ADB: Tăng trưởng GDP năm 2011 của Việt Nam dự kiến đạt 6,1%

28/07/2011 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Theo Báo cáo theo dõi kinh tế Châu Á (Asia Economic Monitor – AEM) của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) số tháng 7 mới được công bố ngày hôm nay (28/7), sau khi có sự hồi phục mạnh vào năm 2010, tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế Đông Á mới nổi sẽ có tốc độ vừa phải trong năm nay và năm 2012.

Sở dĩ, ADB đưa ra nhận định như vậy vì các chính quyền vẫn phải tiếp tục cuộc chiến với lạm phát, trong khi các nền kinh tế phát triển vẫn đang cố gắng chống đỡ cho sự hồi phục mong manh.

Theo đó, tăng trưởng GDP chung của các nền kinh tế Đông Á mới nổi sẽ đạt 7,9% trong năm 2011 và 7,7% trong năm 2012. Trong năm 2010, tăng trưởng chung đạt 9,3%.

Ông Iwan Azis, Chủ nhiệm Văn phòng hội nhập kinh tế khu vực của ADB cho rằng, “Tăng trưởng đang chậm lại ở hầu hết các nền kinh tế Đông Á mới nổi do các chính quyền rút dần các biện pháp kích thích tài khóa và thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát đang tăng cao. Điều này đảm bảo để các nền kinh tế lớn như Trung Quốc không rơi vào tình trạng phát triển quá nóng”.

Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc giảm nhẹ xuống còn 9,5% trong Quý II so với tốc độ 9,7% hồi Quý I. Thời gian tới, với  tình hình tiền tệ thắt chặt dự kiến sẽ khiến cho tăng trưởng ổn định ở mức bền vững hơn là 9,6% cho cả năm 2011 và 9,2% cho năm 2012.

Các nền kinh tế công nghiệp mới phụ thuộc lớn vào thương mại, bao gồm Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan cũng sẽ trở lại mức tăng trưởng có tính bền vững dài hạn hơn do môi trường bên ngoài không thuận lợi khiến cho tăng trưởng xuất khẩu chậm lại.

Ba trong số các nền kinh tế thuộc ASEAN có mức thu nhập trung bình gồm Malaysia, Philippines và Thái Lan sẽ chứng kiến mức tăng trưởng chậm lại do nhu cầu xuất khẩu thu hẹp và chính sách tiền tệ thắt chặt. Indonesia đứng ngoài xu hướng này do nhu cầu trong nước lớn, dự kiến sẽ là động lực để quốc gia này đạt tăng trưởng 6,4% trong năm 2011, cao hơn mức 6,1% năm 2010.

Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam dự kiến sẽ chậm lại do các cơ quan hữu quan áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ và cắt giảm chi tiêu công nhằm kiểm soát lạm phát. Tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ ở mức 5,4% trong quý I và 5,7% trong quý II năm 2011. Tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2011 được dự báo sẽ ở mức 6,1% và năm 2012 kỳ vọng tăng trưởng 6,7%.

Báo cáo của ADB nhấn mạnh nguy cơ về việc lạm phát tăng cao sẽ dẫn đến vòng xoáy lương – giá và có thể làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của khu vực. Các nguy cơ khác đối với triển vọng của khu vực bao gồm sự hồi phục chậm chạp hơn dự kiến của Nhật Bản, vấn đề về nợ của Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro không được giải quyết; thị trường tài chính biến động mạnh hơn và dòng vốn trở nên mất ổn định.

 

Trong bản báo cáo này, ADB đề xuất sử dụng cách tiếp cận thực dụng đối với một loạt các chính sách có thể giúp các chính phủ kiềm chế được các tác động lạm phát do giá cả hàng hóa thay đổi liên tục và đột ngột.  Đồng thời, việc áp dụng tỷ giá hối đoái một cách linh hoạt hơn có thể giúp giảm nhẹ tác động của  việc tăng giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới đối với giá trong nước.

Theo ADB

Comments are closed.