“Bom” tin đồn và cạm bẫy

29/06/2011 // No Comment // Categories: Kiến thức đầu tư.

Tin đồn ngày càng được nhào nặn và tung ra đúng thời điểm. Động cơ rất đa dạng, từ việc cạnh tranh không lành mạnh đến đầu cơ, trục lợi hoặc trả thù cá nhân, khiến dư luận hoang mang, doanh nghiệp lao đao… Tại sao sự phi lý vẫn có đất sống?

Kỳ 1: Đủ kiểu tin đồn

Tin đồn thường ăn theo các sự kiện thời sự nóng bỏng, được dư luận đặc biệt chú ý ở nhiều phương diện của đời sống xã hội.

Đầu tháng 6, liên tiếp nhiều tin đồn thất thiệt, “động trời” nhằm vào Tập đoàn tài chính Sacombank.

Hạ bệ doanh nghiệp

Đầu tiên,Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Trần Xuân Huy bị đồn sắp nghỉ việc; sau đó, Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Sacombank (mã cổ phiếu SBS) bị cách chức và đỉnh điểm tin chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) Đặng Hồng Anh bỏ trốn. Trong khi đó, ông Anh đang tham gia thi đấu “Giải golf vô địch Việt Nam” tại Đà Nẵng.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank), cho biết: “Vào sáng 26/5, ngân hàng tá hỏa khi dư luận xôn xao tin đồn SouthernBank bị mất thanh khoản vì nhiều khách hàng lớn rút tiền và tôi bỏ trốn. Thực tế, hôm đó tôi bay từ TP HCM ra Hà Nội để dự đám tang người anh cột chèo. Hôm sau về, tôi đã cho họp ban lãnh đạo để làm rõ vấn đề này”.

Cuối năm 2010, đầu năm 2011, Công ty CP Nhựa và môi trường xanh An Phát với mã cổ phiếu AAA cũng rơi vào tình trạng điêu đứng với tin đồn thao túng giá. Hậu quả, đối tác Nhật Bản từ bỏ ý định mua cổ phiếu AAA, khiến doanh nghiệp thiếu vốn làm ăn…

Đánh bóng!

Bên cạnh những tin đồn bôi nhọ, hạ bệ doanh nghiệp thì có không ít đánh bóng thương hiệu, thu hút khách mua hàng. Với “Quả táo”, trước khi một thiết bị mang tính chiến lược sắp ra đời, Apple thường để lộ thông số, hình ảnh và giá cả để “vô tình” tạo cơn sốt cho người tiêu dùng. Tương tự, đầu tháng 1.2010, khi máy tính bảng sắp ra đời, một số thông tin về kỹ thuật, giá cả, đơn hàng và thời gian bán vào tháng 1 được úp mở tung ra, nhưng sản phẩm mãi cuối tháng 3.2010 mới xuất hiện và giá rẻ hơn, gây hiệu ứng tâm lý cao…

Lợi dụng một số sự kiện đang được nhà đầu tư quan tâm như công bố đối tác chiến lược, thưởng cổ phiếu, công bố dự án mới… nhiều tin đồn đã biết “nương” theo hưởng lợi. Điển hình, cổ phiếu Công ty Cao su Sao Vàng (Mã SRC, sàn HoSSE) thời điểm cuối tháng 11/2010, giá chỉ ở mức 16.000 đồng. Lợi nhuận quý 3/2010 của công ty giảm hơn 85% so với cùng kỳ do giá nguyên liệu đầu vào cao. Thế nhưng, SRC vẫn tăng từ 16.000 đồng lên 35.000 đồng, tính đến giữa tháng 1.2011. Nguyên nhân bắt nguồn từ tin đồn 6,2 ha đất của công ty sẽ được chuyển đổi chức năng triển khai dự án bất động sản. Thậm chí, một công ty chứng khoán trong một bản tin hàng ngày gửi khách hàng còn xác nhận sự thật này, nhưng cuối cùng, lại sai bét.

Thạc sĩ Nguyễn Hoài Phương, Giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân, nói: “Tin đồn cũng là một trong những hình thức quảng cáo sản phẩm, thuộc dạng quảng cáo truyền miệng (Word-of-Mouth Advertising). Về hình thức quảng cáo này, phải kể đến nghệ thuật phát tán tin đồn của Apple, hay một số chiêu quảng cáo của các thương hiệu hàng đa cấp như Armway.

Gây xáo trộn xã hội

Mang tính quy luật, tin đồn thường ăn theo các sự kiện thời sự nóng bỏng, được dư luận đặc biệt chú ý ở nhiều phương diện của đời sống xã hội. Khi Nhật Bản xảy ra thảm họa kép, hàng loạt tin đồn ăn theo làm cả châu Á lao đao, như: mưa axit, mây phóng xạ… Tại Việt Nam, vào cuối tháng 4, sau khi “rộ” tin đồn nước biển nhiễm phóng xạ, người dân ven biển miền Trung đã chen nhau đến các siêu thị, cửa hàng tạp hóa… để mua muối.

Tin đồn tăng giá xăng cách đây 2 tháng cũng khiến người dân ở Nghệ An, Hà Nam, Hà Nội đổ xô đi mua, làm các trạm đổ xăng trở nên hỗn loạn và quá tải. Ngay lập tức, lãnh đạo Bộ Công thương đã khẳng định, đây chỉ là tin đồn thất thiệt. “Hồi đó giá cả liên tục thiết lập mặt bằng mới, xăng cũng tăng hai lần. Do vậy, cứ nghe thấy cái gì lên là người dân vội lao theo. Chen nhau bẹp ruột, tôi mua được 20 lít xăng tích trữ, nhưng ai ngờ tin vịt”, chị Huyền (ở khu Tập thể Bắc Nghĩa Tân) kể.

Đây không phải là lần đầu những tin đồn kiểu này gây xáo trộn. Vào tháng 5, tại Quảng Bình, thông tin ăn dưa chuột, dưa hấu tử vong ngay tại chỗ, khiến người dân sợ, không dám mua; người trồng bỗng khốn đốn, giá tại vườn giảm còn 2.000 – 2.500 đồng một kg. Hồi tháng 4, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xuất hiện tin ăn cá rô đầu vuông bị ung thư, làm người nuôi bán lỗ nặng. Trước đó, tháng 8.2010, rộ lên tin đồn ăn bưởi bị ung thư và chỉ hơn một tháng, nông dân trồng bưởi ở Tiền Giang bị thiệt hại hơn 100 tỷ đồng…

“Dưa hấu, bưởi, cá rô đều đã được minh oan, nhưng rõ là gây thiệt hại nặng nề cho nông dân, doanh nghiệp và tạo tâm lý hoang mang trong dân chúng. Tại sao tin đồn vẫn tồn tại? Tại sao sự phi lý đó vẫn có đất sống”, chị Huyền bức xúc.(Nguồn: Đất Việt, 29/6)

 

Comments are closed.