Chủ tịch MPC: Kỳ vọng cổ phiếu MPC giá 40.000 đồng/CP

30/08/2011 // No Comment // Categories: Doanh nghiệp.

Có khách hàng Nhật đang mua hàng của Minh Phú muốn có nguồn cung ổn định, nên đề nghị làm cổ đông lớn của Minh Phú và vào HĐQT của Minh Phú nhưng công ty đã từ chối.

Thẳng thắn và cởi mở, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) đem đến cho nhà đầu tư một bức tranh toàn cảnh về hoạt động cũng như con đường phát triển trong tương lai của Minh Phú. Tin tưởng và an tâm đồng hành cùng doanh nghiệp là cảm giác của người đối thoại khi những thông tin rất cụ thể được sẻ chia.

Nhà máy Minh Phú – Hậu Giang đang vận hành ra sao, thưa ông?

Nhà máy bắt đầu chạy thử từ ngày 10/7/2011, trong tháng 7, sản xuất được 245 tấn tôm thành phẩm. Dự kiến, tháng 8 này, Nhà máy sản xuất được 550 tấn tôm thành phẩm. Do nhà máy được xây dựng theo công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, với quy trình hợp lý, giải quyết được các điểm thắt cổ chai nên đã giảm thiểu được hao hụt nguyên vật liệu và tăng năng suất. Sau hơn 1 tháng chạy thử, hiệu quả của nhà máy Minh Phú Hậu Giang hơn hẳn nhà máy Minh Phú Cà Mau với lợi nhuận tăng thêm từ 5.000-10.000 đồng/kg tôm thành phẩm, đó là tính giá thành gia công chế biến như nhà máy Minh Phú Cà Mau. Còn nếu tính đúng, tính đủ thì lợi nhuận cao hơn do nhà máy Minh Phú Hậu Giang tiết kiệm được trên 40% năng lượng điện, tiết kiệm được nhân công, nguyên vật liệu do có bộ máy tinh gọn, hiệu quả.

So với dự toán ban đầu, nhà máy mới có khó khăn, thuận lợi gì?

Nhà máy mới có thuận lợi về vùng nguyên liệu khi ở gần Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và miền Trung, nên có thể mua giá thấp hơn so với nhà máy Minh Phú Cà Mau từ 1.000-3.000 đồng/kg tôm; Giá thành vận chuyển vật tư bao bì cũng như thành phẩm thấp hơn trên 30% so với Cà Mau. Nhà máy được hưởng chính sách ưu đãi thuế đặc biệt: 4 năm miễn thuế 100%, 9 năm giảm thuế 50% và 15 năm thuế suất 10%. Bên cạnh đó, nhà máy được địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất cho doanh nghiệp.

Tuy vậy, do nhà máy nằm ở vị trí không tập trung dân cư nên việc tuyển dụng công nhân không thuận lợi. Nếu muốn tuyển được nhiều công nhân phải có xe đưa đón công nhân và phải có khu tập thể lớn. Hiện tại, Công ty đã mua 6 xe buýt và sẽ mua thêm 3 xe nữa. Công ty cũng đã xây xong 319 căn nhà tập thể và đang tiếp tục xây 600 căn nữa. Theo kế hoạch, Công ty sẽ xây dựng khu tập thể để có chỗ ở cho 7.000 công nhân.

Tình trạng công nhân “nhảy việc” rất phổ biến, Minh Phú có biện pháp gì để tạo nguồn lao động gắn bó?

Công nhân chế biến thủy sản chỉ cần 2-3 tháng đào tạo là làm tốt và chỉ cần 5 tháng họ đã lành nghề. Hiện do suy thoái kinh tế nên việc tuyển công nhân rất thuận lợi. Chỉ mới hơn 1 tháng hoạt động, Minh Phú đã tuyển được hơn 2.000 công nhân, kế hoạch đến hết 31/12/2011 sẽ tăng lên 7.000 công nhân và hết năm 2012 tăng lên thành 14.000. Ở Minh Phú Hậu Giang, 2 tháng đầu thử việc, công nhân hưởng lương 2,5 triệu đồng/tháng, từ tháng thứ 3 trở đi ăn lương sản phẩm trên 3 triệu đồng/tháng, người làm giỏi có thể đạt 4,5-5,5 triệu đồng/tháng. Để công nhân gắn bó với Minh Phú, chúng tôi chủ trương, lo lương cho họ đủ sống tốt, lo cho họ có chỗ ở ổn định, kế đến phải lo cho con cái họ học hành.

