WonderBuy: Lỗ chưa hết vốn điều lệ làm sao phá sản?

28/06/2011 // No Comment // Categories: Doanh nghiệp.

Có nhiều ý kiến cho rằng, con số lỗ 52 tỉ đồng sau một năm kinh doanh mà ông Phan Thanh Hà, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc WonderBuy công bố, chẳng thấm vào đâu so với số vốn điều lệ là 200 tỉ đồng. “Liệu WonderBuy có còn những gì uẩn khúc hay là họ lừa đảo khách hàng và những chủ nợ khi tuyên bố phá sản?”, một chủ nợ đặt vấn đề.

Chưa nộp đủ vốn điều lệ

Theo hồ sơ hoạt động ban đầu, vốn điều lệ của WonderBuy là 200 tỉ đồng do ba cổ đông chính là ông Lưu Đức Khánh (90% số vốn), ông Phan Thanh Hà (5%) và bà Đoàn Thị Ngọc Châu (5%) thành lập. Ngày 30.12.2010, ông Lưu Đức Khánh chuyển phần góp vốn trên cho ông Phan Thanh Hà, như vậy, ông Hà trở thành cổ đông lớn với 94,9%, bà Châu vẫn giữ 5%, còn cổ đông mới là ông Phạm Hùng Thịnh với 0,1%.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà xác nhận vốn điều lệ 200 tỉ đồng là con số đã được đăng ký trong hồ sơ gởi các cơ quan chức năng khi thành lập doanh nghiệp. “Nguồn vốn điều lệ trên được góp trong vòng ba năm. Bình quân mỗi năm là 70 tỉ đồng gắn liền với mục tiêu là xây dựng một trung tâm mới. Trong năm đầu tiên, các cổ đông đã góp được 62 tỉ đồng đi cùng với việc xây dựng trung tâm kinh doanh bán lẻ đầu tiên của WonderBuy tại 27 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP.HCM. Nhưng sau một năm thành lập, cổ đông lớn nhất là ông Khánh rút vốn, cộng vào đó tình hình kinh doanh khó khăn nên các cổ đông còn lại không thể gánh nổi nguồn tài chính. Nếu tiếp tục kinh doanh, WonderBuy sẽ còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, chúng tôi tuyên bố phá sản và xin phục hồi kinh doanh, đây cũng là giải pháp kinh doanh được luật pháp cho phép”, ông Hà giải thích. Cũng theo ông Hà, công ty đã nộp hồ sơ xin phá sản ra toà nhưng đồng ý hay không là quyền của toà.

Vậy câu hỏi đặt ra, số vốn điều lệ mà cổ đông chưa góp đủ, còn 138 tỉ đồng, có được xem là “số nợ” mà các cổ đông còn nợ công ty. Nếu góp vốn điều lệ chưa đủ mà tuyên bố phá sản, liệu có được luật pháp cho phép hay không hay đây là chiêu “hoãn binh” để ông Hà có thời gian tìm ra nhà đầu tư tiếp tục nuôi thương hiệu này?

Không sao!

Một thẩm phán chuyên xét xử lĩnh vực kinh tế, giải thích, ngoại trừ một số ngành nghề kinh doanh thuộc lĩnh vực tín dụng như: ngân hàng, cho thuê tài chính… luật Doanh nghiệp mới buộc phải đăng ký vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp (mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật), còn lại không bắt buộc. Còn vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ công ty khi thành lập. Đối chiếu với trường hợp WonderBuy, việc đăng ký góp vốn được các cổ đông thoả thuận trong vòng ba năm, tính đến nay, khi nộp đơn yêu cầu phá sản, lộ trình góp vốn mới chỉ thực hiện được khoảng 1/3 quãng đường. Ông chủ tịch HĐQT đã xác nhận sau một năm hoạt động, phần vốn góp đã được 62 tỉ. Theo luật Doanh nghiệp, các cổ đông sáng lập WonderBuy buộc phải góp ít nhất 20% so với vốn điều lệ (40 tỉ đồng), vậy WonderBuy đã vượt mức tối thiểu theo luật (40/62 tỉ), tức không có vi phạm ở phần góp vốn. Vậy, vốn điều lệ (cũng có thể gọi là vốn lý thuyết) không nhất thiết phải có đủ ngay khi WonderBuy thành lập. Với mô hình là công ty cổ phần, WonderBuy có thể huy động vốn bằng cách chào bán cổ phần (phát hành cổ phiếu) ra ngoài và chỉ đạt mức theo đăng ký sau một thời gian. Cũng có thể sau ba năm, WonderBuy sẽ có số vốn lớn hơn hoặc nhỏ hơn 200 tỉ, khi đó Wonderbuy sẽ đăng bố cáo điều chỉnh lại vốn (tăng hoặc giảm).

Cũng theo thẩm phán này, luật Phá sản 2005 định nghĩa “Doanh nghiệp không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”, do đó, căn cứ xem xét WonderBuy có “lâm vào tình trạng phá sản” hay không là việc toà sẽ đối chiếu, cân đối các khoản nợ và phần vốn hiện có của WonderBuy tại thời điểm nộp yêu cầu phá sản. Nếu vốn hiện có không đủ thanh toán nợ đến hạn, WonderBuy sẽ được toà tuyên bố phá sản, ngược lại, WonderBuy vẫn phải hoạt động bình thường. Thành thử yếu tố “vốn điều lệ 200 tỉ, mới nợ ngoài 50 tỉ” không liên quan gì đến việc WonderBuy có được phá sản theo luật hay không. Nói cách khác, phần vốn mà các ông chủ WonderBuy sắp huy động (cho đủ 200 tỉ) trong hai năm tới không thể coi là vốn hiện có của WonderBuy khi giải quyết thủ tục phá sản.

Giả sử, nếu có những khuất tất hoặc dấu hiệu hình sự trong vụ WonderBuy yêu cầu phá sản, theo như những nghi ngại của một số chủ nợ, trong tiến trình xem xét hồ sơ WonderBuy, toà án sẽ có đủ thẩm quyền chuyển vụ việc sang viện kiểm sát đề nghị khởi tố vụ án. Tất nhiên, vụ WonderBuy khi đó sẽ rẽ sang một hướng khác.(Nguồn: SGTT, 28/6)

Comments are closed.