CPI tháng 8: Lạm phát đến sớm hơn dự báo

30/08/2012 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

6 tháng đầu năm chỉ số CPI tăng thấp, thậm chí tháng 6, tháng 7 CPI theo tháng tăng trưởng âm lần lượt 0,26% và 0,29%. Đây là lần đầu tiên sau 9 năm, CPI tháng 7 giảm so với tháng trước.

CPI tháng 7: Giảm không bất ngờ

2 tháng liên tiếp giảm của chỉ số gia tiêu dùng có thể nói là không bất ngờ đối với cơ quan quản lý cũng như người dân, bởi lẽ sức mua của thị trường suy giảm, tín dụng cho nền kinh tế tăng rất thấp.

Suy giảm tổng cầu là nguyên nhân chính khiến chỉ số CPI âm trong tháng 6 và tháng 7 nhất là cầu đến tiêu dùng nội địa. Tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt 6,5% so với mức tăng trung bình trên 12% của giai đoạn 2001-2010.

Cùng với đó là cầu đầu tư, đầu tư công và đầu tư tư nhân, nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm so với năm trước.

Thị trường khó khăn tồn kho nhếu, doanh nghiệp cắt giảm, thu hẹp sản xuất là hiện trạng thực tế diễn ra khắp cả nước.

Tác động trực tiếp lên giá cả là yếu tố tiền tệ cũng giảm mạnh trong 7 tháng đầu năm 2012. Theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước tính đến 30/07/2012 tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống là 1,02% so với cuối 2011. So với chỉ tiêu được đặt ra hồi đầu năm của NHNN là 15-17% thì còn cách xa.

CPI tháng 8 tăng sớm hơn dự báo

Trái ngược với tháng 7, CPI tháng 8 đã có mức tăng ngoạn mục 0,63%, cao nhất kể từ tháng 3/2012 và nhiều hơn tổng mức giảm của 2 tháng trước đó.

Nguyên nhân chính khiến CPI tháng 8 tăng mạnh do tăng giá một loạt mặt hàng thiết yếu xăng dầu, dịch vụ y tế.

Trong vòng 1 tháng mặt hàng xăng A92 đã tăng từ 21.000 đồng/lít lên 23.000 đồng/lít làm tăng giá ở nhiều mặt hàng khác.

Điều chỉnh tăng giá dịch vụ Y tế theo thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã được đồng loạt áp dụng tại nhiều tỉnh, khiến chỉ số nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh 5,44% trong tháng 8.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì những yếu tố khiến CPI tăng mạnh trở lại trong tháng 8 sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh lên CPI tháng 9.

“Các yếu tố tăng giá vẫn còn trong tháng 9 và duy trì đến cuối năm vì chưa có dấu hiệu dừng lại; cùng với đó là hậu quả từ những đợt tăng giá trước dồn lại. Thêm vào đó là nguy cơ từ nới lỏng đầu tư công thì lạm phát cuối năm sẽ tăng lại”- ông Ánh nói.

Yếu tố tiền tệ cũng sẽ có tác động nhất định lên CPI các tháng cuối năm bởi nhiều NHTM cũng liên tục tung ra thị trường các gói tín dụng với lãi suất thấp hơn. Nhiều nhà băng đã xin tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Một vài NHTM như OCB, Tienphongbank, Oceanbank đã được NHNN chấp thuận tăng trưởng tín dụng 25-27% trong năm 2012.

Nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, một khi hàng tồn kho của doanh nghiệp vẫn còn cao, thị trường còn khó khăn thì nhu cầu vốn không tăng nhiều.

Hơn nữa vấn đề thanh khoản, quản trị tại một số ngân hàng vẫn còn yếu thì khả năng giải ngân mạnh không cao. Do vậy yếu tố tiền tệ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát 2012. Nếu các ngân hàng cố gắng bơm tín dụng ra nền kinh tế mà giảm kiểm soát chất lượng thì lạm phát sẽ đến vào năm sau.

Việc CPI tháng 8 tăng mạnh trở lại đã đến sớm hơn với dự báo trước đây của nhiều chuyên gia. Điều này khiến cho dư địa giảm lãi suất không còn nhiều.

“CPI tháng 8 cho thấy lạm phát đến sớm hơn 1-2 tháng so với dự kiến, vì vậy lãi suất huy động chỉ có thể giảm xuống 8%/năm. Dự báo trước đó với điều kiện lạm phát thấp, CPI giảm theo tháng thì lãi suất huy động hoàn toàn có thể giảm xuống 7%/năm” – ông Ánh nhận định.

Theo ông Ánh để hạn chế lạm phát thì ngay lúc này cần theo dõi chặt nguồn vốn đầu tư công đang được giải ngân cũng như sớm có cơ chế điều hành giá các mặt hàng thiết yếu xăng, dầu, điện cho phù hợp.

Thanh Hải

Theo TTVN

Comments are closed.