Tốc độ tăng CPI sẽ giảm trong các tháng tiếp theo

28/02/2012 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Theo dự báo của một số chuyên gia, CPI có thể giảm vào tháng 3 và tăng thấp trong các tháng tiếp theo để cả năm tăng tương đối thấp, như đã từng diễn ra trong năm 2006 (tăng 6,6%) và 2009 (tăng 6,52%).

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,37% so với tháng 1 và tăng 2,38% so với tháng 12/2011.

Đây là các tốc độ tăng chỉ số cao hơn tốc độ tăng tương ứng 0,4% và 0,7% của cùng kỳ năm 2001 (là năm nằm trong thời kỳ được coi là thiểu phát với tốc độ tăng của cả năm 1999 chỉ có 0,1%, cả năm 2000 giảm 0,6%, cả năm 2001 chỉ tăng 0,8%).

Giá vàng tháng 2 tăng 3,27% tính chung 2 tháng giảm 0,47%. Giá USD tháng 2 giảm 0,41%, tính chung 2 tháng giảm 0,36%.

Kỳ vọng lớn nhất là lạm phát sẽ được kiềm chế trong những tháng tới cũng như cả năm 2012. Theo dự báo của một số chuyên gia, CPI có thể giảm vào tháng 3 và tăng thấp trong các tháng tiếp theo để cả năm tăng tương đối thấp, như đã từng diễn ra trong năm 2006 (tăng 6,6%) và 2009 (tăng 6,52%).

Kỳ vọng lớn thứ hai là mặt bằng lãi suất cho vay sẽ sớm được giảm xuống, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp, tồn kho giảm, góp phần cứu sản xuất, kinh doanh khỏi nguy cơ đình trệ, thực hiện được mục tiêu tăng trưởng hợp lý (6- 6,5%).

Hiện tại, chỉ số CPI đang là một trong những căn cứ để thị trường phỏng đoán về lộ trình giảm mặt bằng lãi suất thời gian tới, vốn được nhiều tổ chức đánh giá sẽ rơi vào cuối quý I đầu quý II này. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 5 ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay, trong đó có 4 NHTM nhà nước và do Nhà nước nắm cổ phần chi phối là Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank và 1 ngân hàng TMCP là VIB.

Kỳ vọng thứ ba là góp phần cùng với các biện pháp khác kéo chênh lệch giá vàng giữa trong nước và thế giới xuống còn khoảng 400.000 đồng/lượng như ý tưởng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để ngăn chặn tình trạng xuất, nhập lậu vàng, tạo sóng lớn đầu cơ làm giá; để có thể thu hút được lượng vàng lớn tồn đọng ở trong dân (theo dự đoán của nhiều chuyên gia lên đến 300- 500 tấn, tương đương với khoảng 16- 29% GDP).

Kỳ vọng thứ tư là tỷ giá VND/ngoại tệ tiếp tục được ổn định, cả năm tăng với tốc độ 2- 3% (tương đương với tốc độ tăng 2,24% của năm 2011).

Kỳ vọng thứ năm là vấn đề an sinh xã hội, trong đó nổi bật là lao động việc làm. Khi lạm phát ở mức thấp, thì thu nhập thực tế đỡ bị sụt giảm do lạm phát; khả năng sản xuất, kinh doanh được phục hồi dần và không những ngăn chặn được nguy cơ thất nghiệp và thiếu việc làm mà còn thu hút được số lao động mới, tăng thu nhập cho người lao động.

Tốc độ tăng CPI, giá vàng, giá USD thuộc loại thấp của tháng 2 và 2 tháng đầu năm do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân tổng quát là quan hệ cung- cầu đã đỡ mất cân đối  hơn.

Về cung, có một số điểm đáng lưu ý. Sản lượng lúa 2011 tăng cao, làm cho giá lương thực, mặt hàng thiết yếu nhất giảm ngay trong tháng Tết – một hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm qua, bởi trong dịp Tết Nguyên đán thông thường giá lương thực tăng cao. Nhà nước đã chỉ đạo mua lúa để giữ giá cho nông dân. Nhiều địa phương, nhất là những trung tâm tiêu thụ lớn đã làm tốt công tác dự trữ hàng hoá thiết yếu sẵn sàng can thiệp để bình ổn giá. nhà nước, cộng đồng đã hỗ trợ tích cực hàng hoá, nhất là lương thực cho các hộ chính sách, hộ thiếu đói, gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

Về cầu, vốn đầu tư khu vực kinh tế nhà nước tính theo giá thực tế tháng 1 vừa đạt thấp so với kế hoạch năm (6,6%), vừa giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 1,7%), trong đó vốn địa phương quản lý còn giảm nhiều hơn (giảm 2,2%); nếu loại trừ yếu tố tăng giá sau một năm, thì tốc độ giảm còn lớn  hơn nữa.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 so với cùng kỳ năm trước, tuy tính theo giá thực tế thì tăng 22%, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá tháng 1/2012 so với tháng 1/2011 (17,27%), thì chỉ tăng 4%. Đây là tốc độ tăng thấp chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng 8,7% của tháng Tết năm trước. Tham gia trực tiếp vào việc làm giảm hoặc tăng chậm của tổng cầu là tốc độ tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Việc bơm ròng tiền qua thị trường OMO của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ thanh khoản của ngân hàng thương mại trong dịp Tết với số tiền ít hơn Tết năm trước, thời hạn được rút ngắn hơn và việc hút trở lại cũng nhanh hơn, nên không gây ra lạm phát.

Điều quan trọng là mục tiêu kiềm chế lạm phát đã được ưu tiên, kiên trì, nhất quán và có sự phối hợp tốt hơn, tạo sự đồng thuận giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và người dân.

Tâm lý về việc lạm phát cao đã không còn gây áp lực lớn, thể hiện ở việc các nhà đầu tư không lao vào tìm nơi trú ẩn là vàng và ngoại tệ.

Tuy nhiên, việc kiềm chế lạm phát vẫn không thể chủ quan.

Theo Đào Ngọc

Chinhphu.vn

 

 

Comments are closed.