Kinh tế tháng 11: Xuất khẩu vượt trội, nhập siêu giảm mạnh

30/11/2011 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế nước ta trong tháng 11 cũng như tính chung 11 tháng qua là xuất khẩu đạt được sự vượt trội. Cùng với đó là nhập siêu giảm mạnh.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2011 ước đạt 8,6 tỷ USD; tính chung 11 tháng ước đạt trên 87,16 tỷ USD và là mức cao nhất từ trước tới nay.

Bình quân xuất khẩu 1 tháng đạt 7,92 tỷ USD. Nếu tháng 12 đạt bằng với mức bình quân trên, thì cả năm sẽ đạt 95 tỷ USD, cũng là mức cao nhất từ trước tới nay, tăng 23 tỷ USD so với kỷ lục đạt được trong năm 2010.

Tỷ lệ xuất khẩu/GDP lần đầu tiên vượt qua mức 80%, vượt xa so với kỷ lục 70,9% của năm trước. Nếu cộng với khoảng 105 tỷ USD ước nhập khẩu cả năm thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2011 ước đạt 200 tỷ USD, bằng khoảng 172% GDP, vượt xa so với tỷ lệ 154,4% của năm trước, vượt tỷ lệ kỷ lục 160,1% đã đạt được trong năm 2008, đứng thứ 5 thế giới. Điều này thể hiện độ mở cao của nền kinh tế Việt Nam. Mức xuất khẩu bình quân đầu người ước đạt 1.082 USD, cũng vượt xa so với mức kỷ lục  830,6 USD của năm 2010.

Về tốc độ tăng của xuất khẩu, 11 tháng đã tăng 34,7%, ước cả năm tăng 31,6% là tốc độ cao nhất từ năm 1997 đến nay, cao gấp trên 3 lần tốc độ tăng theo mục tiêu.

Sự vượt trội của xuất khẩu có phần đóng góp của các nhóm mặt hàng, của cả lượng và giá, của các thị trường xuất khẩu.

Mới qua 11 tháng đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 3 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước. Có 11 mặt hàng đạt trên 2 tỷ USD, tăng 1 mặt hàng. Đặc biệt có 5 mặt hàng đã đạt trên 4 tỷ USD (dệt may, dầu thô, giày dép, thủy sản, điện thoại các loại và linh kiện).

Xuất khẩu tăng còn do một số yếu tố khác. Có yếu tố về nguồn hàng tăng, nhất là nông, lâm- thủy sản (cà phê, hạt tiêu, gạo, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ), dầu thô, xăng dầu, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, giày dép, phương tiện vận tải, điện thoại các loại,… Có yếu tố là việc cung cấp vốn cho lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ trong những tháng gần đây được ưu tiên hơn cả về lượng vốn, cả về lãi suất. Có yếu tố do tỷ giá VND/USD tăng mạnh vào tháng 2, tháng 10, đã góp phần khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu,…

Về nhập khẩu, tháng 11 ước đạt 9,3 tỷ USD; tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 96,07 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với tốc độ tăng của xuất khẩu cao hơn của nhập khẩu,  nhập siêu đã giảm cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu. Nhập siêu đã giảm từ 1,5 tỷ USD trong tháng 9 xuống còn 0,75 tỷ USD trong tháng 10 và còn 0,7 tỷ USD trong tháng 11. Tính chung 11 tháng so với cùng kỳ năm 2010, nhập siêu đã giảm cả về quy mô tuyệt đối (8,9 tỷ USD so với 11,29 tỷ USD), cả về tỷ lệ so với xuất khẩu (10,2% so với 17,4%).

Nếu “tiến độ” này được duy trì, thì cả năm xuất khẩu sẽ đạt 95 tỷ USD, nhập khẩu sẽ đạt khoảng 105 tỷ USD và nhập siêu sẽ ở mức 10 tỷ USD, thấp nhất so với 4 năm trước đó (năm 2007 là 14,2 tỷ USD, năm 2008 là 18 tỷ USD, năm 2009 là 12,9 tỷ USD, năm 2010 là 12,6 tỷ USD); tỷ lệ nhập siêu cũng sẽ ở mức 10,5%, thấp nhất so với 10 năm trước đó, vừa thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội (18%) và chỉ tiêu phấn đấu của Chính phủ (16%). Đây cũng là tín hiệu khả quan để thực hiện mục tiêu đề ra cho năm 2012 (11,5- 12%).

Sự giảm xuống và còn ở mức thấp của nhập siêu được các chuyên gia lý giải bằng nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân quan trọng nhất là do xuất khẩu đạt được nhiều sự vượt trội cả về quy mô xuất khẩu; cả về tốc độ tăng so với năm trước; cả về tỷ lệ xuất khẩu so với GDP; cả ở khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; cả ở lượng và giá cả các mặt hàng chủ yếu; ở cả các thị trường xuất khẩu như đã phân tích ở trên.

Trong khi đó, nhập khẩu thời gian qua tăng thấp hơn xuất khẩu do nhiều yếu tố. Có yếu tố do tỷ giá VND/USD tăng như đã nêu ở trên, có yếu tố do sự hưởng ứng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, có yếu tố do tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá) 11 tháng tăng thấp so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (tăng 4,1% so với tăng 14,7%)…

Tuy nhiên có một vấn đề đáng lưu ý cần được cảnh báo mà gần đây các chuyên gia đề cập, đó là do sản xuất trong nước có xu hướng tăng chậm lại, khiến việc nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu bị chậm lại theo, chẳng hạn tốc độ tăng của sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ năm trước có xu hướng chậm lại (ước 6 tháng tăng 9,7%, ước 9 tháng tăng 7,8%, ước 11 tháng tăng 6,9%)…

Vì vậy, trong điều hành vĩ mô cần ưu tiên vốn cả về lượng, cả về lãi suất cho sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ để vừa tăng trưởng kinh tế, vừa giảm nhập siêu một cách bền vững.

Lâm Ngọc

CHÍNH PHỦ

 

 

Comments are closed.