KLS – Cổ đông vẫn đang bị lừa dối?

20/10/2011 // No Comment // Categories: Doanh nghiệp.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm, đa số công ty chứng khoán đều thua lỗ nên khi CTCP Chứng khoán Kim Long (HNX: KLS) công bố có lãi thì nhiều nhà đầu tư đã sớm hoan hỉ mà quên đi những hiện trạng phía sau.

Thực tế báo cáo tài chính cho thấy KLS không mang lại giá trị nào cho các cổ đông góp vốn vào và ban lãnh đạo công ty cũng gần như có mặt chỉ để “ngồi mát ăn bát vàng”…

KLS có kinh doanh ra lợi nhuận?

Báo cáo của KLS công bố kết quả kinh doanh quý 3/2011 đạt 53.69 tỷ đồng lợi nhuận và lũy kế 9 tháng đạt 139,37 tỷ đồng lợi nhuận, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu đạt 688 đồng. Thoạt nhìn đây là những con số khá lý tưởng nếu so với Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) lỗ 17.4 tỷ đồng trong 9 tháng, Chứng khoán Bảo Việt (HNX: BVS) lỗ 67.5 tỷ đồng, Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHS) lỗ 381.9 tỷ đồng…

Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ chi tiết báo cáo mới thấy riêng trong quý 3 KLS có tổng doanh thu thuần là 96 tỷ đồng thì hết 89.33 tỷ đồng là doanh thu khác hay chính xác hơn chính là tiền lãi gửi ngân hàng (công ty có khoảng 1,609 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền đang… nhàn rỗi). Như vậy, nếu loại trừ lãi ngân hàng thì thu nhập kinh doanh thực của KLS chỉ là 6.67 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tốn 4.81 tỷ đồng.

Điều này có nghĩa mỗi tháng công ty có vốn điều lệ 2,025 tỷ đồng này (vốn chủ sở hữu 2,453 tỷ đồng) chỉ có khả năng kiếm ra… 620 triệu đồng doanh thu, tức đạt hiệu quả 0.03%.

Câu hỏi về trách nhiệm của ban lãnh đạo

Được biết, quý 3 KLS đạt được mức doanh thu từ hoạt động môi giới (nghề chính) là 1.29 tỷ đồng và lũy kế từ đầu năm đến giờ vỏn vẹn ở mức 3.93 tỷ đồng. Nhìn xa hơn, năm 2010 công ty cũng chỉ thu được 15.33 tỷ đồng tiền phí môi giới chứng khoán trong 9 tháng. KLS không chỉ bỏ rơi nghề chính của mình khi công bố ý định chuyển đổi mô hình vào kỳ Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2011 vừa qua mà thực tế ban lãnh đạo công ty này đã bỏ cuộc từ trước đó. Một bộ máy điều hành không muốn làm và không biết làm nghề chứng khoán nhưng lại đang điều hành một công ty chứng khoán có vốn hơn 2,000 tỷ đồng.

Việc công ty thu hẹp hoạt động cuối năm 2010 để dọn đường cho ý tưởng chuyển đổi mô hình qua kinh doanh bất động sản, xây dựng tạm xem là có lý do chính đáng. Nhưng khi ĐHĐCĐ để thông qua ý tưởng trên nhiều lần đều bất thành thì các nhà lãnh đạo đã khẳng định KLS vẫn là công ty chứng khoán. Tuy nhiên đã 6 tháng trôi qua thì KLS vẫn “bất tuân” ĐHĐCĐ và không có kế hoạch kinh doanh mới nào liên quan đến chứng khoán với báo cáo tài chính cho thấy hoạt động của các nghiệp vụ chính ngày càng hẹp dần. Trong khi máy điều hành vẫn chi tiêu hết 143.66 tỷ đồng 9 tháng qua cho chi phí quản lý doanh nghiệp của mình!

Dù không tham gia tự doanh vì ý thức rủi ro thì rõ ràng với 2,025 tỷ đồng, nếu KLS nghiêm túc với nghề, họ có thể làm được rất nhiều việc.

Giá trị nào cho cổ phiếu KLS?

Thật đáng buồn khi nghĩ về điều này hiện tại giá trị về tương lai của KLS gần như là 0! Các công ty như SSI, BVS, SHS tuy thua lỗ nhưng họ có tạo ra dòng tiền, có thị trường, có thương hiệu và có cả tương lai gắn với thị trường chứng khoán phía trước trong khi KLS lại “chết mòn trên một mớ tiền”. Không ai lập ra một công ty để nuôi một bộ máy chỉ đem tiền gửi ngân hàng mà ngốn mức chi phí 143.66 tỷ đồng/9 tháng. Với những nhà đầu tư thực sự, giá trị của đồng vốn chính là hiệu quả công ty mang về trong tương lai nhưng với KLS thì điều đó đang rất mơ hồ.

Sau khi đưa ra báo cáo với doanh thu bèo bọt, phiên giao dịch ngày 18/10 các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng cổ phiếu KLS với khối lượng lên đến hơn 1.39 triệu đơn vị, mức bán ròng cao nhất 4 tháng qua. Nhà đầu tư nước ngoài có sự chuyên nghiệp riêng nhưng hàng chục ngàn nhà đầu tư cá nhân thì khó nhìn xa được như họ.

Theo Vietstock

Comments are closed.