyên bố Hy Lạp vỡ nợ.

Nhà đầu tư không chỉ bán tháo các tài sản như trái phiếu của các nước đang đối mặt với vấn đề nợ như Bồ Đào Nha, Ireland, Tây Ban Nha hay Italy, mà họ sẽ bán mọi thứ có thể, từ trái phiếu doanh nghiệp tốt cho tới cổ phiếu Mỹ và thị trường mới nổi để nhanh chóng nắm giữ lượng tiền mặt lớn trong tay, như họ đã từng làm trong năm 2008 sau khi Lehman Brothers sụp đổ.

Trong quá khứ, hệ thống tài chính toàn cầu đã “cứu” những vụ vỡ nợ quốc gia như tại Nga năm 1998 hay Argentina năm 2001. Thực tế, khi “bóng ma” vỡ nợ Hy Lạp đã lờ mờ từ rất lâu, nhiều tổ chức tài chính đã kịp giảm nắm giữ nợ Hy Lạp. Nhưng chính điều này lại vô tình chuyển sức ép lên Hy Lạp và các nền kinh tế gặp vấn đề khác ở châu Âu.

Theo Fitch, tính tới tháng 2/2011, 44,3% các quỹ đầu cơ tiền ở Mỹ “dính” tới các khoản nợ ngắn hạn của ngân hàng châu Âu, điều này sẽ khiến rủi ro hoảng loạn kiểu Lehman Brothers là có thực. Có ý kiến cho rằng, ngân hàng châu Âu, không phải ngân hàng ở Mỹ, sẽ “gặp nạn” nếu Hy Lạp vỡ nợ, nhưng thực tế là các ngân hàng Mỹ và công ty bảo hiểm sẽ “lãnh đủ” nếu Hy Lạp vỡ nợ.

Thông thường, các nhà tín dụng cho vay trực tiếp sẽ gánh 70% khoản lỗ, còn công ty bảo hiểm gánh 30%. Với nhiều nhà đầu tư, câu hỏi bây giờ là khi nào (không phải là nếu) Hy Lạp vỡ nợ và họ đã chuẩn bị cho kịch bản hoảng sợ kiểu Lehman Brother mà họ tin là sẽ xảy ra sau đó.

“Đó không phải là chỉ Hy Lạp. Đó là hiệu ứng dây chuyền (domino effect) đối với Tây Ban Nha và Italy”, Steffen Gruschka thuộc SG Alpha, một quỹ đầu tư mạo hiểm tại thị trường châu Âu mới nổi nói.

Việc chỉ số chứng khoán Mỹ Dow Jones rớt xuống dưới ngưỡng 12.000 điểm lần đầu tiên trong 3 tháng qua cho thấy, ông Gruschka không phải là người duy nhất tin như vậy.

Theo Quỹ EPFR, các nhà đầu tư tiếp tục rút tiền khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán Mỹ và mới nổi và chuyển tiền vào các quỹ trái phiếu ít rủi ro hơn.

Khi Lehman Brothers sụp đổ tháng 8/2008, nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu, trái phiếu. Tín dụng bị đóng băng, ngân hàng gặp khó khăn, thậm chí phá sản. Thương mại suy giảm, suy thoái xảy ra, thất nghiệp lan tràn, đánh dấu sự bắt đầu của cuộc khủng hoảng tài chính được coi là nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại suy thoái năm 1930.

Ba năm sau vụ Lehman Brothers, người ta bắt đầu nói tới Hy Lạp, một đất nước, không phải một tổ chức tài chính, có thể gặp tình trạng tương tự. Những nhà buôn trái phiếu “dính” vào nợ Hy Lạp sẽ phải bán tháo tài sản khác như Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, thậm chí cả Anh, Nhật Bản và Mỹ để trang trải “gánh nặng” nợ Hy Lạp.

Standard & Poor’s vừa hạ tín nhiệm của Hy Lạp xuống mức thấp mà không nước nào, kể cả Pakistan và Granada, bị xếp hạng tại đó, một tín hiệu cho thấy khả năng vỡ nợ của Hy Lạp đang đến gần.

Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là ở phía trước và vụ Lehman Brothers sẽ là một bài học lớn để châu Âu không muốn xảy ra tại lục địa này.

Theo DTCK

Comments are closed.