Nhiều dự án hạ tầng dồn dập nhận được vốn đầu tư

29/06/2011 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Tuy nhiên, chính sự tích cực có phần thái quá khiến việc đầu tư vào các công trình hạ tầng giao thông đang trở thành một hiện tượng lạ.

Với tổng mức đầu tư lên tới 59.000 tỷ đồng, dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn Ninh Bình – Thanh Hóa, và Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh) trở nên nóng nhất hiện nay.

Chỉ tính từ tháng 3/2011 đến giữa tháng 6/2011, Bộ GTVT đã nhận được đơn đề xuất đầu tư của 5 nhà đầu tư và liên doanh đầu tư, trong đó có một số doanh nghiệp nước ngoài lớn như: Keangnam Vina, Posco (Hàn Quốc); Quỹ Đầu tư châu Á (Trung Quốc)… vào 2 dự án đường bộ cao tốc này.

Phía Việt Nam cũng có 3 nhà đầu tư độc lập là công ty Xây dựng Xuân Trường và công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Xuân Thành (Tập đoàn Mai Linh).

Dự án đường cao tốc La Sơn – Túy Loan, tuyến đường cao tốc từng được cho là kém sức hấp dẫn cũng đã được Liên doanh 7 nhà đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc do Tập đoàn Shinhan E &C đứng đầu xin đầu tư dưới hình thức BOT.

Ngoài ra, dự án đầu tư 2 bến giai đoạn khởi động, cảng Lạch Huyện có chi phí 330 triệu USD được đầu tư theo hình thức PPP nhiều khả năng sẽ ký kết trong quý III/2011.

Hiện phía Nhật Bản đang chờ ý kiến của phía Việt Nam về việc có chấp thuận cơ chế cam kết mua lại trong trường hợp Dự án thua lỗ để quyết định ký trao đổi công hàm và hiệp định vay vốn.

Trong lĩnh vực hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cũng đang thẩm định đề xuất đầu tư vào Cảng hàng không Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) của Công ty TNHH Joinus và Tổng công ty Hàng không Hàn Quốc theo hình thức BOT.

Việc các dự án có quy mô lớn nhận được nhiều sự quan tâm là một tín hiệu tốt trong việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông nhằm giảm  tải cho ngân sách nhà nước, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) đánh giá.

Tuy nhiên, chính sự tích cực được thể hiện có phần thái quá như vậy, khiến việc đầu tư vào các công trình hạ tầng giao thông đang trở thành một hiện tượng lạ.

Thứ nhất, tại sao đầu tư vào mạng đường bộ cao tốc nói riêng, đầu tư vào hạ tầng giao thông nói chung bằng hình thức BOT đã được thế giới tổng kết là “nhiều rủi ro, hiệu quả thấp” lại trở nên có một sức hấp dẫn lớn như vậy?

Thứ hai, đâu là tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư BOT các dự án giao thông trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia đấu thầu một dự án BOT?

Thêm vào đó, trong 1 dự án, phần kinh phí tối đa nhà nước có thể tham gia là 30% tổng mức đầu tư và nhà đầu tư cũng phải có phần vốn tự có tối thiểu 15% chi phí đầu tư xây dựng công trình.

“Các dự án đầu tư đường cao tốc và sân bay thường có quy mô vốn rất lớn, việc nhắc lại những yêu cầu nói trên là để giúp nhà đầu tư xem lại năng lực trước khi cân nhắc tham gia vào những bước tiếp theo”, Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT nhắc nhở các nhà đầu tư cân nhắc kỹ khi quyết định.

Theo baodautu

Comments are closed.