Nhà máy mới hoạt động tác động như thế nào đến kim ngạch xuất khẩu và lợi nhuận của Công ty?

Việc đưa nhà máy vào hoạt động năm nay sẽ tăng thêm 50 triệu USD kim ngạch xuất khẩu cho tập đoàn, song chưa mang lại lợi nhuận vì nhà máy phải trả lãi vay vốn đầu tư. Năm 2012, nhà máy sẽ mang lại thêm cho tập đoàn không dưới 300 triệu USD kim ngạch xuất khẩu và 500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Ngành thủy sản thiếu tôm nguyên liệu có ảnh hưởng gì tới Minh Phú?

Việc thiếu tôm nguyên liệu không xảy ra với Minh Phú. Công ty thường xuyên phải tăng ca. 7 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu của Công ty đạt 13.468,015 tấn, tăng 34,88% so với cùng kỳ năm 2010; giá trị xuất khẩu đạt 162,22 triệu USD, tăng 58,74% so với cùng kỳ đã chứng minh điều đó.

Nhiều nhà đầu tư rất thích khi xem mô hình sản xuất của Minh Phú. Vậy ông có thể cho biết định hướng của Công ty về mô hình sản xuất khép kín này?

Minh Phú thành công là nhờ quản lý, công nghệ và đặc biệt thực hiện quy trình khép kín từ sản xuất con giống đến nuôi tôm thương phẩm, rồi chế biến và xuất khẩu, có cả sản xuất các chế phẩm vi sinh để phục vụ cho sản xuất con giống và nuôi tôm an toàn bền vững. Định hướng của Minh Phú là gia tăng hàm lượng khoa học và công nghệ vào sản phẩm, đồng thời tăng dần diện tích nuôi tôm để năm 2015, Minh Phú tự cung cấp được trên 70% nhu cầu tôm nguyên liệu.

Đọc BCTC của Minh Phú thấy Công ty có số vay nợ cũng rất lớn, với tình hình lãi suất như hiện nay, Minh Phú xử lý vấn đề này thế nào?

Nhìn vào số vay của Minh Phú thì hơi lớn, nhưng với số tiền bỏ vào đầu tư cho 1.200 héc-ta nuôi tôm (trên 600 triệu đồng vốn cố định cho 1 héc-ta nuôi tôm) và trên 1.000 tỷ đồng cho nhà máy Minh Phú Hậu Giang, rồi với doanh số năm nay hơn 400 triệu USD thì số vay đó là nhỏ. Hiện các ngân hàng đều muốn hợp tác với Minh Phú nên doanh nghiệp có nhiều lựa chọn về dịch vụ cũng như lãi suất. Ví dụ, vay VND, Công ty chỉ chấp nhận lãi suất từ 16%/năm trở xuống, còn vay bằng USD thì dưới 6%/năm, thậm chí có ngân hàng chào với lãi suất 3,5%/năm với điều kiện vay tín chấp, Minh Phú cũng chưa duyệt vay.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Công ty. Việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá tôm có ảnh hưởng gì tới hoạt động của MPC ?

Mỹ áp thuế chống phá giá lại là cơ hội cho Minh Phú tăng xuất khẩu vào thị trường này. Hiện Minh Phú chỉ phải đặt cọc tiền thuế hơn 500.000 USD.

Ông có nhận định gì về vụ kiện ngược trở lại Mỹ trong lĩnh vực xuất khẩu tôm của Việt Nam. Diễn tiến mới nhất của vụ việc này đang ở đâu và có tác động gì đến hoạt động của các DN như Minh Phú?

Vụ kiện tôm là một rào cản các doanh nghiệp nhỏ xuất tôm vào Mỹ và đây là cơ hội để giá cả thị trường này tốt hơn, minh bạch hơn. Minh Phú đang cố gắng để rút ra khỏi vụ kiện và hưởng thuế suất bằng 0 vĩnh viễn, cơ hội khoảng 90%.

