Trung Quốc bành trường tại châu Phi

09/02/2011 // No Comment // Categories: Tin khu vực.

1 thập kỷ trước, chưa đến 100 nghìn người Trung Quốc sống và làm việc tại châu Phi, con số này nay đã tăng gấp 10 lần lên tới 1 triệu.

Một triệu người Trung Quốc, từ các kỹ sư cho đến đầu bếp, đã chuyển đến châu Phi trong thập kỷ qua. Sự bùng nổ thương mại đã thay đổi cuộc sống của họ như thế nào?

Tháng 12/1999, anh Zhang Hao, một người trẻ Trung Quốc 24 tuổi, đã bỏ lại thành phố lạnh giá quê hương anh để đến Uganda. Anh đã hết sức lo lắng. Anh không nói được một câu tiếng Anh. Việc anh đến đây bắt nguồn từ mong muốn của cha anh, người đã làm việc tại Uganda vài năm trước khi hoàn thành dự án của chính phủ Trung Quốc.

Cha anh nói với con trai: “Nếu con muốn khởi đầu cái gì đó và trở thành ông chủ, châu Phi sẽ biến giấc mơ thành hiện thực.”

Zhang bỏ dở chương trình đại học để đến Uganda và anh cũng không cần đến bằng cấp nào để phát hiện ra cơ hội kiếm tiền dễ dàng ngay khi anh đến thủ đô Kampala của Uganda: những hàng hóa dù ngập tràn thị trường Trung Quốc nhưng tại Uganda rất đắt hoặc không hề được bày bán. Anh khởi nghiệp bằng việc nhập khẩu giầy, sau đó đến cặp sách và cuối cùng đến xa đạp, dụng cụ làm móng.

Anh Zhang nói: “Tôi nhập khẩu mọi thứ. Ở thời điểm đó, họ cần tất cả.”

Công việc kinh doanh của anh tăng trưởng mạnh, anh kiếm được nhiều tiền và có thêm nhiều bạn bè. Tuy nhiên chỉ sau vài năm, anh mệt mỏi với những chuyến đi dài giữa Uganda và Trung Quốc. Vì thế vợ chồng anh mua khu đất lớn tại Kampala và xây nhà hàng phục vụ món Trung – Hàn. Nhà hàng của anh có khu vực ăn tối, phòng karaoke và khu phục vụ tiệc tối cho 500 khách.

Công việc kinh doanh hết sức phát đạt, sau đó anh kinh doanh thêm bánh ngọt và tivi màn hình phẳng, dịch vụ an ninh.

Anh nói: “Người Trung Quốc không suy nghĩ quá nhiều, họ chỉ cố gắng mà không cần tìm hiểu quá sâu về thị trường. Nếu không cơ hội sẽ vuột mất.”

Ở mỗi địa điểm kinh doanh mới, Zhang đều xây phòng cho gia đình và thường sống tại nơi làm việc.

Nỗ lực của anh được đền đáp. Zhang cho biết hiện nay anh là ông chủ Trung Quốc có công việc kinh doanh quy mô lớn nhất Uganda với khoảng 1.200 lao động địa phương. Anh đã được đề nghị nhận hộ chiếu Uganda tuy nhiên từ chối bởi không muốn mang tên tiếng Anh.

Anh nói: “Tôi là người Trung Quốc và tôi muốn xây dựng thương hiệu Trung Quốc tại Uganda để cho người ta thấy đất nước Trung Quốc đã khác xưa. Chúng tôi giàu có hơn và đang vươn đến mọi nơi trên thế giới.”

Người Uganda cũng không cần người khác phải nhắc họ biết điều đó. Khi anh Zhang đến đây vào năm 1999, chỉ có vài trăm người Trung Quốc tại Uganda kể cả nhân viên ngoại giao. Hiện nay con số này đã lên tới 7.000, từ nhũng người kinh doanh lớn tại quận trung tâm cho đến kỹ sư xây dựng hay giám đốc điều hành công ty năng lượng, những thực khách thường xuyên trong chuỗi nhà hàng của Zhang.

Câu chuyện tương tự diễn ra trên khắp châu Phi. 1 thập kỷ trước, chưa đến 100 nghìn người Trung Quốc sống và làm việc tại châu Phi, con số này nay đã lên tới 1 triệu.

Vào thời nhà Minh cách đây gần 600 năm, người Trung Quốc đầu tiên đến châu Phi. Các đợt đổ bộ lớn của người Trung Quốc vào châu Phi diễn ra vào đầu thập niên 1900 khi đó 60 nghìn công nhân mỏ của Trung Quốc đến làm việc tại mỏ vàng ở Nam Phi.

Nửa thế kỷ sau, cựu chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Mao Trạch Đông, gửi hàng chục nghìn lao động nông nghiệp và xây dựng sang châu Phi để củng cố quan hệ với nhóm nước này.

Các cuộc di dân từ Trung Quốc sang Ai Cập thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh bắt nguồn từ lý do kinh tế hơn chính trị. Thương mại Trung Quốc – châu Phi tăng trưởng từ mức 6 tỷ USD vào năm 1999 lên hơn 90 tỷ USD tương đương 56 tỷ bảng vào năm 2009, cân bằng giữa nhập và xuất khẩu.

Tài nguyên của châu Phi như dầu, sắt, platinum, đồng và gỗ được chuyển về nhà máy của Trung Quốc còn thành phẩm sản xuất ra được bán tại nhiều thị trường khác, trong đó có cả châu Phi.

Năm 2010, thương mại 2 chiều Trung Quốc – châu Phi ước đạt 100 tỷ USD. Việc chính phủ Trung Quốc tham gia vào điều hành hoạt động thương mại đóng vai trò thiết yếu. Mỗi năm, chính phủ Trung Quốc cung cấp hàng tỷ USD dưới hình thức các khoản trợ cấp, khoản vay để đổi lại nguồn cung nguyên liệu thô hoặc dự án hạ tầng có lợi cho các công ty Trung Quốc.

Năm 2010, Trung Quốc đã thay Anh để trở thành nước cung cấp nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất cho Uganda.

Theo Cafef

Comments are closed.