Ngoài Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU, định hướng về các thị trường xuất khẩu của Minh Phú như thế nào?

Minh Phú sẽ mở rộng thị trường Trung Quốc, Nga và Đông Âu. Để chinh phục được thị trường và chinh phục được khách hàng, điều quan trọng nhất là phải làm sao để khách hàng tin tuyệt đối vào bạn, họ sẽ mua hàng của bạn hết giá, không phải chừa ra hệ số an toàn và hệ số phòng ngừa rủi ro.

Hiện đang là mùa cao điểm xuất khẩu của các DN tôm, diễn biến thị trường và giá cả các đơn hàng so với năm ngoái ra sao, thưa ông?

Tình hình thị trường có diễn biến tương đối tốt, nhu cầu tăng lên, nên giá cũng đang tăng nhẹ.

Năm 2011 đã qua nửa chặng đường, xin ông cho biết khả năng về đích kế hoạch lợi nhuận năm?

Vì phải gánh tiền lãi ngân hàng rất lớn cho khoản đầu tư nhà máy Minh Phú Hậu Giang và cho đầu tư gần 900 héc-ta nuôi tôm mà chưa thu được lợi nhuận theo dự kiến nên kế hoạch lợi nhuận sẽ không như dự kiến. Minh Phú đang cố gắng nhanh chóng đưa các vùng nuôi tôm đã và đang xây dựng vào nuôi được tôm và đưa nhà máy Minh Phú Hậu Giang hoạt động hết công suất để đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Công ty làm ăn rất tốt, nhưng theo thị trường, giá cổ phiếu cũng giảm. Là người nắm giữ nhiều cổ phiếu nhất, ông có bị tác động gì không?

Tôi không quan tâm nhiều đến giá cổ phiếu. Trên thị trường, số lượng cổ phiếu lưu thông rất ít nên giá không phản ánh giá thực của MPC. Tôi đang tìm cách để MPC thanh khoản hơn.

Công ty có dự kiến tạm ứng cổ tức 6 tháng sớm cho các cổ đông không, tỷ lệ là bao nhiêu?

Tôi nghĩ để tiền cho Minh Phú kinh doanh tốt hơn là tạm ứng cổ tức. Còn nếu cổ đông muốn tạm ứng cổ tức thì tôi cũng rất vui lòng.

Một số nhà đầu tư Nhật muốn trở thành đối tác chiến lược của Công ty. Gọi vốn nước ngoài không dễ, vậy Minh Phú có tăng vốn bằng cách phát hành cho nhà đầu tư Nhật?

Các khách hàng Nhật đang mua hàng của Minh Phú muốn có nguồn cung ổn định, nên đề nghị làm cổ đông lớn của Minh Phú và vào HĐQT của Minh Phú. Điều này không tốt cho Minh Phú nên tôi đã từ chối thẳng thừng và cam kết sẽ cung cấp đủ hàng theo nhu cầu của họ. Hai bên đã ký bản giao kết là đối tác chiến lược. Minh Phú cung cấp đủ hàng theo nhu cầu của họ và ngược lại họ ứng vốn cho Minh Phú, hỗ trợ về thị trường và giá cả.

Khi lựa chọn đối tác, Minh Phú cân nhắc điều gì?

Minh Phú chọn đối tác giúp Công ty phát triển mạnh trong ngành tôm của Việt Nam và mở rộng phát triển ra thế giới. Yếu tố giá cả cũng là điều Minh Phú quan tâm.

Liệu với diễn biến hiện nay, Minh Phú có tăng vốn năm 2011 theo kế hoạch đã được cổ đông thông qua?

Với tình hình thị trường chứng khoán như hiện nay và với mức giá kỳ vọng 40.000 đồng/CP thì cũng hơi khó. Nhưng tôi tin, một số nhà đầu tư hiểu và sẵn sàng đầu tư vào Minh Phú với giá từ 40.000 đồng/CP trở lên.

Ông có thông điệp gì muốn chuyển đến các cổ đông và nhà đầu tư thời điểm này?

Đừng nhìn vào giá cổ phiếu mà hãy nhìn vào công việc sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển của Minh Phú.

Theo Anh Việt
ĐTCK

 

 

Comments are closed.